Đề án chính quyền đô thị tại TPHCM: Xuất phát từ nhu cầu khách quan của sự phát triển

13:51 23/10/2020

(HMC) - Sáng ngày 23/10, tại buổi giao ban báo chí tuần lễ thứ 43 (từ ngày 19/10 - 23/10/2020) Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo TP tổ chức, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin về Đề án tổ chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.

Đề án chính quyền đô thị tại TPHCM: Xuất phát từ nhu cầu khách quan của sự phát triển
Toàn cảnh giao ban báo chí tuần lễ 43. Ảnh: Khang Minh

Tham dự cuộc họp có Ủy viên BTV Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê; Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc trung tâm Báo chí TP Từ Lương; Chủ tịch Hội Nhà báo TP Trần Trọng Dũng đồng chủ trì giao ban. Phía Sở Nội vụ có bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó Giám đốc sở; ông Trương Văn Lắm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn TPHCM.

Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM giúp tinh gọn bộ máy quản lý

Đề án chính quyền đô thị tại TPHCM được xây dựng với mục tiêu, tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị tại TPHCM tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền Thành phố; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của Thành phố; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đề án đang nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân và dư luận.

Ủy viên BTV Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị báo chí tuyên truyền đậm nét về Đề án chính quyền đô thị tại TPHCM. Ảnh: Khang Minh
Ủy viên BTV Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị báo chí tuyên truyền đậm nét về Đề án chính quyền đô thị tại TPHCM. Ảnh: Khang Minh

Phát biểu tại giao ban, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định: Mục tiêu của Đề án và quan điểm của TPHCM là nhằm đáp ứng xu thế phát triển đặt ra trong bối cảnh mới. Tại kỳ họp thứ X này, Quốc hội sẽ thảo luận về tờ trình của Chính phủ về Đề án chính quyền đô thị tại TPHCM.

Tại cuộc họp, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm cho hay, từ năm 2009 - 2016, TP đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) ở tất cả huyện, quận, phường theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổng kết hơn 6 năm thực hiện đã cho thấy nhiều kết quả tích cực. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với TPHCM.

Mặt khác, TPHCM là đô thị loại đặc biệt. Trong quá trình phát triển vẫn gặp nhiều trở ngại, chưa phát huy hết tiềm năng. Nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt. Vì vậy việc ban hành Nghị quyết tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM là rất cấp thiết.

Theo nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm, Đề án chính quyền đô thị TPHCM có 03 nội dung cơ bản: (1) Không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) quận, phường nhằm tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đô thị đặc biệt. (2) Thành lập một số thành phố trên địa bàn TPHCM theo hình thức TP thuộc TP. (3) Một số cơ chế, chính sách đặc thù tại TPHCM.

Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm trao đổi thông tin về Đề án chính quyền đô thị tại TPHCM. Ảnh: Khang Minh
Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm trao đổi thông tin về Đề án chính quyền đô thị tại TPHCM. Ảnh: Khang Minh

Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm chia sẻ: Đề án này đã được lãnh đạo TP ấp ủ và trình Trung ương từ năm 2007 cho đến nay. Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2007, 2013 có những quy định chưa phù hợp nên Đề án chưa được thông qua. Hiện nay, TPHCM tiếp tục hoàn thiện Đề án và tiếp tục trình Trung ương.

Đề án chính quyền đô thị tại TPHCM là sự mong muốn và xuất phát từ nhu cầu khách quan của sự phát triển tại TPHCM. Đặc biệt, với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, đòi hỏi chính quyền phải tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Hai vấn đề đặt ra khi không tổ chức HĐND quận, phường

Giải thích vì sao không có từ “thí điểm” trong đề án, theo nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, khác với TP Hà Nội và TP Đà Nẵng, Đề án chính quyền đô thị tại TPHCM được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực. Trong đó, đã quy định chính quyền địa phương ở cấp huyện, xã là cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND), trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương (không có HĐND). Như vậy, việc không tổ chức HĐND ở phường, quận đã được quy định ở Luật, khi Quốc hội cho phép.

Theo đề án, mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại TPHCM bao gồm: TPHCM trực thuộc Trung ương (có HĐND, UBND), các huyện (có HĐND, UBND), TP trực thuộc TPHCM (đang đề xuất thành lập TP Thủ Đức - có HĐND, UBND), còn lại các quận, phường (phường thuộc quận, phường thuộc TP Thủ Đức) không có HĐND.

Nhấn mạnh có 02 vấn đề đặt ra nếu không còn HĐND quận, phường, ông Trương Văn Lắm cho biết: Vấn đề thứ nhất, các nhiệm vụ trước đây của HĐND quận, phường ai sẽ làm ? Về nội dung này, Đề án nêu rõ, những nhiệm vụ này không mất đi mà sẽ được chuyển giao cho HĐND TP hoặc UBND TP, UBND quận thực hiện.

Thứ hai, về chức năng giám sát của người dân, sau khi không tổ chức HĐND quận, phường, chức năng này sẽ được tăng cường thông qua hoạt động của các cơ quan tổ chức của Đảng, MTTQ và các đoàn thể, các hội nghị nhân dân để người dân trực tiếp đối thoại với chính quyền, trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục