Nhiều năm luôn tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ rơi vào những tháng tăng trưởng âm.
Nhưng đây cũng là giai đoạn cho thấy những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong ngành đã sớm phục hồi sản xuất, lấy lại được mức tăng trưởng ấn tượng.
Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 12 tỷ USD đồ gỗ năm nay nằm trong tầm tay, thậm chí, nhiều doanh nghiệp đang thiếu nhân công lao động để phục vụ các đơn hàng.
Dịch COVID-19 khiến cho từ tháng 4 đến tháng 6/2020, giá trị xuất khẩu đồ gỗ giảm, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU.
Trong giai đoạn này, tình hình sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn; các nhà máy sản xuất, chế biến hoạt động cầm chừng, nhiều nhà máy tạm đóng cửa do thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu phụ trợ, vốn đầu tư sản xuất.
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7/2020 khi dịch bệnh đã dần được khống chế, các quốc gia đã bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh mở cửa, nên nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ đã tăng lên đáng kể với nhiều đơn hàng đã được ký kết.
Những nỗ lực của doanh nghiệp đã được thể hiện qua kết quả sản xuất khi lần đầu tiên, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ tháng 8/2020 đã đạt trên 1 tỷ USD. Trong 10 tháng, xuất khẩu đồ gỗ đạt 9,6 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), ông Đỗ Xuân Lập đánh giá, dịch COVID-19 đã khiến thị trường đầy rẫy những biến động và nằm ngoài sự kiểm soát của ngành.
Một dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Nhưng điều này không có nghĩa rằng các doanh nghiệp chỉ ngồi chờ đợi thị trường “lặng sóng,” để thị trường tự tìm đến mình. Các doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành đã nỗ lực tìm kiếm những cách làm, hướng đi cho mình dù đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp.
Sản xuất những sản phẩm to, cồng kềnh lại có yếu tố thẩm mỹ nên trước đây các sản phẩm đồ gỗ thường chỉ biết đến qua các kênh bán hàng trực tiếp, quảng bá hàng trực tiếp qua các hội chợ.
Nhưng từ khi có dịch COVID-19, điều này là hoàn toàn không thể triển khai. Và các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ không chịu khuất phục, tìm tòi những hướng đi khác để có thể bán được hàng từ đó mới có thể duy trì sản xuất.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), khi các sự kiện triển lãm bị đóng cửa, HAWA nhanh chóng chuyển sự kiện sang hình thức trực tuyến và đặt ra đề bài số hóa triển lãm.
Rất nhanh chóng, nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE ra đời sau gần 6 tháng dịch bệnh đã thu hút hơn 80 showroom định dạng thực tế ảo. Nhiều doanh nghiệp qua đó đã có được đơn hàng mà "không tiếp xúc."
Ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng, công nghệ cho nhiều khả năng nhưng cũng lấy nhiều nguồn lực thời gian trong quản trị bước đầu. Nền kinh tế không tiếp xúc tạo ra cơ hội tiếp xúc có chi phí thấp hơn, có thể hiểu khách hàng rộng hơn, rõ hơn và biến đó thành những dự án cụ thể để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp.
Tại nơi trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn nhất cả nước, ông Điền Quang Hiệp, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) cho rằng, COVID-19 là bài toán thử cho các ngành; trong đó các ngành gỗ đều bị ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường do đình trệ nên bị phá sản hoặc nếu không phá sản thì doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong thanh toán.
Dịch COVID-19 cho thấy các doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì với các tình huống như thế này. Do đó, hai quý đầu năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành gỗ đều gặp khó khăn.
Tuy nhiên, với sản phẩm là đồ nội thất nên khi bị dịch COVID-19, người lao động ở nhà nhiều, họ có nhu cầu mua sắm, trang bị tiện nghi cho nhà cửa nhiều hơn. Khách hàng mua online tăng lên.
