Sáng 18/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt năm 2022, với phiên hội thảo chuyên đề "Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội."
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, thị trường bất động sản được coi là một trong những thành tố quan trọng của nền kinh tế.
Phát triển thị trường bất động sản minh bạch, thuận lợi sẽ mang lại cơ hội thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước, tạo nguồn lực để ổn định, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Liên quan đến đấu thầu dự án sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất, việc đấu thầu dự án sử dụng đất hay đấu giá quyền sử dụng đất đều có mục đích chung là chọn được nhà đầu tư có phương án khai thác, sử dụng nguồn lực đất hợp lý nhất, mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội.
Trên thực tế, đã xuất hiện tình trạng trả giá cao bất thường không phải vì hiệu quả mảnh đất mang lại mà nhằm trục lợi thông qua đẩy giá thị trường tăng lên để bán những mảnh đất đã có với giá cao thu lợi hoặc mượn giá cao để làm gia tăng giá trị tài sản của nhà đầu tư nhằm hợp pháp hoá cho các hoạt động huy động vốn.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cơ chế giá đất cho phát triển bất động sản phải xác định phù hợp với giá trị thị trường của đất đai và sử dụng cơ chế thị trường trong lựa chọn các nhà đầu tư dự án phát triển bất động sản.
Nhà nước phải trực tiếp thực hiện thu hồi và đền bù giải phóng mặt bằng theo cơ chế thống nhất đối với mọi dự án đầu tư phát triển bất động sản có quyết định phê duyệt đầu tư của Nhà nước…
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giá đất thị trường không phải là một giá trị cố định, chính xác cho một thửa đất nào đó.
Tất nhiên, giá đất thị trường vẫn tồn tại, chỉ có điều nó có thể dao động trong một khoảng giá trị nào đó và trong một khoảng thời gian nào đó.
Trong bối cảnh khi chính sách đất đai tác động lớn đến thị trường bất động sản hiện nay, cần sớm đưa định nghĩa giá thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế vào Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngoài ra, các quy định về phát triển thị trường quyền sử dụng đất vẫn còn thiếu, cần tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa như cải cách hệ thống thuế sử dụng đất hay thuế bất động sản hoặc tài sản; mở rộng cơ chế thế chấp của các dự án đầu tư, cho phép thế chấp có kiểm soát tại các tổ chức tài chính nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, một trong những cải cách đột phá trong sửa đổi luật lần này là định giá đất. Điều này đươc kỳ vọng sẽ mang lại tác động tích cực, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống người dân là việc định giá đất.
Chỉ khi định giá đất đúng mới giải quyết được mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, người dân và doanh nghiệp, từ đó xử lý vấn đề đầu cơ, thổi giá hiện nay trên thị trường.
Cũng liên quan đến chính sách tài chính về đất trong lần sửa đổi Luật Đất đai lần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá các phương pháp xác định giá đất hiện nay chưa nhất quán, chính xác, tạo lỗ hổng trong việc chuyển mục đích sử dụng đất.
Tới đây, Luật Đất đai (sửa đổi) cần rà soát phương án nào phù hợp, có độ chính xác cao như phương pháp so sánh, hệ số.
Với phương pháp hệ số sẽ bỏ khung giá đất, lúc này giá đất tiệm cận với giá thị trường và khi thị trường biến động, hệ số biến động tương ứng, từ đó giảm rủi ro pháp lý cho Nhà nước và doanh nghiệp.
Tại kỳ họp tới đây, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến.
Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi lần này với các nội dung thảo luận tại diễn đàn mang ý nghĩa hết sức quan trọng, hướng tới phát triển thị trường bất động sản trong bối cảnh tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế./.
Diệp Anh (TTXVN/Vietnam+)