Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trần Phượng Trân cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ, Hội LHPN các cấp đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Theo đồng chí Nguyễn Trần Phượng Trân, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 lần 4 diễn biến phức tạp, các đơn vị đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, đề ra các giải pháp, vừa tập trung triển khai công tác phòng, chống dịch, vừa triển khai thực hiện các nội dung Đề án 938 và Đề án 939. Các mục tiêu của hai Đề án đều vượt chỉ tiêu của giai đoạn 1.
Cụ thể, các hoạt động thực hiện Đề án 938 tập trung các nội dung liên quan đến an toàn cho phụ nữ và trẻ em như phòng chống bạo lực gia đình, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, giáo dục cha mẹ kỹ năng giáo dục chăm sóc con... Tại các địa phương, chủ động vận động nguồn lực và triển khai nhiều hoạt động, mô hình về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em với nhiều hoạt động sáng tạo, phù hợp với đặc điểm địa phương.
Đối với Đề án 939 đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc nâng cao quyền chủ động về kinh tế của phụ nữ, khơi dậy tinh thần, sức mạnh nội lực của phụ nữ. Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, các dự án kinh doanh khởi nghiệp do hội viên phụ nữ làm chủ gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự hỗ trợ các ngành, UBND các cấp, các hội viên đã chủ động học hỏi kinh nghiệm quản lý kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số, vận dụng các kênh bán hàng qua mạng xã hội zalo, facebook, trang fanpage... liên kết nhiều nguồn lực để tổ chức đào tạo, tập huấn cập nhật kỹ năng sử dụng, đã phát huy hiệu quả giúp chị em kinh doanh tốt hơn.
Bên cạnh đó, Đề án 939 có tác động tích cực trong việc khuyến khích phụ nữ vươn lên, đã và đang cùng hội viên phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả, sự năng động, sáng tạo của phụ nữ, giúp mang lại nguồn kinh tế ổn định trong gia đình. Nhiều nguồn lực được huy động hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, giúp phụ nữ có cơ hội phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, hiệu quả. Nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh, góp phần hỗ trợ các chị hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, từ đó nuôi dưỡng, tạo sức lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, phát huy tinh thần tự làm chủ bản thân giải quyết việc làm cho người lao động.
Hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Đồng chí Nguyễn Trần Phượng Trân cho biết, trong giai đoạn 2022-2027, đối với với Đề án 938, TP tiếp tục thực hiện Chủ đề An toàn cho phụ nữ và trẻ em, tập trung vào phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới; An toàn vệ sinh thực phẩm; Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức và giáo dục pháp luật được thực hiện xuyên suốt trong các nội dung can thiệp của Đề án.
Bên cạnh đó, đổi mới về đối tượng của Đề án, ngoài các đối tượng tương tự giai đoạn 1, trong giai đoạn 2, Đề án 938 bổ sung một số đối tượng, vấn đề xã hội ưu tiên của địa phương để góp phần giải quyết vấn đề xã hội nảy sinh thời kỳ hậu Covid-19 như trẻ mồ côi thuộc Chương trình “Vòng tay yêu thương”, mẹ đỡ đầu thuộc Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, phụ nữ lao động nhập cư, nữ công nhân lao động tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp.
Theo đồng chí Nguyễn Trần Phượng Trân, trong giai đoạn 2, các hoạt động được tập trung theo 6 mục tiêu và 6 nhiệm vụ và hướng tới đối tượng đích của Đề án, đầu tư nguồn lực để góp phần giải quyết vấn đề xã hội ưu tiên thời kỳ hậu Covid-19 cho đối tượng ưu tiên, yếu thế như trẻ mồ côi, nữ công nhân tại khu công nghiệp/khu chế xuất, phụ nữ nhập cư. Tăng cường kết nối vận động các nguồn lực xã hội từ các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân cùng chung tay đóng góp, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, đỡ đầu trẻ em mồ côi do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện Đề án gắn với triển khai phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ TP đoàn kết, nhân văn, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, gia đình hạnh phúc” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”và “gia đình 5 có, 3 sạch” tại các xã đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và khu vực đô thị gắn kết chặt chẽ với nội dung 5 “không” trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Đối với Đề án 939 giai đoạn 2023 – 2025, đồng chí Nguyễn Trần Phượng Trân cho biết, TP tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn, tư vấn pháp lý, các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, hội thi về các kỹ năng xây dựng kế hoạch kinh doanh, định giá sản phẩm, marketing, giới thiệu ý tưởng kinh doanh...
Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động giám sát việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; Tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, kết nối các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp trên địa bàn TP để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh dễ dàng tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được tư vấn thành lập; đề xuất sửa đổi quy định về Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phù hợp với tình hình thực tế. Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm để góp phần giảm thiểu rủi ro, tổn thất và ổn định sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân và doanh nghiệp; hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua các dự án.
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của hội viên phụ nữ
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Hoan ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị tham gia Ban Chỉ đạo Đề án 938 và các đơn vị tham gia thực hiện Đề án 939, đặc biệt là các cấp Hội Phụ nữ, đã chủ động, trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai, thực hiện các Đề án, nhất là thời điểm toàn TP bị tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19.
Theo đồng chí Võ Văn Hoan, trong giai đoạn tiếp theo, 2 Đề án cần lồng ghép mục tiêu với các chương trình, đề án khác. Do đó, Ban chỉ đạo 2 Đề án cần xây dựng các chương trình phối - kết hợp chặt chẽ hơn giữa các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhóm phụ nữ khó khăn, phụ nữ làm việc tại các khu công nghiệp để đảm bảo các chị em được tiếp cận với nội dung tuyên truyền; quan tâm các mô hình tại các khu chung cư, khu dân cư đặc thù, tiếp tục đồng hành chăm lo tốt hơn nữa cho trẻ, nhất là trẻ em dưới 36 tháng tuổi và trẻ em mồ côi do dịch Covid-19.
Đối với hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đồng chí Võ Văn Hoan đề nghị cần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của hội viên phụ nữ, xây dựng các doanh nghiệp của phụ nữ lớn mạnh không chỉ đơn thuần tính bằng vốn, bằng doanh thu mà còn có tính xã hội, hướng đến gắn kết với cộng đồng xung quanh, đóng góp giải quyết các vấn đề xã hội và trở thành những doanh nghiệp xanh, bền vững. Đồng thời, phát huy nội lực, vai trò chủ động của phụ nữ trong thực hiện nội dung của hai Đề án.
Bên cạnh đó, nắm chắc tình hình tư tưởng, kiến nghị của phụ nữ, kịp thời lên tiếng bảo vệ và tham gia giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại.
Dịp này, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen cho 1 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 939 giai đoạn 2017 - 2022; UBND TPHCM tặng Bằng khen cho 17 tập thể và 1 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 938 và tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 3 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 939 giai đoạn 2017 - 2022.
Long Hồ (Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM)