Hàng tết sẵn sàng
Thời gian qua, Sở Công thương TPHCM phối hợp các sở ngành kiểm tra, làm việc với các DN chủ lực và các tỉnh thành có nguồn cung hàng hóa lớn cho TP về chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho Tết Tân Sửu 2021. Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, thời tiết những tháng giáp tết thuận lợi cho việc chăn nuôi và gieo trồng. Do vậy, hàng hóa tết năm nay rất dồi dào, phong phú.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, một DN chủ lực cung ứng mặt hàng thịt gia cầm BOTT tại TPHCM, cho biết, năm nay do giá thịt heo đứng ở mức rất cao nên người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng một số loại thực phẩm tươi sống khác, trong đó có thịt và trứng gia cầm. Đơn cử như ức gà công nghiệp trước đây bán không nhiều nhưng trong năm 2020, được tiêu thụ khá tốt. Công ty đã tăng sản lượng 25%-40% đối với nhóm mặt hàng truyền thống có sức mua tăng như “gà ta Ngọc Hà”, “gà ta thảo mộc San Hà”. Ngoài ra còn có nhiều sản phẩm chế biến từ thịt gia cầm như gà viên, gà rán, xúc xích, khô gà, lạp xưởng tươi, lạp xưởng khô thương hiệu San Hà.
Tết năm nay, Công ty cổ phần Vissan cung ứng trên 7.500 tấn hàng hóa, gồm thịt tươi sống heo, bò 2.300 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ; thực phẩm chế biến 5.200 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng trị giá hàng hóa công ty dự trữ dịp tết là 900 tỷ đồng, tăng 11% so với Tết Canh Tý. Vissan đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau tết với nguồn hàng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá ổn định. Công ty còn chuẩn bị các loại thịt heo đông lạnh đóng gói 1-2kg và trợ giá cho khách.
Dịp này, Vissan ra mắt sản phẩm mới là thịt heo ướp gia vị, với 10 hương vị khác nhau. Sản phẩm được chế biến từ thịt heo ngon nhất, sử dụng gia vị tươi mới từ thiên nhiên, công nghệ ướp thịt hiện đại đem đến món ăn mang hương vị truyền thống thơm ngon. Với sản phẩm này, người tiêu dùng có thể chế biến một món ăn ngon mà không mất nhiều thời gian, tạo sự mới lạ và đủ dinh dưỡng. Công ty cũng cải tiến bao bì, ra mắt đồ hộp, tạo vẻ đẹp sang trọng hơn cho sản phẩm.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, chia sẻ, lượng heo hơi chuẩn bị hiện đạt 100% kế hoạch. Ở nhóm thực phẩm chế biến như lạp xưởng, xúc xích, chả giò, công ty đã hoàn thành kế hoạch sản xuất tết. Riêng giò lụa, công ty đang chạy hết công suất nhằm đảm bảo đưa hàng hóa ra thị trường đúng tiến độ.
Các hợp tác xã (HTX), DN chủ lực cung ứng mặt hàng rau củ quả như Phước An, Anh Đào, Phong Thúy và Công ty Thảo Nguyên… đã chuẩn bị các kho lạnh để thu mua và dự trữ hàng hóa, cung ứng đủ số lượng BOTT của TPHCM và đối tác. Các HTX cũng đã tăng diện tích gieo trồng các loại rau củ quả có nhu cầu sử dụng nhiều như bầu bí, rau thơm các loại, dưa leo, cà chua, khổ qua... tăng 30%-50% tùy mặt hàng. Tương tự, với mặt hàng trứng gia cầm, các DN uy tín như Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân đều khẳng định nguồn cung rất dồi dào, phong phú, sản lượng tăng 20%-30% so với cùng kỳ, giá bán ổn định.
Chốt giá hàng bình ổn từ ngày 12-1 đến 12-3
Để ổn định mặt bằng chung, trong tháng trước và sau tết (từ ngày 12-1 đến 12-3) các sở ngành chức năng đều thực hiện chốt giá hàng bình ổn, kể cả thịt heo để người dân yên tâm.
