Hôm nay 14-11, app Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh trình làng: Một chạm kết nối người dân - chính quyền

09:12 14/11/2024

Suốt 3 tháng qua, rất nhiều hôm, đội ngũ kỹ sư, chuyên viên của Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM (thuộc UBND TPHCM) và Công ty Hệ thống thông tin FPT chong đèn làm việc thâu đêm để ứng dụng Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh (app Công dân số) kịp ra mắt vào hôm nay 14-11.

Công dân số được xác thực

Đã 2 giờ sáng 12-11, màn hình điện thoại của các thành viên trong nhóm “Hoàn thiện app Công dân số” nháy sáng, báo có tin nhắn mới trong nhóm. Trước đó, anh Võ Duy An, chuyên viên Phòng Nền tảng số, Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM, vừa gửi một loạt tệp tin bản hoàn thiện thiết kế giao diện app Công dân số.

Nhận tệp tin, các thành viên trong nhóm tiếp tục thức đêm, hoàn tất các phần việc tiếp theo. Hàng loạt công việc dồn dập vào giai đoạn cuối: hoàn chỉnh giao diện, hoàn chỉnh chức năng, làm sạch dữ liệu, kiểm thử hiệu năng, kết nối với app VNeID, thiết kế tài liệu hướng dẫn người dùng… khiến anh Võ Duy An cùng đội ngũ kỹ sư, chuyên viên phải “overnight” (xuyên đêm) chạy đua với thời gian.

Các kỹ sư, chuyên viên Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM trao đổi, hoàn thiện app Công dân số. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các kỹ sư, chuyên viên Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM trao đổi, hoàn thiện app Công dân số. Ảnh: HOÀNG HÙNG

App Công dân số là một ứng dụng di động thông minh, là kênh giao tiếp hai chiều giữa chính quyền TPHCM và người dân bằng tương tác một chạm dễ dàng, thuận tiện. Đằng sau một cái chạm tay trên màn hình điện thoại để sử dụng các tiện ích ngay trong lòng bàn tay là cả một bước đi dài chuẩn bị kỹ càng phương án, sự sẵn sàng của dữ liệu và thời điểm - tại sao lại là cuối năm 2024…

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM, từ năm 2020, khi công bố Kiến trúc Chính quyền điện tử TPHCM, thành phố đã đề ra mục tiêu phát triển ứng dụng giao tiếp giữa người dân và chính quyền, vốn càng bức thiết khi TPHCM trải qua đại dịch Covid-19, thời điểm rất cần kết nối hai chiều giữa người dân với chính quyền và ngược lại.

Tuy nhiên, bài học thấm thía từ dịch Covid-19 cho thấy, làm sao để xác thực được người thật việc thật trong các nội dung phản ánh trực tuyến gửi đến chính quyền thành phố là việc không hề đơn giản. Vấn đề đặt ra là phải có phương thức xác định định danh điện tử.

“Và giờ đây có 2 điểm mấu chốt: kết quả từ Đề án 06 (về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) trên địa bàn TPHCM với gần 6 triệu tài khoản định danh điện tử VNeID đã giải quyết được câu chuyện định danh điện tử. Cùng với đó, kết quả Chương trình Chuyển đổi số của TPHCM đã tạo lập được Kho dữ liệu dùng chung “khổng lồ” ở các lĩnh vực thiết thân với người dân như: y tế, giáo dục, xây dựng, giao thông… TPHCM đã khai thác 2 điều kiện đủ ở trên để phát triển app Công dân số, phát huy để phục vụ người dân, phát triển xã hội số” bà Võ Thị Trung Trinh phân tích và bật mí “thiếu một trong 2 yếu tố quan trọng trên, app Công dân số sẽ… rỗng và ảo”.

Cũng chính nhờ kế thừa kết quả từ 2 đề án, chương trình trên, dự án app Công dân số chính thức khởi động tại Sở TT-TT TPHCM từ giữa năm 2022, tăng tốc trong 3 tháng qua, đã được trình làng hôm nay, 14-11. Điều này cũng làm nên điểm nổi bật và khác biệt của app Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh so với nhiều ứng dụng khác: người dân đăng nhập chỉ một lần duy nhất thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam (tài khoản VNeID) và tất cả công dân số xuất hiện trên app đều được xác thực.

“Người dùng được xác thực, sẽ có trách nhiệm hơn khi gửi phản ánh, kiến nghị; chính quyền các cấp cũng trách nhiệm hơn khi trả lời các vấn đề người dân nêu. Cách làm này còn giúp lọc tình trạng người giả, tin giả”, bà Võ Thị Trung Trinh chia sẻ.

