Danh mục đề xuất 10 sự kiện nổi bật của TPHCM năm 2021

12:03 10/12/2021

(HMC) - Thực hiện Kế hoạch số 3771/KH-UBND ngày 12/11/2021 của UBND Thành phố về tổ chức bình chọn, công bố 10 sự kiện nổi bật của TPHCM năm 2021 và chỉ đạo của Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Báo chí TP tổ chức lấy ý kiến người dân về các sự kiện nổi bật của Thành phố năm 2021. Thời gian lấy ý kiến trước ngày 13/12/2021.

Dưới đây là danh mục đề xuất các sự kiện nổi bật, trong đó, lĩnh vực Chính trị: 02 sự kiện, lĩnh vực Kinh tế: 02 sự kiện, lĩnh vực Đô thị: 01 sự kiện, lĩnh vực Văn hóa – Xã hội: 05 sự kiện, lĩnh vực An ninh - Quốc phòng: 01 sự kiện, lĩnh vực Đối ngoại: 01 sự kiện.

LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ

1. Chính thức thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM

Ngày 31/12/2020, tại UBND quận 2, TPHCM tổ chức Lễ Công bố Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp Huyện, cấp Xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM. Theo đó, TPHCM sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM, ghi dấu ấn về việc lần đầu tiên thành lập “thành phố trong thành phố” trực thuộc Trung ương.

Chính thức thành lập TP Thủ Đức. Ảnh: TTXVN
Chính thức thành lập TP Thủ Đức. Ảnh: TTXVN

Việc thành lập TP Thủ Đức góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. TP Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; Kể từ khi thành lập đến nay, TP Thủ Đức đã triển khai thực hiện các hướng dẫn của sở, ngành trong việc thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan đến đời sống, an sinh xã hội, kinh doanh cho cá nhân và tổ chức với nguyên tắc không thu các loại lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính; Hoàn thiện mạnh mẽ hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu Thành phố Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể: xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân; Xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông; Cải tạo rạch Bình Thái, phường Trường Thọ; xây dựng hoàn chỉnh và vận hành 03 cống ngăn triều kết hợp trạm bơm của dự án Bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại) từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị Thủ Thiêm. Nâng cấp, mở rộng đường Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Bưng Ông Thoàn, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Duy Trinh, quốc lộ 13 cũ; Mở rộng đường Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Hợp; Xây dựng tuyến vành đai 2 đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, quốc lộ 1; Xây dựng công viên Trung tâm đa chức năng kết hợp với hồ điều tiết khu vực phường Tam Phú, Linh Đông, Hiệp Bình Chánh; Bệnh viện quy mô 1.000 giường tại phường Trường Thạnh,...

Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2021, nổi bật nhất là trong điều kiện giãn cách xã hội linh hoạt trong phòng, chống dịch và thực hiện nhiệm vụ, tháng 6/2021, TAND TP Thủ Đức đề xuất với TAND TPHCM về phương án xét xử trực tuyến án hình sự, để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bị can, bị cáo, những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và của cả cộng đồng, đồng thời giải tỏa nguy cơ án tồn, ảnh hưởng đến xã hội và Nhân dân. Chiều 12/11, với 468/475 đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. TAND TP Thủ Đức được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản.

2. TPHCM cùng với cả nước tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026

Trong tháng 6/2021, TPHCM đã tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân TP nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp với tỉ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,60%. Kết quả, TPHCM có 30 đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 94 đại biểu trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân TP nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Qua cuộc bầu cử, cử tri và nhân dân "đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chương trình hành động và lời hứa trước cử tri trong quá trình vận động bầu cử; phát huy trí tuệ, gương mẫu, bản lĩnh, thật sự gắn bó "máu thịt" với nhân dân: tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân nhờ", đồng lòng, đoàn kết hoàn thành mục tiêu trong đổi mới và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của TP.

TPHCM cùng với cả nước tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
TPHCM cùng với cả nước tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Sự kiện bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân TP nhiệm kỳ 2021 - 2026 có ý nghĩa khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI đặt ra mục tiêu, đưa TP sang giai đoạn phát triển mới, xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân; TPHCM là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông - Nam Á.

