Đẩy mạnh giải ngân vốn ODA là nhiệm vụ quan trọng trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19

21:15 29/06/2020

(HMC) – Chiều ngày 29/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc về tình hình thực hiện các dự án ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) và vốn vay ưu đãi nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh.

Đẩy mạnh giải ngân vốn ODA là nhiệm vụ quan trọng trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19
Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan; Phó Chủ tịch HĐND TP Phan Thị Thắng cùng lãnh đạo các Sở - ngành, Ban quản lý dự án của TP và các đơn vị liên quan.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về tình hình thực hiện các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết: Hiện nay, TP đang triển khai thực hiện 09 dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn ưu đãi nước ngoài với tổng mức đầu tư là 122.567 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 102.732 tỷ đồng, vốn đối ứng của TP là 19.835 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu tập trung vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, chống ngập và cải thiện môi trường.

Tuy nhiên, tính đến tháng 6/2020, lũy kế giải ngân vốn ODA chỉ đạt 1.601 tỷ đồng, tương đương với 10,31% kế hoạch vốn giao.

Nguyên nhân giải ngân chậm, theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, là do một số dự án đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện như: dự án Giao thông xanh, Vệ sinh môi trường TP - giai đoạn 2… Còn dự án Metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và dự án Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) mới được phê duyệt điều chỉnh. Ngoài ra, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ chung của các dự án, nhất là khi các chuyên gia nước ngoài, hàng hóa thực hiện dự án Metro số 1 chưa thể sang Việt Nam.

ODA được xem là nguồn lực quan trọng để TP thực hiện các dự án trọng điểm, tạo môi trường thuận lợi trong đầu tư và giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước… Vì vậy, để tháo gỡ những vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn này, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị với Phó Thủ tướng 04 nhóm vấn đề.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác về tình hình thực hiện các dự án ODA tại TPHCM
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác về tình hình thực hiện các dự án ODA tại TPHCM

Trong đó, ở nhóm thứ nhất - các dự án sử dụng vốn trung hạn như tuyến đường sắt Metro số 1, các Bộ - ngành sớm cho ý kiến về sử dụng đồng Yên (Nhật Bản) hay tiền Đồng (Việt Nam) trong thực hiện dự án; điều này ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển của TP.

Đối với dự án tuyến Metro số 2 hiện cũng đang khó khăn về GPMB. Theo đó, dự án này có 2 phần là cấu phần đầu tư và bồi thường GPMB; sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư thì 2 cấu phần này cũng đạt được yêu cầu của Trung ương nhưng quy định hiện nay là khi điều chỉnh tổng mức đầu tư không được vượt quá tổng mức mà Bộ Chính trị đã duyệt. Dự án có kinh phí bồi thường GPMB là 3.400 tỷ nhưng khi tổ chức thẩm định lần cuối vào năm 2020 và ban hành hệ số điều chỉnh giá, tổ chức bồi thường cho người dân lại tăng thêm 500 tỷ. TP. Hồ Chí Minh đang lúng túng về hướng xử lý vấn đề này.

Ở nhóm thứ 2 - các dự án liên quan đến sử dụng vốn kết dư, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tài chính có văn bản cho Thành phố sử dụng vốn dư khoảng 76,8 triệu USD của dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 vào một dự án mới tương tự.

Nhóm vấn đề thứ 3 liên quan đến các hiệp định vay, TP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sớm có văn bản điều chỉnh lịch trả nợ của hai khoản vay WB đến ngày 30/9/2027, thẩm định hồ sơ cho vay lại đối với dự án để làm cơ sở ký các hiệp định vay bổ sung vốn cho dự án.

Nhóm vấn đề thứ 4, hiện nay TP. Hồ Chí Minh đã vận động được 04 dự án mới, trong đó có 02 dự án (dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; dự án quản lý tích hợp ngập lụt đô thị) gửi các Bộ trình Thủ tướng để xem xét phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến của các Bộ.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị xem xét về cơ chế nhập cảnh cho các chuyên gia người nước ngoài

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Vấn đề giao thông đang là bài toán thách thức rất lớn đối với sự phát triển của TP. Áp lực về dân số tăng nhanh nhưng hạ tầng giao thông lại phát triển không đồng bộ. Thành phố đã xây dựng đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhưng vấn đề là phát triển giao thông công cộng như thế nào cho phù hợp. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP bày tỏ mong muốn Phó Thủ tướng và các Bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ TP để sớm tháo gỡ các khó khăn.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. 
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. 

Qua trao đổi và lắng nghe ý kiến từ TP. Hồ Chí Minh và các Bộ - ngành liên quan, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta, do đó, trong những tháng cuối năm 2020, Chính phủ tập trung đẩy mạnh các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA và coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá cao việc TP. Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc tạm ứng ngân sách của Thành phố cho dự án Metro số 1 để quyết tâm kịp tiến độ vận hành thương mại vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ: tỷ lệ giải ngân vốn vay ODA 06 tháng đầu năm của TP chỉ đạt khoảng 1/5 so với kế hoạch, trong khi theo kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương cho TP. Hồ Chí Minh là trên 20.000 tỷ đồng, trở thành địa phương có nhiều dự án ODA nhất cả nước.

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các Bộ, ngành tập trung phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đây là nhiệm vụ quan trọng đối với TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thị sát tuyến đi ngầm metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: SGGP
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thị sát tuyến đi ngầm metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: SGGP

Theo Phó Thủ tướng, về kiến nghị cơ chế cho các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc, có thể giải quyết được ngay không chỉ riêng cho dự án Metro số 1, mà cả chuyên gia của các lĩnh vực khác. Thành phố cần có văn bản tổng hợp, báo cáo và đề xuất nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Đối với vấn đề xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là tiền Yên hay tiền Đồng (dự án Metro số 1), Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất lại với Bộ Tài chính, sớm dứt điểm vướng mắc này để địa phương có cơ sở đẩy nhanh tiến độ dự án.

Việc hoàn tiền TP. Hồ Chí Minh đã tạm ứng cho dự án Metro số 1, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn thủ tục hoàn ứng ngân sách.

Đối với dự án giao thông xanh sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, TP. Hồ Chí Minh cần quyết tâm tranh thủ nguồn vốn này, do đây là nguồn vốn IDA cuối cùng Ngân hàng Thế giới dành cho Việt Nam với lãi suất thấp.

Liên quan đến vốn kết dư, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, theo nguyên tắc, nếu có vốn dư trong khuôn khổ dự án thì được tiếp tục thực hiện nhưng nếu ngoài dự án thì phải chuyển sang dự án mới. TP. Hồ Chí Minh cần làm rõ để có hướng xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần chủ động rà soát lại các hiệp định vay sắp hết hạn, trình HĐND TP cho ý kiến để sớm triển khai thủ tục gia hạn.

Phó thủ tướng cũng lưu ý TP. Hồ Chí Minh tập trung đẩy nhanh các dự án ODA đang triển khai và đánh giá lại tính hiệu quả của các dự án ODA đã hoàn thành.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục