Giữ vững tay chèo
Chúng tôi gặp cô Phùng Thị Ngọc Mai, giáo viên Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) trong một giờ học ở thư viện. Ấn tượng đầu tiên về cô là sự cởi mở, gần gũi, tính cách trẻ trung, lúc nào cũng hòa đồng với học sinh.
Cô Mai chia sẻ, khi nhận lớp có học sinh cá biệt, cô không căng thẳng tìm biện pháp xử lý ngay mà chủ động tìm hiểu tâm tư, tình cảm của học sinh, qua đó giúp các em cảm nhận được sự yêu thương và tin tưởng cô dành cho mình. Cô Mai luôn tâm niệm, giáo viên giỏi phải là người hiểu và cảm hóa được học sinh. Hơn 30 năm đứng trên bục giảng đã giúp cô hiểu ra rằng, lựa chọn nào cũng có chông gai nhưng không thiếu hoa hồng. Trong công tác giảng dạy, cô Ngọc Mai không chọn hướng đi dễ là triển khai bài học theo mô típ thông thường (thầy cô giảng bài - học trò ghi chép) mà đa dạng nhiều hoạt động, như tổ chức cho học sinh làm lồng đèn, tái hiện trò chơi dân gian ngay trong lớp học, tổ chức hội chợ du lịch cho học sinh đóng vai nhân viên tư vấn để giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử của địa phương... Sự chủ động đó đã thổi làn gió mới vào dạy học môn Ngữ văn, giúp học sinh hiểu rõ hơn bài học, biết kết nối lý thuyết với thực tế đời sống xã hội.
Đối với cô Phạm Thị Kim Phương, giáo viên Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận), điều tự hào nhất về nghề nghiệp của bản thân là mỗi năm đến ngày 20-11, rất đông học sinh cũ quay về thăm cô. Trong đó, nhiều em cô còn nhớ mặt, gọi tên, song cũng có những bạn ngoại hình thay đổi quá nhiều khiến cô, trò nhìn nhau cứ ngờ ngợ. Nhưng khi cùng ôn lại kỷ niệm là biết bao cảm xúc ngày xưa lại quay về.
Cô Kim Phương bày tỏ, ở độ tuổi nào học sinh cũng thích được nghe lời ngon ngọt từ giáo viên. Hiểu được tâm lý đó, cô đã dùng tình thương để cảm hóa học trò. Đặc biệt, với những học sinh cá biệt, giáo viên phải là người đồng hành, tháo bỏ những gút mắc tâm lý trong lòng các em. Vì vậy, cô Phương luôn quan niệm, dạy học trò tốt nhất là… không dạy gì cả. Bởi một khi cô, trò đã xem nhau như người chị, người mẹ trong gia đình với đầy đủ tình thương và tin tưởng thì dạy kiến thức hay kỹ năng đều nhẹ nhàng. Sau 27 năm giảng dạy, có lẽ món quà lớn nhất cô Phương dành tặng học trò hiện nay là trang web có tên gọi “Yêu thích môn Vật lý”. Vừa qua, trong giai đoạn trường lớp tạm đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, website đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh.
Nhớ lại năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, cô Thái Thị Thu Nga, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Lịch sử - Địa lý, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (huyện Bình Chánh) cho biết, giai đoạn đó làn sóng nghỉ việc đang lan rộng trong đội ngũ các thầy cô giáo. Đồng nghiệp lần lượt bỏ nghề sư phạm, bản thân cô khi ấy vừa ra trường không tránh khỏi tâm lý chới với, hụt hẫng. Nhưng nhờ lòng kiên trì, cô đã vượt qua nhiều khó khăn, trụ vững với nghề. Nhìn lại hành trình 34 năm đã đi qua, cô Thu Nga bày tỏ, đã làm giáo viên thì đừng “đứng núi này trông núi nọ”. Một lần gặp khó khăn phải vượt cho được để sau này “tâm sáng, trí bền”, sống được với nghề. Cô giáo có tuổi đời lớn nhất trong 7 giáo viên bậc THCS đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay mong muốn các thế hệ đồng nghiệp đi sau tiếp tục vững tay chèo, nối tiếp truyền thống đáng tự hào của nghề giáo.
