Giao xe máy cho con: Phạt học sinh lẫn phụ huynh

14:16 03/10/2024

Sau hai ngày ra quân, lực lượng cảnh sát giao thông TP.HCM xử phạt hàng trăm học sinh, sinh viên vi phạm giao thông.

Lực lượng cảnh sát giao thông đội Bàn Cờ xử lý học sinh vi phạm vào ngày 2-10 - Ảnh: MINH HÒA
Lực lượng cảnh sát giao thông đội Bàn Cờ xử lý học sinh vi phạm vào ngày 2-10 - Ảnh: MINH HÒA

Trong ngày 1-10 có đến 296 trường hợp vi phạm, chủ yếu là chưa đủ tuổi điều khiển xe (217 trường hợp), 11 trường hợp không có giấy phép lái xe.

Bị lập biên bản phạt, một số em vô tư trả lời "con không biết mình không đủ tuổi", "ba mẹ mua cho xe gì thì đi xe nấy"!?

Giao xe cho con vì... không đưa đón được

Ngày 2-10, chúng tôi theo chân Đội cảnh sát giao thông Bàn Cờ tuần tra xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn quận 3. Em N.N.B.T. (15 tuổi, học sinh lớp 10) đang chạy xe trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa liền bị dừng lại.

Em T. vi phạm "người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô" và phụ huynh cũng liên đới khi bị lập biên bản "đưa phương tiện không có giấy đăng ký xe tham gia giao thông".

Với lỗi này, phụ huynh em T. có thể chịu mức phạt từ 800.000 - 2 triệu đồng. Đáng nói là chính em T. cũng không biết mình chưa đủ tuổi điều khiển chiếc xe trên. "Ba mẹ bận làm không đưa đón được nên mua xe trên cho con tự đi, con không biết mình không đủ tuổi để đi", em T. chia sẻ.

Chị Huỳnh Thị Hồng Hoa - một giáo viên cấp III ở TP Thủ Đức - cho biết chị thường xuyên bắt gặp cảnh học sinh tự đi xe máy đến trường.

"Tôi thấy các em chạy xe 125cc đi học, rồi chở chở 2 - 3 người không đội mũ bảo hiểm. Tôi nhắc nhở và gọi báo cho phụ huynh nhưng không tác dụng gì cả", chị Hoa nói và cho rằng việc này nguy hiểm cho các em và người đi đường.

Một cảnh sát giao thông ở TP.HCM chia sẻ trong quá trình tuần tra phát hiện có nhiều trường hợp học sinh mới 16 - 18 tuổi (chưa có bằng lái) nhưng phụ huynh đã giao xe máy cho con đi chơi, đi học vì nghĩ con tiện đi lại.

Cũng có trường hợp giao cả xe phân khối lớn cho con đi chơi rất nguy hiểm. "Từ những thói quen như vậy, trẻ sẽ không ý thức được việc chấp hành luật giao thông khi đi đường", chiến sĩ này cho hay.

Mạnh tay xử lý, tuyên truyền từ gia đình

Trước đó, Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) đã ban hành kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh. Thời gian thực hiện từ ngày 1 đến hết 31-10.

Tại TP.HCM, các đơn vị thuộc PC08 Công an TP.HCM đồng loạt ra quân cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn TP. Thượng tá Đoàn Văn Quới - phó PC08 - cho hay trong thời gian tới cảnh sát giao thông TP.HCM tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm liên quan đến học sinh, tập trung vào học sinh THCS, THPT...

Bên cạnh đó, theo ông, cũng xử lý phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở các em học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

"Trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chúng tôi sẽ kết hợp tuyên truyền, giáo dục, phối hợp áp dụng các chế tài xử lý linh hoạt, bảo đảm các quy định của pháp luật về quyền trẻ em, không gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi học sinh. Trên lĩnh vực đường bộ, chúng tôi sẽ tuần tra kiểm soát tại các tuyến, địa bàn gần khu trường học, khu vực có nhiều thanh thiếu niên tụ tập vi phạm" - thượng tá Quới nói.

Xử phạt "không nên chỉ trong một vài tháng"

Ban An toàn giao thông TP.HCM đang có kế hoạch phối hợp tuyên truyền cho phụ huynh nắm rõ quy định pháp luật. Đặc biệt là liên quan đến quy định lứa tuổi nào sẽ được lái xe trên 50cc để tránh chủ quan, vì giao xe cho con là hại con. Trường hợp nếu tỉ lệ học sinh từ 16 - 18 tuổi vi phạm nhiều cũng nên đưa vào quy định luật pháp yêu cầu thi bằng lái để được đào tạo kiến thức cơ bản về giao thông.

Các chuyên gia an toàn giao thông góp ý thêm việc kiểm tra, xử phạt này phải làm liên tục chứ không chỉ trong vòng một vài tháng. Xử phạt nên tập trung vào các hành vi vi phạm như điều khiển xe không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chạy dàn hàng ngang, đi ngược chiều, bấm còi, rú ga...

THU DUNG - MINH HÒA/Báo Tuổi Trẻ

Tin cùng chuyên mục