Khó khăn vẫn phải đóng BHXH cả tỷ đồng/tháng
Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều DN trong cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề, mất cân đối nguồn tiền bởi doanh thu sụt giảm, trong khi các khoản chi vẫn duy trì. Với Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh, từ đầu tháng 6-2021 đến nay, trong thời điểm TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, các cửa hàng kinh doanh bán lẻ trên địa bàn TPHCM đều đóng cửa, dẫn tới sản phẩm của công ty làm ra không phân phối được.
Trước tình hình này, công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ luân phiên và trả lương để giữ chân người lao động. Ngoài ra, mỗi tháng, DN đóng BHXH từ 500-600 triệu đồng cho người lao động. Đây là khoản chi không hề nhỏ đối với DN trong gian đoạn khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, cho hay, với các DN đông lao động, hàng tháng số tiền đóng BHXH cho người lao động là con số rất lớn, có khi lên tới cả tỷ đồng. Giờ đây, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và xoay xở đóng BHXH. Trong khi đó, theo quy định của Luật BHXH, nếu DN không đóng đúng thời hạn sẽ bị phạt chậm nộp. Do đó, DN mong Chính phủ cho tạm dừng đóng BHXH một thời gian để DN “dễ thở”, tập trung lo khôi phục sản xuất.
Chia sẻ khó khăn với DN, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, Chính phủ cho tạm dừng đóng BHXH - đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Theo đó, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 4-2021 thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất không quá 6 tháng.
Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ có chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức…). Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống dịch Covid-19
Cần bỏ điều kiện “phải giảm 15% lao động”
Nhiều DN đánh giá, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ liên quan chính sách tạm dừng đóng BHXH còn “trói chân” DN khi kèm các điều kiện khá ngặt nghèo. Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh, điều kiện là người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng BHXH - vào quỹ hưu trí và tử tuất - không quá 6 tháng.
Với quy định này, DN sẽ rất khó để tiếp cận. Bởi lẽ, hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn và mất cân đối dòng tiền nên DN cần được tạm dừng thời gian đóng BHXH, chính sách hỗ trợ mà kèm điều kiện phải… giảm lao động thì chẳng khác gì làm khó nhau lúc khốn khó.
“Dù có khó khăn đến đâu DN cũng không muốn, không thể cho công nhân nghỉ việc để hưởng chế độ này. Bởi vì, để đào tạo một công nhân có kinh nghiệm không phải chuyện đơn giản. Đó là chưa kể việc cho công nhân nghỉ việc còn tạo ra gánh nặng cho an sinh xã hội”, ông Hiến phân tích.
Theo ông Hiến, nên bỏ điều kiện “phải giảm 15% lao động” trong chính sách hỗ trợ để các DN được tiếp cận chính sách một cách thuận lợi và nhân văn hơn.
Ông Hiến cũng đề nghị Chính phủ cho phép tạm dừng thời gian đóng BHXH từ 9-12 tháng, thay vì 6 tháng như quy định. Hết thời gian tạm dừng, cần cho phép DN đóng dần BHXH theo quý, tránh tình trạng đóng dồn một lần gây khó khăn cho DN.
Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cho hay, theo Luật BHXH, mức đóng BHXH hàng tháng của người sử dụng lao động chiếm 17,5% tổng quỹ lương của DN. Đây là khoản chi khá lớn đối với DN, nhất là DN đông lao động. Không những thế, phải đóng BHXH trong thời hạn quy định, việc chậm đóng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, DN còn bị phạt.
Vừa qua, Hepza đã kiến nghị Chính phủ bổ sung khoản hỗ trợ tạm dừng đóng BHXH từ 6-12 tháng, giúp DN ổn định, phục hồi sản xuất. Mới đây, Sở Du lịch TPHCM cũng đề xuất UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB-XH xem xét cho kéo dài thời gian tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn với DN và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không tính lãi phạt chậm đóng.