Mức giá hàng tết đã được rà soát lại, từ đó kê khai giá bán phù hợp với diễn biến thị trường. Trong trường hợp chi phí đầu vào tăng, các DN không được điều chỉnh theo nhằm đảm bảo mục đích của chương trình là chăm lo an sinh xã hội, dẫn dắt thị trường. Nếu giá đầu vào giảm, DN chủ động thực hiện các chương trình giảm giá. Điển hình như thịt heo, ông Phan Văn Dũng cho biết, Vissan cam kết giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước và sau tết, khuyến mãi các sản phẩm chế biến và tươi sống, giảm 5%-10% tại các điểm bán hàng của công ty.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tết tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Theo Sở Công thương, tổng trị giá hàng hóa dành riêng để BOTT tết năm nay hơn 7.132 tỷ đồng. Lượng hàng chuẩn bị tăng 4,4%-17,3% so với kế hoạch TP giao và tăng 12%-21,2% so với Tết Canh Tý 2020. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối 22%-54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm 7.488,2 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%)...
Các DN cũng tăng cường đưa hàng bình ổn đến 4.209 điểm bán, gồm 112 siêu thị - TTTM, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 122 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa như Lý Nhơn (huyện Cần Giờ); An Nhơn Tây, Thái Mỹ (huyện Củ Chi), các KCX-KCN, một số trường đại học và bệnh viện đều có điểm bán hàng bình ổn. Các đơn vị như Saigon Co.op, Satra, Ba Huân đã liên kết chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành đoàn TPHCM và các quận huyện tổ chức 350 chuyến xe bán hàng lưu động, tổ chức Phiên chợ hàng Việt, Phiên chợ thanh niên để đưa hàng BOTT đến tay người tiêu dùng.
TPHCM đã giao Ban Quản lý các KCX-KCN (Hepza) tổ chức bán hàng lưu động và đưa hàng hóa của chương trình vào các bếp ăn tập thể các KCX-KCN phục vụ công nhân, người lao động. Tăng cường thực hiện 344 chuyến bán hàng lưu động suốt tháng tết, tập trung các quận ven, huyện ngoại thành, KCX-KCN, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn tết...
Sở Công thương TPHCM dự báo sức mua trong dịp tết năm nay tăng 10%-20% so với cùng kỳ. Với sự chuẩn bị hàng hóa từ rất sớm và chu đáo, các sở ngành chức năng hy vọng thị trường tết tại TPHCM sẽ không xảy ra khan hàng sốt giá, đảm bảo một mùa tết an lành và đầm ấm.
Tăng thời gian bán hàng đến 24 giờ, mở cửa từ mùng 2 Tết
Theo Sở Công thương TPHCM, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân dịp tết, các doanh nghiệp BOTT như Co.opmart, BigC, Aeon, Citimart-Aeon, VinMart, Lotte Mart… mở cửa sớm hơn và kéo dài thời gian bán hàng (tăng 2-4 giờ/ngày) những ngày cận tết.
Từ 20 đến 27-12 âm lịch, các siêu thị sẽ mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ; từ 28 đến 29-12 âm lịch, mở cửa từ 6 giờ đến 24 giờ. Ngày 30 Tết, mở cửa từ 6 giờ đến 12 giờ. Khai trương năm mới lúc 8 giờ mùng 2 Tết. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, mở cửa từ 8 giờ đến 12 giờ. Từ mùng 6 Tết, các siêu thị đồng loạt kinh doanh bình thường. Ngoài ra, một số siêu thị sẽ mở cửa liên tục, không nghỉ tết. Để giảm áp lực lượng khách quá đông, các siêu thị đều tăng thêm 30% nhân viên phục vụ siêu thị, thêm quầy thu ngân, tăng nhân viên giao hàng, gói quà…
Ban quản lý các chợ truyền thống cho biết sẽ xin quận cho phép tiểu thương bán hàng đến 18-19 giờ, so với trước là 17 giờ. Sau ngày 23-12 âm lịch, ban quản lý một số chợ chấp thuận cho tiểu thương ở khu vực nhà lồng bán đến 21 giờ. Theo quy định, các chợ sẽ đóng cửa trước 12 giờ ngày 30 Tết để làm vệ sinh, dọn dẹp đón tết.