Ngày 6-12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị Xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030.
Đến năm 2030, TP có 93.000 căn nhà ở xã hội
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thời gian vừa qua công tác phát triển nhà ở xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Căn cứ chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030 và đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Giai đoạn 2021-2030, TP.HCM dự kiến phát triển khoảng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, khoảng thời gian 2021-2025, TP.HCM dự kiến phát triển 26.200 đến 35.000 căn.
Kết quả cho đến hiện nay TP đang triển khai 10 dự án, trong đó 6 dự án hoàn thành, 4 dự án mới đang triển khai thi công, tổng số căn nhà đạt gần 6.000 căn. Đây là kết quả khiêm tốn và đặt ra nhiều thách thức để TP đạt được chỉ tiêu đã đề ra. Để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội, theo ông Cường, các công việc phải triển khai đồng bộ, vướng mắc phải được tháo gỡ nhanh chóng.
Thời gian qua, TP cũng đã kiến nghị và ban hành nhiều chính sách, trong đó có nhiều kiến nghị đã được đưa vào lồng ghép trong Nghị Quyết 98 để thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù về đất đai, quy hoạch, đầu tư nhà ở xã hội… nhằm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao và hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2030 phải hoàn thành ít nhất 93.000 căn nhà ở xã hội.
Như vậy, ngoài xây dựng nhà ở xã hội còn phải đảm bảo sự đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án cũng như ngoài hàng rào dự án, đảm bảo không gian sống, nâng cao chất lượng sống, giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp.
Qua hội nghị này, TP mong muốn thông tin đến nhà đầu tư về các cơ chế chính sách ưu đãi theo quy định pháp luật về đầu tư đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản nhằm thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn.
Giới thiệu danh mục các quỹ đất đất để mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đăng ký tham gia phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, TP mong muốn nhận được các đề xuất, hiến kế về giải pháp giúp phát triển nhà ở xã hội nhanh, bền vững.
Hội nghị nổi bật với phần giới thiệu các chính sách của TP để thúc đẩy phát triển dự án nhà ở xã hội, bao gồm thủ tục đầu tư xây dựng và quy trình đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và chính sách hỗ trợ tài chính.
1 năm 6 tháng làm xong một dự án nhà ở xã hội
Trong khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết hội nghị này để thông tin về các vấn đề có liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội - một nội dung không mới nhưng thời gian qua TP được đánh giá là thực hiện chưa tốt.
TP cũng nhận được góp ý rất nhiều từ các hiệp hội, doanh nghiệp, tuy nhiên vấn đề tháo gỡ để làm sao thực hiện việc phát triển nhà ở xã hội có kết quả trên thực tế thì chưa được như kỳ vọng.
Từ hội nghị này, TP.HCM cam kết các sở ngành, quận huyện sẽ có sự tập trung cao để làm tốt phần của mình trong phát triển nhà ở xã hội, công tác quy hoạch chuẩn bị đất đai, kết nối hạ tầng, các chính sách theo quy định đặc biệt là vấn đề phối hợp để giải quyết các thủ tục dự án.
Thông điệp thứ hai ông Mãi chia sẻ là đối với các dự án nhà ở xã hội mới, TP đề nghị phối hợp chặt chẽ để làm nhanh, làm đúng. Riêng với các dự án nhà ở xã hội đã triển khai dang dở, đề nghị các chủ đầu tư phải rà soát thực hiện cho hoàn thiện.
"Có rất nhiều dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TP làm một phần, được người dân ví von như phần thịt nạc, phần ngon đã chế biến, xử lý xong, phần còn lại bỏ dang dở. TP đang thực hiện triển khai rà soát và có các biện pháp cứng rắn đối với những trường hợp này. Thậm chí sẽ có biện pháp phong tỏa, cưỡng chế, xử lý trách nhiệm..." - ông Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM hy vọng năm 2025, TP sẽ triển khai có kết quả việc phát triển nhà ở xã hội. TP khẳng định sẽ phối hợp triển khai tốt việc xây dựng nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội cho công chức, viên chức, người lao động, sinh viên thuê; đặt mục tiêu phải làm nhanh để làm sao trong năm 2025 có khoảng 100.000 chỗ ở cho đối tượng này.
Cuối cùng, TP đang triển khai dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch. Theo khảo sát có khoảng 46.000 hộ đang sống trên và ven kênh rạch cần di dời. Với số lượng rất lớn, TP cũng kêu gọi các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia vào như một trách nhiệm xã hội.
Về chính sách, ông Mãi đề nghị Sở KH&ĐT phối hợp rà soát, nghiên cứu lại để trình HĐND mức hỗ trợ và quy trình làm sao cho sát với khuyến khích của TP.
Tại hội nghị, ông Phạm Minh Mẫn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thông tin về các khu đất, dự án dự kiến kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và giới thiệu mẫu thiết kế nhà ở xã hội.
Cụ thể, hiện có 7 dự án, trong đó có 2 dự án nhà ở xã hội mời gọi đầu tư là khu nhà ở phường Trường Thạnh (TP Thủ Đức) có tổng diện tích khu đất 9.804 m2, dự kiến có 300 căn hộ, tổng mức đầu tư 252 tỉ đồng. Khu đất này hiện là đất trống, đã có đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến dự án.
Thứ hai là lô số 6 khu tái định cư 38ha phường Tân Thới Nhất, quận 12 có tổng diện tích 11.836 m2, dự kiến có 540 căn hộ, tổng mức đầu tư 616 tỉ đồng. Khu đất này hiện là đất trống, đã bồi thường giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách, có đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến dự án.
Bên cạnh đó, TP cũng có 5 khu đất dự kiến xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với tổng diện tích 252.140 m2, dự kiến có 2.962 căn hộ, tổng mức đầu tư 3.059 tỉ đồng.