Chúng tôi gặp ông khi chiều vừa xuống trên phố Sài Gòn. Nụ cười hiền từ của một người trung niên khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp và chợt nhớ nhà. Nhớ một thời tuổi thơ vui đùa với đủ thứ trò chơi, nào là bắn bi, trốn tìm và những chú cào cào lá dừa đong đưa cùng lũ bạn trong xóm. Bày ra trước mắt chúng tôi là những con cào là cào cào, dế, cua, cá…được đan xen một cách tỉ mỉ.
Vừa gấp nếp xếp một con cào cào trên tay, ông Minh cười vui vẻ nói: “Ở Sài Gòn nhiều năm rồi, chú cũng làm đủ thứ nghề để kiếm sống và chợt nhận ra bây giờ những đứa trẻ ở thành phố không còn giống như thời bọn chú ngày xưa.
Trước đây, ông là người vẽ tranh.
Ông kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về thời thơ ấu của mình. Ngày xưa, lúc còn học tiểu học, ông được tận mắt chứng kiến một người thầy của ông làm những con vật như bướm, cá, cào cào độc đáo bằng lá dừa.
Nhìn thấy thích nên ông dần học theo và xếp thuần thục được những con vật bằng lá dừa, rồi trong khoảng 2 năm sau đó, ông đem đi bán cho những đứa trẻ.
“Hồi xưa, tuổi thơ của chú, à không phải của riêng chú mà đứa trẻ nào cũng thích những món đồ chơi này. Hồi đó làm gì có được nhiều đồ chơi như bây giờ, thành thử được ai cho một con cào cào lá dừa cầm trên tay là chú thấy quý lắm luôn. Kỷ niệm nhất là con cào cào, mình cầm một con bạn mình cầm một con đánh với nhau vui lắm.
Bây giờ đồ chơi nhiều, mà toàn đồ điện tử không thôi, nên chú nhớ đến tuổi thơ của mình và làm lại cho những đứa nhỏ có thứ để chơi”, ông Minh chia sẻ.
Vừa nói, ông vừa chỉ tay về phía dụng cụ để “sáng tạo” những con vật từ lá dừa. Đồ nghề của ông chỉ có kéo, dao rọc giấy. Hồi xưa không có đồ bấm, ông chỉ lấy sống lá chẻ ra để cầm giữ cho chặt, để làm được một con cào cào có khi mất gần nửa tháng trời.
"Nói chung cái này ai làm cũng được chủ yếu là dựa vào sự kiên trì của bản thân. Khó là chú không có ai chỉ, không có trường dạy, chú tự mày mò nên hơi lâu chứ giờ người ta muốn học mà có chú chỉ dạy thì rất là dễ.
Chỉ tốn lá thôi, mà lá dừa ở miền Tây cũng bạt ngàn, nhiều cô bác còn cho không nữa. Đến nay chú cũng làm được trên dưới 40 đồ vật trong sưu tập của mình rồi”, ông Minh chia sẻ.
11 tuổi, ông Minh từ đất miền Tây lên Sài Gòn để học vẽ. Gia đình thấy ông có năng khiếu nên đã cho theo học. Thế là từ đó mỗi ngày hai bận sáng đi học, chiều về ông bắt đầu vẽ tranh lên bong bóng để bán kiếm tiền.
Từ ngày “gác cọ” vì đôi mắt yếu đi không thể vẽ, ông Minh bắt đầu những ngày rong ruổi khắp các ngõ ngách Sài Gòn để “sáng tạo” những mẫu hình từ lá dừa bán cho khách. Có một điều lạ là, nhiều người cứ hay nói đùa rằng gặp ông để mua những con vật làm từ lá dừa để gợi về tuổi thơ, ví như ông đi…bán tuổi thơ, nhưng ông Minh cười xòa, bảo không phải.
“Chú không bán tuổi thơ, tuổi thơ không ai định được giá. Chú làm vì đam mê, cũng như gợi lại cho chú một thời tuổi thơ, như được sống lại với tuổi trẻ của mình. Ai cũng có một thời trẻ con, cũng thích những hoài niệm đơn giản nhưng đầy trong sáng”, ông Minh tâm sự.
Những ngày đầu sau khi không còn vẽ nữa, ông bắt đầu làm những con vật bằng lá dừa rồi kiếm những ngã tư đường có bóng mát để ngồi bán thử. Rồi bắt đầu có những người mua, nhiều đứa trẻ thích thú đứng xem ông làm.
Ông bắt đầu thấy thích hơn công việc, và từ mười mấy hình thù con vật ban đầu từ lá dừa, ông dần dà kiên trì “sáng kiến” ra được hàng chục mẫu đẹp, nhiều người thích thú.
Niềm vui của ông là được đi khắp nơi ở đường phố để bán cào cào lá dừa và dạy cho những đứa trẻ khi chúng thích thú với trò chơi này.
“Coi như là mình cho đi, cái mình nhận lại là niềm vui, niềm hạnh phúc giữ riêng cho phần chú. Cái hạnh phúc của mình là truyền đạt được tác phẩm của mình đến với những người ở xung quanh, đến những đứa trẻ thơ để chúng thêm yêu quý những gì gần gũi, thân thiện”, ông Minh tâm tình.
“Mình hạnh phúc, mình hãnh diện về đất nước và con người mình, chứ đôi khi niềm vui không phải trên…tờ giấy bạc”, ông Minh trải lòng.
Ông Minh nói đúng, đối với ông việc đi bán những con cào cào lá dừa như để thoải đam mê, thoải niềm nhớ về một thời trẻ, chứ không hẳn vì tiền.
Các con ông đã lớn, có công việc đàng hoàng. Và các con cũng nhiều lần cản, không cho ông đi rong khắp phố để bán những con vật làm từ lá dừa. Vì tuổi ông cũng đã lớn, hơn nữa đôi mắt ông cũng không còn sáng như thời trước bởi căn bệnh tiểu đường 19 năm qua.
Nhưng rồi, đều đặn mỗi ngày, cứ 5 giờ sáng, ông thức dậy chuẩn bị mọi thứ để đi bán cào cào, chiều tối lại về.
Đến 19 giờ tối, trong khoảng sân vườn nhà mình, ông Minh lại tay cắt, tay bấm lá dừa, kiên nhẫn, tỉ mỉ từng tí một để tạo nên những sản phẩm để mai đem đi bán ngoài phố. Người Sài Gòn dường như đã quen với ông, quen với một người cần mẫn làm những món đồ tuổi thơ để đem lại niềm vui cho nhiều đứa trẻ ở phố.
Mỗi đêm dạy xếp một con, ông cần mẫn chỉ cho lũ trẻ cùng làm. “Có nhiều đứa giờ cũng làm thạo như chú, nhìn chúng vui vẻ khi làm được một sản phẩm, tự nhiên chú thấy cảm động như thời mình mới bắt đầu. Hạnh phúc lắm, ít nhiều gì tuổi thơ của chúng sẽ đọng lại những điều tốt đẹp. Chú nghĩ vậy. Nên lấy đó làm niềm vui cho mình”, ông cười.
“Còn khỏe, chú còn đi. Chứ ở nhà thấy mệt người lắm. Chú đi khắp nơi vậy đó, chuyện bán đắt hay ế không quan trọng. Đôi khi chỉ cần một lời khen, một lời động viên của người đi đường là chú thấy vui lắm rồi”, ông Minh - cười.
Một trong những kỷ niệm mà suốt đời “ông bán cào cào” không bao giờ quên là, một ngày cuối tháng tư, trong lúc ông đang bán ở đường Trần Hưng Đạo thì có gặp một cô gái đến mua. Sau khi lấy một con cào cao thì cô gái đưa cho ông tờ 200 ngàn đồng. Ông trả lại tiền thừa thì cô gái không lấy và nói rằng, chẳng là bao nhiêu cả, vì quý công sức và nghệ thuật tạo nên những tác phẩm gắn liên với tuổi thơ của chú nên cô muốn tặng tiền cho chú.
“Lúc ấy chú cảm thấy xúc động lắm, thấy vui lắm. Mẩu chuyện ấy chú ghi nhớ hoài đến bây giờ. Nó như một động lực để mình làm tốt công việc của mình hơn và cố gắng tạo ra những sản phẩm thú vị hơn”, ông Minh nhớ lại.
“Làm thì vất vả đấy, nhưng chú đã nói rồi, chú cũng không phải khó khăn lắm. Nếu mình cảm thấy giúp gì được cho ai thì giúp, nhất là những cháu nhỏ gặp khó khăn. Chúng cũng như mình ngày trước, nhận được món đồ chơi yêu thích là vui lắm, sướng lắm.
Hơn nữa, chú đi bán nhưng ai trả thấp hơn cũng bán, có lúc thấy có cháu nhỏ thích quá mà không có tiền thì chú tặng một con” ông Minh tâm sự.
Bên cạnh những con vật ngộ nghĩnh như con cá, con cua, con cò… ông Minh còn nghiên cứu và tạo hình nhiều đồ vật khác thú vị như hoa hồng, nón. Mỗi ngày tuy chỉ bán được vài con vật đồ chơi, có khi không, nhưng ông cảm thấy vui.
Chị Phạm Hồng Nga, hàng xóm nhà ông Minh cho hay, nếu bây giờ có những người vẫn còn người giữ được những ký ức đẹp của ngày xưa thì rất là quý. Nhờ vậy mà tụi nhỏ có được những đồ vật tuổi thơ. “Không chỉ làm cào cào, châu châu, chú Minh còn làm được những con vật rất là đẹp, rất là hay như con công, con khủng long, con hổ… bằng lá dừa rất đẹp”, chị Nga thích thú cho hay.
Còn chị Nguyễn Thị Hường (47 tuổi, phường 1, quận 3) cho biết, khi thấy những con vật của ông Minh bán, cảm xúc của chị như trở về với ngày xưa.
Thực hiện: Nội dung: MINH TÂM - NGUYỄN TIẾN Đồ họa: HOÀNG QUYÊN (báo Pháp Luật TP HCM)