Tiến sĩ kinh tế HUỲNH THANH ĐIỀN, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành:
Nên chọn giảm 15% doanh thu thay cho giảm 15% lao động
Việc cho DN gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 được tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất nên triển khai sớm trong bối cảnh hiện nay. Trong việc hỗ trợ, nguyên tắc là DN nào bị ảnh hưởng bởi dịch, gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh là những DN cần được hỗ trợ, tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất; nếu DN không khó khăn hoặc ít khó khăn thì vẫn phải đóng. Điều đó cũng có nghĩa DN không bị ảnh hưởng, DN ít bị ảnh hưởng cần góp phần chia sẻ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để chứng minh DN bị ảnh hưởng một cách đơn giản, khoa học và nhân văn? Trong việc hỗ trợ, không nên đặt ra quá nhiều điều kiện, rào cản, nhất là những điều kiện vô lý, bởi điều này sẽ làm giảm ý nghĩa nhân văn và giảm tính thiết thực của sự hỗ trợ.
Đối với DN, để minh chứng DN gặp khó khăn, không cần quy định quá phức tạp, chỉ cần dựa vào báo cáo tài chính 6 tháng là đủ. Trong báo cáo tài chính đã có đầy đủ các chỉ tiêu phản ánh sự thay đổi doanh thu, lợi nhuận của DN. DN nào cũng có báo cáo này, đó là quy định chung đã áp dụng lâu nay của ngành thuế. Vì thế, chỉ cần dựa vào một tiêu chí duy nhất là DN giảm 15% hoặc giảm bao nhiêu % doanh thu so với cùng kỳ là đủ, không cần quy định “phải giảm 15% lao động”. Khi doanh thu giảm, đồng nghĩa DN gặp khó khăn.
Tình cảnh khó khăn, có DN cũng giảm lao động tương ứng; ngược lại, có DN trong khó khăn vẫn cầm cự sản xuất kinh doanh, bảo bọc người lao động, không sa thải họ - điều này rất cần được khích lệ trong lúc khó khăn về công ăn việc làm như hiện nay. Lấy điều kiện thẩm định để hỗ trợ là giảm doanh thu, thay cho giảm lao động, sẽ loại trừ tình huống DN đã sa thải 10% lao động, sẽ tiếp tục sa thải thêm 5% lao động để… đủ tỷ lệ 15%, nhằm được hưởng chính sách hỗ trợ. Nếu để tồn tại bất cứ một khả năng nào dẫn đến việc “thúc đẩy” DN cho người lao động nghỉ việc, thì cũng hàm chứa tính bất nhẫn trong chính sách. Trong khi đó, nếu căn cứ vào báo cáo tài chính để đánh giá mức độ khó khăn của DN, thì mọi việc đơn giản hơn rất nhiều. DN không thể phàn nàn việc nộp báo cáo tài chính, vì DN nào cũng có sẵn báo cáo này.
Tôi xin nhấn mạnh, minh chứng duy nhất nên là báo cáo tài chính. DN chỉ cần in ra nộp là xong, không cần bất kỳ chứng từ gì khác. Việc này DN làm với ngành thuế hàng quý và có thể áp dụng ngay làm căn cứ trong việc hỗ trợ tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất sắp tới.
BHXH với 5 chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là chính sách rất quan trọng trong an sinh xã hội. Trong đó, hưu trí và tử tuất là 2 chế độ dài hạn, mang tính trụ cột, góp phần đảm bảo cuộc sống khi người lao động không còn sức lao động và hỗ trợ cho thân nhân của họ nếu không may người lao động qua đời. Nếu DN không ảnh hưởng, ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì vẫn đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất. Bởi, đằng sau đó, còn là vấn đề an sinh xã hội, quyền lợi lâu dài của người lao động. Đồng thời, cần hỗ trợ DN khó khăn thực sự được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với điều kiện đơn giản, nhân văn nhất.