LĨNH VỰC KINH TẾ

3. Kinh tế TPHCM khởi sắc hậu đại dịch - Quốc hội đồng ý tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ 18% lên 21% - Thu ngân sách năm 2021 đạt dự toán được giao

Sau thời gian dài giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, đầu tháng 10/2021, TPHCM bắt đầu mở cửa theo Chỉ thị 18, từng bước khôi phục kinh tế.

Cục Thống kê TP nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 đã được cải thiện đáng kể sau khi TP nới lỏng giãn cách, một số hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động lại.

Cụ thể chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10/2021 ước tính tăng 23,6% so với tháng 9/2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 dự ước đạt 43.602 tỷ đồng, tăng 27% so với tháng trước.

Quốc hội đồng ý tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ 18% lên 21%. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ10:24TTBC Ngọc Huyền
Quốc hội đồng ý tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ 18% lên 21%. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ10:24TTBC Ngọc Huyền

Cũng trong 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Thành phố tăng 8,4% so với cùng kỳ. Khu vực ngoài nhà nước được xem là động lực chính trong tăng trưởng xuất nhập khẩu của Thành phố với kim ngạch xuất khẩu tăng 1,6% và nhập khẩu tăng 1% so với cùng kỳ.

Tổng thu cân đối ngân sách 10 tháng đầu năm 2021 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ, không kể nguồn thu từ quỹ dự trữ tài chính thì tổng thu ngân sách ước tăng 4,6% so với cùng kỳ. Cũng trong tháng 10, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 25.995 lượt lao động; số việc làm mới tạo ra là 14.121 chỗ.

Về Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, trong đó có nội dung: Tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TPHCM trong năm sau sẽ tăng lên 21% thay vì 18% như giai đoạn 2016-2021, tương ứng gần 6.000 tỉ đồng.

Với quy mô kinh tế chiếm gần 23% GDP cả nước, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam sau đại dịch sẽ tùy thuộc rất lớn vào sự phục hồi của kinh tế TPHCM. Do vậy, với sự tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM lên 21% sẽ giúp Thành phố trong bối cảnh khó khăn hiện nay có thêm nguồn lực để chi tiêu, hỗ trợ người dân và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Điều này không chỉ mang lại tác động đối với Thành phố, mà còn lan tỏa tích cực đến nhiều địa phương khác trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như đóng góp vào sự phục hồi chung của cả nước.

Năm 2021, Trung ương đã giao chỉ tiêu TPHCM thu ngân sách đạt khoảng 365.000 tỷ đồng. Do dịch bệnh, năm 2021, TPHCM bị ảnh hưởng rất lớn từ các mặt của xã hội, trong khi kế hoạch năm đề ra là tăng trưởng dương 6%. Nhưng điều đáng chú ý, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm.

4. Thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”

TPHCM đã lựa chọn năm 2021 là năm xây dựng chính quyền đô thị với 20 chỉ tiêu dự kiến.

Về kinh tế có 6 chỉ tiêu, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) là 6%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 5,7%/năm.

Về xã hội có 6 chỉ tiêu, phấn đấu tạo việc làm mới cho 140.000 lao động; giảm 0,4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố, phấn đấu đạt tỷ lệ 20,2 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh vạn dân; tiếp tục duy trì đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 - 18 tuổi)…

Có 5 chỉ tiêu về đô thị và môi trường, trong đó phấn đấu tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 12,76%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,26 km/km2; diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,55m2/ người…

Về cải cách hành chính có 2 chỉ tiêu là phấn đấu thành phố nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR - index); tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 91% trở lên.

Và 1 chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội.

TPHCM chọn năm 2021 là năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư (Ảnh: Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
TPHCM chọn năm 2021 là năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư (Ảnh: Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)

Năm 2021, TPHCM đã đưa ra các giải pháp quyết liệt thực hiện chương trình cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, 10 giải pháp được đề ra gồm: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn thành phố; tiếp cận nguồn lực đất đai; chuyển đổi số và khoa học công nghệ; nhóm giải pháp về đầu tư công; nhóm giải pháp về quy hoạch và xây dựng; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp cận nguồn lực tài chính; hoàn thiện thiết chế pháp lý, nâng cao ý thức thực thi pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà phát triển cho TP. Và đạt được kết quả như sau:

- Tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Lãnh đạo TP, thủ trưởng các sở, ban, ngành với các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp, Hội ngành nghề, Hội đồng ngành để tháo gỡ các khó khăn, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp; Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Thường trực UBND TP, thủ trưởng các sở, ban, ngành với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp; Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tiếp và trực tuyến kết hợp với các tổ chức quốc tế thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; Hội nghị xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, tạo chuỗi cung ứng, kết nối doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu.

