Giải mã trọn bộ gen của 20 người từng bị nhiễm COVID-19

09:07 25/10/2020

Viện Di truyền y học sẽ phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM nghiên cứu bước đầu, giải mã trọn bộ gen của 20 người từng bị nhiễm COVID-19 ở TP.HCM.

TS Nguyễn Hoài Nghĩa - Trung tâm y sinh học phân tử (Trường ĐH Y dược TP.HCM) - trình bày tại tọa đàm nghiên cứu mẫn cảm di truyền ở bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam ngày 24-10 - Ảnh: L.M.
TS Nguyễn Hoài Nghĩa - Trung tâm y sinh học phân tử (Trường ĐH Y dược TP.HCM) - trình bày tại tọa đàm nghiên cứu mẫn cảm di truyền ở bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam ngày 24-10 - Ảnh: L.M.

Đề tài nghiên cứu về tính nhạy di truyền ở bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật giải trình tự trọn bộ gen do TS Nguyễn Hoài Nghĩa - Trung tâm y sinh học phân tử (Trường ĐH Y dược TP.HCM) và ThS Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đồng chủ nhiệm.

TS Nguyễn Hoài Nghĩa cho biết mặc dù các nhà khoa học trên thế giới đã dốc sức nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa thể trả lời được nhiều vấn đề quan trọng về dịch tễ học, virus học, miễn dịch học, di truyền học, điều trị, dự phòng...

Thứ nhất: Đại dịch này khởi đầu từ đâu, như thế nào, nguồn gốc của virus từ động vật nào, liệu vật nuôi có bị nhiễm... Lây nhiễm qua giọt bắn, khí dung hay phương thức nào khác nữa. Và điều quan trọng đại dịch sẽ còn kéo dài đến khi nào, bao giờ mới kết thúc, kết thúc như thế nào...

Thứ hai: Virus SARS-CoV-2 có đột biến tiếp như thế nào; miễn dịch sau nhiễm có kéo dài và kéo dài được bao lâu, kháng thể được tạo ra tại sao có khác biệt đáng kể (người nhiều, người ít, thậm chí không tạo kháng thể...); người đã nhiễm có bị tái nhiễm hay không, thời gian bị tái nhiễm...

Thứ ba: Về di truyền học, gen nhạy với SARS-CoV-2 ở người là gen nào, bao nhiêu gen, ảnh hưởng như thế nào đến độ nặng - nhẹ của bệnh. Tại sao có sự khác biệt về bệnh học ở người có nhóm máu A, B, O khác nhau, nam bị nặng hơn nữ, trẻ em ít bị nhiễm hơn...

Cuối cùng là về điều trị: Hiện nay cả thế giới vẫn lúng túng trong phát triển thuốc, phác đồ điều trị... Điều làm cho tỉ lệ tử vong khác nhau, đáp ứng thuốc khác nhau…

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM và Viện Di truyền y học trao đổi về tính cấp thiết trong việc nghiên cứu này ngày 24-10 - Ảnh: L.M.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM và Viện Di truyền y học trao đổi về tính cấp thiết trong việc nghiên cứu này ngày 24-10 - Ảnh: L.M.

Do đó, việc giải mã trọn bộ gen của 20 người từng bị nhiễm COVID-19 ở TP.HCM, đặc biệt là các ca bệnh nặng nhằm mục tiêu tìm ra xem những đặc điểm di truyền cá nhân có ảnh hưởng thế nào đến mức độ mẫn cảm của bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam. Từ đó phân loại nhóm người dễ nhiễm bệnh để có cách điều trị thích hợp hơn.

Theo TS Nghĩa, những mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 sau khi thu thập sẽ được tách chiết ADN (phân tử mang thông tin di truyền) để giải trình tự trọn bộ gen bằng công nghệ giải trình tự gen của Illumia, Hoa Kỳ. Sau đó, so sánh di truyền giữa nhóm bệnh nặng và nhẹ. Từ đó bước đầu có thể nhận biết các gen liên quan đến mẫn cảm COVID-19 ở người Việt.

Dự kiến thời gian nghiên cứu diễn ra trong vòng 3 tháng với nguồn kinh phí dự kiến đến 300 triệu đồng. Đề tài được các chuyên gia ngành truyền nhiễm và lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đánh giá cao.

HOÀNG LỘC/TUỔI TRẺ

Tin cùng chuyên mục