Dạy học bằng lòng say mê
Đến Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa vào tiết học cuối trong ngày, cảm nhận của chúng tôi không phải là tâm lý mệt mỏi, uể oải thường thấy của học sinh sau một ngày học dài, mà là không khí học tập hăng say, phấn khởi. Cô Đỗ Thị Đan Thùy, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa - Công dân, chia sẻ: “Muốn học sinh yêu thích môn học, thầy cô phải làm cho các em yêu thích giáo viên. Để làm được điều đó, người thầy không được tạo áp lực, nhồi nhét kiến thức mà phải giúp học sinh tìm ra cái hay, giá trị thực tế của kiến thức có trong sách vở”. Cô Đan Thùy lý giải, nếu chỉ học theo sách vở, học sinh sẽ bị giới hạn kiến thức, trong khi thực tế xã hội lại bao la, rộng lớn, người thầy không thể đi cùng các em cả đời để dạy kiến thức. Do đó chỉ cần truyền được tình yêu với môn học, các em sẽ chủ động tìm tòi, khám phá. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội nhiều thay đổi, học sinh cần thầy cô “hội nhập” với các em, đồng nghĩa với việc phải thường xuyên học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, tự làm mới mình để đồng hành cùng các em.
Một trường hợp khác, cũng là một trong những giáo viên đặc biệt nhất trong danh sách các thầy cô được trao giải thưởng năm nay là thầy Phạm Đông Phương, giáo viên bộ môn Vật lý, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Sở dĩ dùng 2 chữ “đặc biệt” vì với tuổi đời ngoài 50, nhưng thầy Phương chỉ mới có 15 năm kinh nghiệm dạy học. Thêm vào đó, dù trên môi lúc nào cũng nở nụ cười, phong thái lạc quan, vui vẻ nhưng ít ai ngờ thầy đang mang trong mình căn bệnh ung thư, có dấu hiệu di căn, tái phát.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Đông Phương khá thoải mái khi chia sẻ về những năm tháng tuổi trẻ khốn khó, từ những ngày còn là cậu học sinh lớp 10 một mình khăn gói xa nhà đi vác lúa mướn, gia đình chuyển chỗ ở nhiều lần vì kế sinh nhai. Sau khi học xong lớp 12, dù có thành tích học tập nổi trội nhưng cậu học trò phải gác lại ước mơ đến trường, bươn chải đủ nghề, chạy xe ôm, phục vụ quán… để nuôi 4 đứa em ăn học. Sau khi các em lần lượt tốt nghiệp đại học, chàng thanh niên giàu nghị lực khi ấy đã ngoài 30 tuổi mới thực hiện tiếp ước mơ đại học. Vừa làm vừa học trong 4 năm, tốt nghiệp ra trường, thầy được phân công về Trường THPT Long Trường (quận 9) cách nhà hơn 20 cây số. 8 năm gắn bó với nhiều thành tích trong công tác đào tạo học sinh giỏi, thầy Phương được chuyển công tác về Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11). Ở môi trường công tác nào, thầy đều giữ ngọn lửa nhiệt tình và say mê dạy học.
Chúng tôi chia tay thầy Phương với nhiều cảm xúc. Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay không chỉ là phần thưởng tôn vinh các thầy cô giáo mà còn gửi gắm theo đó lời chúc sức khỏe và bình an trong công việc. Mong các thầy cô luôn giữ vững tay chèo, luôn là điểm tựa cho các thế hệ học trò trưởng thành.
Danh sách giáo viên 2 bậc THCS và THPT được trao giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có các thầy cô giáo: Cô Trần Vũ Liên Ban, Trường THCS Tăng Nhơn Phú B (quận 9); cô Lê Thị Thúy Vân, Trường THCS Lữ Gia (quận 11); thầy Đỗ Quang Vinh, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3); cô Huỳnh Thị Tâm, Trường THCS Tô Ký (huyện Hóc Môn); cô Hồ Thị Thanh Thảo, Trường THPT Củ Chi (huyện Củ Chi); cô Nguyễn Thị Hoa, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6); thầy Dư Quốc Đạt, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn); cô Lê Thị Phương Thoa, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức); cô Lê Thị Thiện Mỹ, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Hóc Môn); cô Phan Thị Thu Hiền, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận); cô Nguyễn Thị Chi Kiều, Trường THPT Trung Lập (huyện Củ Chi); cô Đoàn Thị Hải Lý, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1); thầy Nguyễn Kim Quan, Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh).
|