Để cài đặt app Công dân số, người dân tìm kiếm và tải ứng dụng trên Google Play (với hệ điều hành Android) và App Store (với hệ điều hành iOS) với tên ứng dụng “Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh”.

12 tính năng thiết thực

Dựa trên khảo sát nhu cầu của người dân đang sinh sống, làm việc, học tập ở TPHCM và phân tích dữ liệu từ Kho dữ liệu dùng chung của thành phố, trong giai đoạn đầu tiên (từ nay đến ngày 31-12-2024), app Công dân số cung cấp 12 nhóm tính năng chính, được hiển thị trong mục Công dân số.

Cụ thể là Phản ánh kiến nghị: giúp người dân có thể gửi phản ánh, kiến nghị về các vấn đề phát sinh trong đời sống và hiến kế xây dựng phát triển thành phố…; Giáo dục: hỗ trợ người dân tra cứu thông tin trường học, địa chỉ chi tiết của trường học; Y tế: giúp tra cứu thông tin về các cơ sở khám chữa bệnh; Du lịch: giúp tra cứu thông tin liên quan đến du lịch;

Giao thông: hỗ trợ tra cứu và tìm kiếm các thông tin liên quan đến xe buýt cùng tiện ích theo dõi camera tại các tuyến đường; Xây dựng: giúp tra cứu các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố, chứng chỉ hoạt động hành nghề liên quan đến bất động sản, môi giới. Cùng đó là các tính năng: Dịch vụ công - Tra cứu hồ sơ; Cơ quan nhà nước; Bản đồ; Tài khoản chung; VNeID; Tương tác thông báo - tin tức - lấy ý kiến người dân.

Ông Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM, chia sẻ, người dân có thể nắm bắt kết quả các cơ quan chức năng của thành phố giải quyết sự việc, sự vụ mà mình phản ánh qua app Công dân số một cách trực tiếp, nhanh nhất có thể. Người dân cũng có thể tra cứu thủ tục hành chính, tra cứu hồ sơ hành chính và nắm bắt tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính ở tất cả lĩnh vực.

Đồng thời, người dân có thể đánh giá, góp ý về dịch vụ của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Tính năng này tiếp tục được cập nhật để tiến tới người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến ở các lĩnh vực. Để thuận tiện cho người dân nắm bắt và quan sát, app Công dân số sẽ hiển thị thông báo mỗi khi có kết quả giải quyết phản ánh, giải quyết hồ sơ, hoặc có diễn tiến mới trong quá trình giải quyết; có thông báo “nóng”, khẩn cấp từ cơ quan chức năng…

App Công dân số chính là một kênh hiệu quả để ghi nhận, quản lý và xử lý ngay lập tức các sự việc từ thực tế cuộc sống phát sinh trên địa bàn, căn cứ trên dữ liệu được cung cấp minh bạch. Qua đó, chính quyền có thể cung cấp nhanh chóng, kịp thời đến người dân các thông tin về các hoạt động của thành phố; truyền thông các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật mới ban hành; đăng tải các tin tức, thông báo, cảnh báo khẩn cấp…

Theo ông Nguyễn Đức Chung, thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục lắng nghe thông tin phản hồi, góp ý của các sở ban ngành và người dùng. Từ đó cập nhật, nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ, tính năng, tiện ích của app Công dân số, đảm bảo ứng dụng vận hành ổn định, thông suốt, đem lại nhiều tiện ích nhất cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Ảnh: VIỆT DŨNG
Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM PHAN VĂN MÃIGiao tiếp trực tuyến hai chiều nhanh chóng, hiệu quả

Thông qua ứng dụng Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền TPHCM mong muốn chỉ bằng tương tác một chạm là có thể giao tiếp trực tuyến hai chiều nhanh chóng, hiệu quả giữa chính quyền với người dân và ngược lại. Với ứng dụng này, TPHCM tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền số hiện đại, gần gũi và thiết thực, đem lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Tôi mong muốn người dân thành phố mau chóng cài đặt ứng dụng Công dân số để trực tiếp trải nghiệm những thành quả của công tác chuyển đổi số trên địa bàn TPHCM. Rất mong người dân thẳng thắn phản ánh các vấn đề phát sinh trong thực tế cuộc sống; đồng thời, có nhiều góp ý, hiến kế về những vấn đề mình quan tâm để chúng ta cùng góp phần dựng xây, phát triển TPHCM.

Qua ứng dụng này, người dân và doanh nghiệp có thể quan sát, theo dõi sát sao tiến độ xử lý thủ tục hành chính và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của các cấp chính quyền trên địa bàn TPHCM. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; công khai, minh bạch kết quả giải quyết để người dân và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời.

ĐƯỜNG LOAN/Báo SGGP

Tin cùng chuyên mục