Kế hoạch thực hiện Ngày Pháp luật năm 2020

17:20 03/08/2020

Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản số 3550 /KH-UBND-NCPC về Kế hoạch tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09/11 trên địa bàn Thành phố năm 2020.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, các hoạt động triển khai thực hiện Ngày Pháp luật bao gồm tổ chức hội nghị triển khai, tổ chức mít tinh, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, trao đổi thảo luận về các nội dung pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; Tổ chức biên soạn, cấp phát tài liệu pháp luật, tổ chức chiếu phim về câu chuyện pháp luật; Tổ chức biểu diễn các tiểu phẩm pháp luật hoặc tổ chức trợ giúp, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân ở cơ sở, các đối tượng đặc thù theo quy định. Có thể lồng ghép các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng internet, cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả mạng lưới thông tin cơ sở; tăng cường thời lượng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm, phóng sự chuyên sâu, phim tài liệu, tin, bài, ảnh, các thông điệp ngắn, đối thoại, trả lời phỏng vấn và các hình thức phù hợp khác về Ngày Pháp luật Việt Nam, về Hiến pháp, pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các hoạt động thực hiện nhân Ngày Pháp luật Việt Nam cần được tổ chức thường xuyên, liên tục, đặc biệt trong tháng cao điểm bắt đầu từ ngày 15/10/2020 đến ngày 15/11/2020.

Thông qua các hoạt động này nhằm phổ biến các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp và các lĩnh vực pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền vấn đề pháp luật liên quan đến, bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, tội phạm, các tệ nạn xã hội và cháy nổ; bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và các vấn đề khác của xã hội được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.

Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân cần xác định hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam là việc làm hàng ngày, thường xuyên, bằng hành động, việc làm cụ thể, thường xuyên nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện và bền vững trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật; gắn công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Khang Minh

Tin cùng chuyên mục