- Giới thiệu và hướng dẫn các chính sách khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đổi mới công nghệ; trình diễn công nghệ; kết nối cung - cầu công nghệ; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và các hoạt động đổi mới sáng tạo.

- Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.

- Tổ chức Tuần lễ “Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính ngay trong ngày”.

- Cam kết thực hiện giải quyết thủ tục hành chính sớm và đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn trong thời gian diễn ra Tháng cao điểm. Rà soát và đăng ký hoàn thành việc xử lý tháo gỡ vướng mắc của các dự án cụ thể trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, đăng ký kinh doanh.

- Thực hiện chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong giao tiếp với người dân phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

- Đối với phạm vi tại các Sở, ban, ngành, tùy tình hình thực tế, các đơn vị đã tổ chức 2 hoạt động: Tổ chức quán triệt Tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 cho toàn thể công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị; phát động thi đua tại đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2021 đã được UBND TP, Chủ tịch UBND TP giao. Tổ chức Hội nghị/Hội thảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

LĨNH VỰC ĐÔ THỊ

5. Khởi công xây dựng cao tốc TPHCM - Mộc Bài

Tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa X ngày 19/10/2021, các đại biểu Hội đồng Nhân dân TP đã thông qua nghị quyết đồng thuận thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho quốc lộ 22.

Đây cũng là tuyến giao thông cao tốc xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN. Đồng thời, dự án cũng phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư xây dựng trong khu vực, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Khởi công xây dựng cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Ảnh: VOV Giao thông
Khởi công xây dựng cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Ảnh: VOV Giao thông

Cao tốc TPHCM - Mộc Bài dài 53,5 km, đi qua TPHCM với chiều dài 24 km, tỉnh Tây Ninh gần 30 km. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 13.600 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 5.100 tỉ đồng. Dự án này được đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Cao tốc TPHCM - Mộc Bài sau khi hoàn thành sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng năng lực khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TPHCM với Campuchia. Công trình cũng phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối TPHCM - Tây Ninh và giúp giảm tải quốc lộ 22.

LĨNH VỰC VĂN HÓA - XÃ HỘI

6. Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động lớn đến mọi mặt của TPHCM, Thành phố huy động được các nguồn lực của xã hội, nhận được hỗ trợ lớn của cả nước, thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp và cơ bản kiểm soát được dịch CoVId-19

Bước vào đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại TPHCM từ cuối tháng 5/2021 đến nay đã tác động đến mọi hoạt động đời sống kinh tế - xã hội tại Thành phố. Sau gần 5 tháng tập trung tất cả nhân lực, vật lực, ưu tiên phòng chống dịch, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Trung ương, sự hỗ trợ to lớn từ các ban, bộ, ngành, địa phương và sự đồng lòng, chung tay góp sức của toàn thể nhân dân và cộng đồng xã hội, đến cuối tháng 9/2021, TPHCM đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh và từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.

Phát huy tinh thần thành phố nghĩa tình, “vì cả nước, cùng cả nước”, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp TPHCM đã chung sức, chung lòng cùng với hệ thống chính trị Thành phố tham gia các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, đóng góp sức người và sức của, từ triển khai các hoạt động thiện nguyện, hình thành các mô hình “siêu thị 0 đồng”, ATM gạo, ATM oxy. đến đóng góp kinh phí, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất (chung cư, nhà tiền chế để thành lập bệnh viện dã chiến; phương tiện xe cấp cứu, xét nghiệm.).

Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động lớn đến mọi mặt của TPHCM, TP huy động được các nguồn lực của xã hội, nhận được hỗ trợ lớn của cả nước, thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp và cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Ảnh: báo Người Lao Động
Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động lớn đến mọi mặt của TPHCM, TP huy động được các nguồn lực của xã hội, nhận được hỗ trợ lớn của cả nước, thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp và cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Ảnh: báo Người Lao Động

Tính từ ngày 15/8/2021 đến 06/12/2021, Trung tâm an sinh TP đã tiếp nhận hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân gặp khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19 của các tỉnh, thành, các doanh nghiệp và các mạnh thường quân trị giá hơn 190.005.421.000 đồng và phân phối đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, 22 quận, huyện, TP Thủ Đức, các bếp ăn từ thiện, các cơ sở dân tộc tôn giáo, các khu phong tỏa, các trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; cùng sự hỗ trợ, đóng góp từ Công an TP, Bộ Tư lệnh TP, BCH Quân sự TP Thủ Đức, Hội LHPN TP, Sở Y tế, lực lượng tình nguyện viên... trị giá hơn 186.328.289.572 đồng. Tổng số túi an sinh đã chuyển tới các quận, huyện, TP Thủ Đức là 2.419.694 túi.

TPHCM đi đầu cả nước trong thực thi các biện pháp mới, thí điểm phòng chống dịch COVID-19: bao phủ vaccine toàn dân, triển khai các trạm y tế lưu động và tổ y tế cộng đồng; tiến hành cách ly, theo dõi, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nơi lưu trú.

7. Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” lần đầu tiên được chính quyền Thành phố thực hiện với phương thức truyền thông mới, tương tác trực tiếp với người dân thông qua mạng xã hội

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TPHCM, từ ngày 24/8/2021 đến ngày 31/12/2021, Sở Thông tin vàTruyền thông tổ chức sản xuất chương trình phát sóng trực tiếp (Livestream) “Dân hỏi -Thành phố trả lời” trên các nền tảng mạng xã hội Facebook (Fanpage), YouTube và TikTok của Trung tâm Báo chí TP để chia sẻ thông tin của chính quyền tới người dân TP (trong đó từ 24/8 đến 04/10/2021, Sở đã phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông). Đồng thời, chương trình được tiếp sóng qua 15 kênh truyền thông mạng xã hội Facebook và 5 kênh truyền thông qua Youtube của Cổng thông tin Chính phủ, các cơ quan báo đài Trung ương và TP.

Qua 23 số phát sóng (tính đến 3/12/2021), với nhiều chủ đề khác nhau tập trung vào các nội dung, sự kiện mà người dân đang quan tâm: an sinh xã hội, lao động - việc làm, giao thông, phục hồi sản xuất kinh doanh, giáo dục - y tế..., Chương trình đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo TP, sự hỗ trợ của các Sở, ngành, địa phương và sự đón nhận của người dân TP.

Chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” lần đầu tiên được chính quyền Thành phố thực hiện với phương thức truyền thông mới, tương tác trực tiếp với người dân thông qua mạng xã hội. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM
Chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” lần đầu tiên được chính quyền Thành phố thực hiện với phương thức truyền thông mới, tương tác trực tiếp với người dân thông qua mạng xã hội. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM

Đây là chương trình đối thoại của chính quyền với người dân trên nền tảng mạng xã hội đầu tiên, chưa có tiền lệ, thể hiện sự mạnh dạn, tiên phong trong cách làm, mong muốn lắng nghe, đối thoại với người dân của chính quyền thành phố. Là kênh truyền thông trực tiếp, hiệu quả thông qua sử dụng công cụ truyền thông mới trên mạng xã hội, cung cấp thông tin hiệu quả, chính xác, trực tiếp đến người dân, góp phần đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật. Qua việc thu hút lượng lớn người dân tham gia, chương trình trở thành kênh thông tin giúp người dân phản hồi ý kiến, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của mình. Ngoài ra, đây cũng là kênh tiếp nhận thông tin trực tiếp, giúp chính quyền TP thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, để từ đó điều chỉnh, triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong người dân, doanh nghiệp.

8. Hỗ trợ gần 10 triệu lượt người dân Thành phố với kinh phí khoảng 12 nghìn tỷ đồng

Trong diều kiện còn khó khăn, công tác an sinh xã hội của TPHCM đã triển khai kịp thời, quyết liệt gói hỗ trợ cho người dân ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cũng như các lực lượng tham gia phòng chống dịch với tổng kinh phí gần 12.000 tỷ đồng.

TPHCM kịp thời hỗ trợ người dân khó khăn trong đại dịch. Mặc dù dịch bệnh kéo dài 04 tháng nhưng 3 đợt hỗ trợ có thời gian triển khai rất gấp rút, chỉ khoảng 2 tháng, từ khâu rà soát, xét duyệt cho đến trao hỗ trợ bằng tiền mặt với số lượng người nhận và lĩnh vực, ngàng nghề ngày càng mở rộng. Trong 3 đợt hỗ trợ đã có khoảng 10 triệu lượt người dân TP được hỗ trợ với tổng kinh phí tính đến thời điểm này khoảng 12.000 tỷ đồng.