Do đó, các doanh nghiệp cũng thúc đẩy mạnh và kết nối online mạnh hơn thông qua các kênh bán hàng trực tuyến trên toàn cầu như Alibaba, Amazon... Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đã có những ký kết ngay với các văn phòng đại diện của các kênh này ở Việt Nam để đàm phán với các doanh nghiệp.
Sau một thời gian bị dịch, thị trường nước ngoài mua bán tăng trở lại, đây cũng là yếu tố góp phần thị trường phục hồi mạnh. Cộng với việc một số nhà nhập khẩu chuyển dịch mua hàng từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam.
Hai yếu tố cộng hưởng làm cho thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam gần như phục hồi hoàn toàn, thậm chí có nhà máy không thể nhận thêm đơn hàng. Dù vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất đồ gỗ đang vất vả tuyển thêm nhân công để kịp sản xuất nhằm đảm bảo đơn hàng xuất khẩu tăng cao trở lại.
Với sự phục hồi nhanh chóng của các doanh nghiệp trong ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập cũng đánh giá, các chính sách của Chính phủ đã hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch.
Tác động của COVID-19 cho thấy các chuỗi cung xuất khẩu đồ gỗ hiện nay của Việt Nam chưa tốt, phụ thuộc một phần nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Nhưng các doanh nghiệp đã nhanh chóng gắn kết với nhau, giảm thiểu sự phụ thuộc từ bên ngoài. Cũng từ đó các doanh nghiệp có các sản phẩm chiến lược như tủ bếp, tủ nhà tắm… tạo cho doanh nghiệp Việt có bước bứt phá.
Nếu như trước đây mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu chủ yếu là bàn ghế ngoài trời thì nay các doanh nghiệp đã xác định sản phẩm chiến lược là tủ bếp, tủ nhà tắm, ván trang trí. Ngay trong thời gian đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, các mặt hàng nói trên không hề bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Kết quả đã chứng minh, trong 9 tháng năm 2020, riêng 2 mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm đã đạt giá trị xuất khẩu gần 1 tỷ USD, tăng trên 80% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ đang được xem là thị trường chiến lược của mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm của Việt Nam hiện nay.
Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cũng đánh giá, kết quả đã thể hiện sự nỗ lực, sáng tạo, đồng hành chia sẻ của Chính phủ, toàn ngành cũng như các doanh nghiệp. Đó là sự sáng tạo trong bán hàng giúp doanh nghiệp cải tiến quản trị, đàm phán tìm kiếm khách hàng, phát triển sản phẩm chiến lược.
Để ngành chế biến gỗ phát triển trong dài hạn, ông Điền Quang Hiệp cho rằng, mấu chốt là phải tăng khả năng cạnh tranh về sản phẩm, do đó năng suất lao động Việt Nam phải tăng lên.
Với tình hình thế giới hiện nay biến đổi khôn lường, cho nên còn nhiều điều bất ổn. Do đó tính hiệu quả của doanh nghiệp Việt cần tăng lên cao.
Theo ông Điền Quang Hiệp, sự cạnh tranh về sản phẩm suy cho cùng vẫn là sự cạnh tranh về năng suất, chất lượng, rộng hơn là năng suất lao động. Để giải quyết bài toán này, ngoài câu chuyện về tổ chức quản lý, đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mà doanh nghiệp nào cũng biết thì có vấn đề mà tự doanh nghiệp không làm được đó là các doanh nghiệp phải liên kết với nhau.
“Để hình thành cả một cộng đồng doanh nghiệp rất cần những chủ trương chính sách từ phía Nhà nước hình thành khu công nghiệp chuyên ngành tập trung. Từ đó, các doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nhau tạo nên sự chuyên môn hóa trong sản xuất, giúp giảm chi phí đầu tư cũng như vận chuyển,” ông Điền Quang Hiệp cho hay.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ cần nắm rõ Nghị định 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Thực thi Nghị định này không chỉ giúp giảm căn bản những rào cản phi thuế quan về truy suất nguồn gốc, trách nhiệm giải trình với thị trường EU mà còn tạo uy tín cho ngành gỗ Việt Nam tại các thị trường khác./.
Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)