Về chính sách hỗ trợ người dân “hậu giãn cách”, TP cũng đã và đang tổ chức chính sách chăm lo người cao tuổi, trẻ em mất cha mẹ, người nuôi dưỡng chính vì COVID-19.

Trong 2 đợt đầu tiên, TPHCM đã hỗ trợ cho hơn 1 triệu lượt người và hơn 1,28 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động khó khăn. Ngoài ra, tính chung các đối tượng theo diện Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM và Nghị quyết 68 của Chính phủ, TP đã chi trả cho hơn 171.000 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ cho hơn 9.300 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động.

Hỗ trợ gần 10 triệu lượt người dân TPHCM với kinh phí khoảng 12.000 tỷ đồng. Ảnh: Báo Pháp Luật TPHCM
Hỗ trợ gần 10 triệu lượt người dân TPHCM với kinh phí khoảng 12.000 tỷ đồng. Ảnh: Báo Pháp Luật TPHCM

Với doanh nghiệp, TPHCM hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Nghị quyết số 68 cho hơn 101.000 đơn vị, hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 79 đơn vị.

Trong đợt hỗ trợ COVID-19 lần thứ 3 dùng để chi cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn với 5 diện thụ hưởng, danh sách thẩm định phê duyệt được các quận, huyện và thành phố Hồ Chí Minh cập nhập lên phần mềm quản lý là hơn 7,6 triệu người.

Ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4, TPHCM đã và đang triển khai 3 gói hỗ trợ người dân. Cụ thể, gói hỗ trợ đợt 1 khoảng 886 tỷ đồng được triển khai từ đầu tháng 7, ưu tiên hỗ trợ lao động tự do. Có khoảng 370.000 lao động tự do đã được hỗ trợ, mỗi người nhận 1,5 triệu đồng.

Đến đầu tháng 8, TP tiếp tục có gói hỗ trợ đợt 2 hơn 900 tỷ đồng và sau đó bổ sung thêm 2.577 tỷ đồng hỗ trợ hơn 1,2 triệu hộ nghèo, hộ lao động khó khăn và hơn 1 triệu lao động tự do.

Gói hỗ trợ đợt 3 được TPHCM triển khai từ cuối tháng 9 với kinh phí khoảng 7.300 tỷ đồng. Gói này không tính theo hộ mà theo nhân khẩu. Mỗi người nhận 1 triệu đồng không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú.

9. Tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 trang trọng, thiêng liêng và xúc động

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Thành ủy TPHCM phối hợp tổ chức Lễ Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19, UBND TP ban hành Kế hoạch số 3759/KH-UBND ngày 11/11/2021 về tổ chức Lễ Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 để tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19, thể hiện nỗi buồn sâu sắc, sự sẻ chia trước những mất mát, đau thương của hàng vạn gia đình đã mất đi người thân, đồng thời tiếp tục khích lệ tinh thần đối với các lực lượng đã và đang tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Vào lúc 20 giờ 00 ngày 19/11/2021, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND TPHCM đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ tử vong trong đại dịch COVID-19. Các cơ sở tôn giáo cùng đánh chuông tưởng niệm vào cùng thời điểm trên.

Mục đích của buổi lễ nhằm tưởng niệm hơn 2,3 vạn đồng bào tử vong và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 trang trọng, thiêng liêng và xúc động. Ảnh: Báo Thanh Niên
Tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 trang trọng, thiêng liêng và xúc động. Ảnh: Báo Thanh Niên

Đây là hoạt động đầy ý nghĩa thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng. Đồng thời buổi lễ cũng nhằm tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19; khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc để mỗi người cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

10. TPHCM tiên phong chuyển đổi số

TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố Chương trình chuyển đổi số. Ngành Thông tin và Truyền thông đạt được sự tiến bộ, phát triển vượt bậc sau làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, góp phần quan trọng duy trì hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội: triển khai Hệ thống khai báo y tế điện tử bằng mã QR trên phạm vi toàn Thành phố; Hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; xây dựng Bản đồ số COVID-19 phục vụ cộng đồng theo dõi trực quan thông tin dịch tễ COVID-19; thiết lập, vận hành, triển khai kết nối Hội nghị trực tuyến đến cấp phường, xã, thị trấn phục vụ chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống COVID-19;...

Chương trình chuyển đổi số của TPHCM được xây dựng dựa trên Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc Chính quyền điện tử TP. Thành phố đặt ra tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2030, Thành phố trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

TPHCM tiên phong chuyển đổi số. Nguồn: Website Thành ủy TPHCM
TPHCM tiên phong chuyển đổi số. Nguồn: Website Thành ủy TPHCM

Kết quả đến năm 2021, Thành phố đã triển khai các nền tảng cơ bản xây dựng chính quyền điện tử theo kiến trúc chính quyền điện tử TP, tăng cường kết nối giữa các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin mạng, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nền tảng tích hợp, chia sẽ dữ liệu và kho dữ liệu dùng chung của TP được đưa vào vận hành chính thức đầu tiên trong cả nước, liên thông kết nối nền tảng tích hợp, chia sẽ dữ liệu Quốc gia; hạ tầng viễn thông và thông tin liên lạc của TP được triển khai đến cấp phường, xã với mật độ phủ sóng cao nhất nước.

TPHCM đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, công nghệ số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Nhiều giải pháp thu hút nguồn lực công nghệ thông tin được TP triển khai nhằm tăng cường kết nối, tạo mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp, trường, viện trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đặc biệt trong việc cung cấp các dịch vụ công ích; khuyến khích các doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số và công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối...tạo thành hệ sinh thái tập hợp nguồn lực thống nhất phục vụ mục tiêu hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số mà TP đã đề ra.

LĨNH VỰC AN NINH - QUỐC PHÒNG

11. Lực lượng Quân đội đóng góp quan trọng với vai trò tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19; Lực lượng Công an đã triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, có vai trò lớn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM.

Thời điểm dịch COVID-19 đợt 4 diễn biến phức tạp tại TP, Bộ Quốc phòng cùng lực lượng Quân sự TPHCM đã huy động lực lượng quân đội lớn nhất từ sau chiến tranh tham gia phòng, chống dịch COVID- 19, triển khai nhiều hoạt động an sinh ý nghĩa như đi chợ, đưa thực phẩm đến từng hộ dân, trực chốt trên các tuyến đường, đội ngũ quân y có mặt tại các bệnh viện thu dung từ thành phố đến các cơ sở quận, huyện... tạo nên hình ảnh đẹp trong lòng người dân, thực sự là tuyến đầu trách nhiệm, thể hiện rõ hình ảnh người bộ đội cụ Hồ khi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong những ngày giãn cách xã hội.

Chiến sĩ bộ đội thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 (Quân khu 7) vận chuyển gạo, thực phẩm đến phát cho những người lao động nghèo, những người dân gặp khó khăn trên địa bàn P.9, Q.10 trong chiều 23/8/2021. Ảnh: Báo Thanh Niên.
Chiến sĩ bộ đội thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 (Quân khu 7) vận chuyển gạo, thực phẩm đến phát cho những người lao động nghèo, những người dân gặp khó khăn trên địa bàn P.9, Q.10 trong chiều 23/8/2021. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Công an TPHCM tập trung lực lượng cho công tác phòng chống dịch, nhưng vẫn đeo bám, kiên trì trấn áp tội phạm, có những hoạt động hiệu quả, thiết thực góp phần quan trọng giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố bảo vệ bình yên cho nhân dân. Công an TP ghi nhận xảy ra 2.891 vụ phạm pháp hình sự, điều tra khám phá hơn 2.000 vụ, bắt 2.081 đối tượng, tội phạm về trật tự xã hội giảm 187 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Tai nạn giao thông đường bộ, cháy nổ cũng giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tổ chức nhiều đợt ra quân tấn công, trấn áp các loại tội phạm, phát hiện và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật, triệt phá hàng chục vụ án ma túy lớn, xử lý nhiều vụ án vi phạm về quản lý kinh tế.

Năm 2021, TPHCM đã giao Công an TP trực tiếp triển khai, thực hiện quyết liệt chương trình cấp thẻ công dân gắn chíp cho người dân TP, mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong sinh hoạt cũng như trong giao dịch của công dân.

Tính đến thời điểm hiện tại, Công an TP đã trả hơn 2,1 triệu CCCD cho người dân, đạt tỉ lệ hơn 98%. Từ ngày 4/10 đến cuối tháng 11/2021, Công an TP đã thu nhận 1.182.204 hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử, đạt 33,9% so với chỉ tiêu 3.482.563 nhân khẩu (hiện còn 2.300.359 nhân khẩu).

LĨNH VỰC ĐỐI NGOẠI

12. TPHCM tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài; Thành phố nhận được nhiều nguồn lực, tình cảm từ các tỉnh, thành trên cả nước, cộng đồng kiều bào và bạn bè quốc tế.

TPHCM khẳng định quan điểm nhất quán của chính quyền Thành phố luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, an toàn và lâu dài tại TP. TPHCM cam kết sẽ làm tốt hơn nữa các cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư đã đề ra. Đồng thời kiên trì các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để TP luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như đáp lại sự mong mỏi của các nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào cải cách của TPHCM.

Sáng ngày 25/3/2021, TPHCM tổ chức sự kiện “Đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM và doanh nghiệp Hàn Quốc”. Tính hết năm 2020, quốc gia này có hơn 8.900 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký đạt khoảng 70,65 tỷ USD. Như vậy, Hàn Quốc đứng đầu trong số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, về cả tổng vốn đăng ký đầu tư và số dự án đầu tư tại Việt Nam.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình “Đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM và doanh nghiệp Hàn Quốc”. Ảnh: Thanhuytphcm.vn
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình “Đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM và doanh nghiệp Hàn Quốc”. Ảnh: Thanhuytphcm.vn

Thành phố nhận được nhiều nguồn lực, tình cảm:

- Bạn bè quốc tế: Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 1.540.000 liều vaccine Astrazeneca; Chính phủ Áo trao tặng 50.000 liều vaccine AstraZeneca; Chính phủ và nhân dân Ba Lan viện trợ 1.389.300 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca, đồng thời viện trợ nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu trị giá 4 triệu USD; Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc viện trợ 1,1 triệu liều vaccine COVID-19 AstraZeneca; Nga chuyển giao công nghệ để Việt Nam sản xuất 100 triệu liều vaccine Sputnik V.

- Cộng đồng kiều bào: Người Việt tại Ai Cập, Đức và Ba Lan chung tay ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19.

- Các tỉnh, thành trên cả nước: TP Hải Phòng ủng hộ 10 tỷ đồng, Quảng Nam ủng hộ 2 tỷ đồng; Quảng Trị 500 triệu đồng, Tây Ninh 1 tỷ đồng; Đà Nẵng 10 tỷ đồng, Bến Tre 500 triệu đồng, Quảng Bình 20.000 suất ăn nghĩa tình trị giá 600 triệu đồng và hàng trăm tấn nông sản, lương thực, thực phẩm từ Vĩnh Long, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp gửi tặng nhân dân và lực lượng phòng chống dịch của TPHCM. Hơn 2,5 tấn rau củ nghĩa tình từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Bảo Lộc - Lâm Đồng. Bên canh sự ủng hộ về tài lực, vật lực còn có những lá thư, những lời động viên, cổ vũ rất ấm áp, chân tình.

- Các doanh nghiệp: hỗ trợ 160 tỷ đồng cùng 4 triệu liều vaccine cho Quỹ mua vaccine COVID-19 của Việt Nam từ ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, HDBank và Tập đoàn Vingroup, Sovico Group,…

Có thể nhận thấy, khi tình hình kinh tế - xã hội TP diễn biến phức tạp, khó lường do đại dịch COVID-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, đồng bào ta ở nước ngoài đã đồng lòng, sát cánh và chia sẻ với đồng bào trong nước, đã đóng góp rất thiết thực và hiệu quả vào phòng chống dịch COVID-19.

Song song đó, Thành phố còn nhận được rất nhiều tình cảm đáng trân quý từ các doanh nghiệp nước ngoài, bạn bè quốc tế trong công tác chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch với trong nước, thậm chí dành cả cơ sở vật chất của mình ở Việt Nam phục vụ phòng chống dịch. Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước luôn trân trọng tình cảm, nghĩa cử, sự ủng hộ và chia sẻ quý báu của kiêu bào và bạn bè quốc tế.

Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục