Kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào là hướng đi phù hợp

15:02 12/11/2020

(HMC) - Sáng 12/11, Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị quốc tế (FSC), Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) và Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ (VENUSA) phối hợp tổ chức Hội nghị Kết nối doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các doanh nghiệp kiều bào tiềm năng tại Hoa Kỳ.

Tham dự hội nghị trực tuyến có khoảng 250 đại biểu từ 25 điểm cầu. Tại đầu cầu Trung ương có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Tại điểm cầu TPHCM với sự chủ trì của ông Lê Trường Duy, Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM, Giám đốc FSC; ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực BAOOV cùng sự tham dự của Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM Trần Phước Anh và đại diện các Sở - ngành, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.

Ông Lê Trường Duy, Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM, Giám đốc FSC...
Ông Lê Trường Duy, Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM, Giám đốc FSC...
...và ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực BAOOV chủ trì hội nghị.
...và ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực BAOOV chủ trì hội nghị.

Đồng bằng sông Cửu Long có 3 điểm cầu chính tại Đồng Tháp, Trà Vinh và Tiền Giang sự tham dự của lãnh đạo UBND, các sở - ngành và doanh nghiệp tiêu biểu của các tỉnh.

Tại Hoa Kỳ có ông Hà Kim Ngọc - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ; ông Nguyễn Trác Toàn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Fransisco; đại diện Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Washington D.C., Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Fransisco và đại diện các doanh nghiệp kiều bào phân bổ tại các điểm cầu chính ở Washington D.C., San Fransisco và Houston – Texas.

Phát huy thế mạnh của địa phương qua kết nối doanh nghiệp

Phát biểu chào mừng hội nghị từ điểm cầu Hoa Kỳ, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc cho rằng, việc tổ chức hội nghị này là cách làm sáng tạo để tăng cường kết nối, nhất là trong thời điểm diễn biến của dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời nhấn mạnh, kết nối giữa DN trong nước và DN kiều bào là hướng đi phù hợp trên cơ sở sự ủng hộ của Chính phủ hai nước.

Đại sứ Hà Kim Ngọc - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ảnh tư liệu
Đại sứ Hà Kim Ngọc - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ảnh tư liệu

Hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ đang tiếp tục được mở rộng. Tăng cường quan hệ với Việt Nam là chính sách chung của cả chính quyền, Quốc hội Hoa Kỳ không phân biệt đảng Cộng Hòa hay Dân chủ, và cũng là nguyện vọng của doanh nghiệp, người dân Hoa Kỳ.

Về phía Việt Nam, Đảng và Chính phủ luôn coi trọng vai trò và sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài, sẵn sàng hỗ trợ để kiều bào thành công ở sở tại cũng như tăng cường những hình thức hợp tác gắn kết với quê hương. Thông qua các chính sách cụ thể, Nhà nước tạo điều kiện để doanh nghiệp kiều bào đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và trở thành một phần quan trọng của cộng đồng DN Việt Nam trên thế giới. Đến nay, hơn 3.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư của kiều bào được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam; nhiều doanh nghiệp trở thành đại diện kênh kết nối, phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, việc kết nối các tỉnh ĐBSCL và các DN kiều bào tại Hoa Kỳ sẽ góp phần phát huy thế mạnh của mỗi địa phương và DN. Bởi ĐBSCL là một trong những đầu mối xuất khẩu lớn của Việt Nam; trong khi đó, Hoa Kỳ lại là thị trường lớn, nhiều tiềm năng và có nhu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa Việt Nam.

Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ là cộng đồng lớn với hơn 2 triệu người, sở hữu khoảng 300.000 cơ sở kinh doanh ở khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Trong đó có nhiều DN phân phối hàng hóa cho cộng đồng. Các tổ chức, hiệp hội doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ đã và đang góp phần hình thành mạng lưới doanh nhân Việt Nam cùng hợp tác với các DN địa phương tại Việt Nam.

Đại sứ Hà Kim Ngọc cũng cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức khi đưa hàng Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh các rào cản thương mại và kỹ thuật như tiêu chuẩn môi trường, lao động, nguồn gốc, xuất xứ… Hoa Kỳ yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và mong muốn các đối tác cam kết làm ăn lâu dài, uy tín và hiểu biết về pháp luật sở tại.

Về phía địa phương, đại diện cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: ĐBSCL là địa bàn trọng điểm của cả nước về nông nghiệp, công nghiệp chế biến và thủy sản; các tỉnh trong khu vực cùng chung tay tìm hướng đi mới cho hàng hóa nông sản, không bó hẹp giao thương nội địa, hướng đến liên kết sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chuỗi giá trị phục vụ xuất khẩu vào thị trường uy tín, trong đó có Hoa Kỳ. Theo đó, các tỉnh đã và đang tập trung phát triển nông nghiệp an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn nhập khẩu và nguồn hàng ổn định quanh năm. Các địa phương rất phấn khởi khi được kết nối và được đón các nhà đầu tư kiều bào đến khảo sát, đầu tư trong thời gian sớm nhất.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Ảnh tư liệu
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Ảnh tư liệu

Các yếu tố để sự kết nối thành công

Nhấn mạnh đến sự lớn mạnh và tiềm năng của cộng đồng kiều bào khắp nơi trên thế giới, trong đó có cộng đồng doanh nhân kiều bào, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Hoành Năm cho hay, tiềm năng này chưa được phát huy hiệu quả và đúng mức, nhất là tiềm lực của các doanh nhân kiều bào thế hệ trẻ. Vì vậy, chúng ta cần làm tốt hơn trong thời gian tới cùng với việc bổ sung các cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư phù hợp.

Trao đổi tại hội nghị, đại diện các DN kiều bào tại Hoa kỳ chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua nước ngoài. Hiện nay, các kiều bào tâm huyết vẫn luôn trăn trở, mong muốn đầu tư nhiều về quê hương để cùng xây dựng, phát triển đất nước. Sự kết nối với doanh nghiệp trong nước là hoạt động rất có ý nghĩa, mở ra nhiều cơ hội để hai bên cùng hợp tác, trao đổi và chia sẻ lợi ích. Tuy nhiên, sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của chính quyền các cấp là rất quan trọng.

Trong vấn đề xuất khẩu, các DN cho rằng cần có địa điểm, đầu mối để tập trung hàng hóa, kiểm tra chặt chẽ chất lượng trước khi phân phối vào thị trường Hoa Kỳ để tạo sự ổn định của hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt, các DN Việt Nam cũng cần chú trọng đến việc áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu của người Á Đông tại Mỹ mà cho cả người bản xứ ở đây. Và để kết nối, phân phối thành công các mặt hàng qua thị trường Hoa Kỳ, việc tìm hiểu pháp luật nước sở tại cũng quan trọng không kém.

Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM Trần Phước Anh. Ảnh: Huyền Mai
Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM Trần Phước Anh. Ảnh: Huyền Mai

Phát biểu về sự đồng hành của TPHCM, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM Trần Phước Anh khẳng định tinh thần sẵn sàng hỗ trợ cho các DN trong nước và DN kiều bào với mục tiêu hoạt động ngoại giao phục vụ tối đa cho phát triển kinh tế. Trong đó có 03 việc trọng tâm:

Thứ nhất, kết nối các DN với nhau để hiểu và đem lại hiệu quả hợp tác; kết nối DN với các cơ quan quản lý nhà nước để cung cấp, nắm bắt, thông tin về các định hướng, chính sách trong quá trình hợp tác, đầu tư; kết nối DN với các cơ quan nước ngoài tại TPHCM để tăng cơ hội trao đổi, thu hút và xúc tiến đầu tư.

Thứ hai, hỗ trợ tích cực, tối đa cho các DN trong và ngoài nước trong phạm vi, chức năng của Sở. Hiện nay, FSC cũng đang xây dựng và triển khai kế hoạch hình thành các trung tâm phân phối, giới thiệu hàng hóa Việt Nam.

Thứ ba, tích cực phối hợp với các Sở - ngành, tổ chức để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN.

Với sự chứng kiến của các đại biểu tham dự từ các điểm cầu, Ban Tổ chức đã kết nối và tổ chức lễ ký kết hợp tác của DN Việt Nam và DN Hoa Kỳ. 06 hợp đồng được ký kết tại hội nghị có tổng giá trị khoảng 200 triệu USD.

Những Biên bản ghi nhớ và hợp đồng đầu tiên sau hội nghị truyền tải thông điệp về kết quả tốt đẹp của hội nghị lần này. Hội nghị là bước đi đầu tiên và cũng là bước đi tích cực trong hoạt động kết nối doanh nghiệp xuyên suốt, lâu dài, mang lại mối quan hệ và lợi ích cho 2 bên; qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ.

Nhân dịp này, hội nghị cũng công bố Website tiếp nhận thông tin và kết nối DN trong nước với DN Hoa Kỳ.

Kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào là hướng đi phù hợp - Ảnh 1
Kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào là hướng đi phù hợp - Ảnh 2
Các doanh nghiệp ký kết các Biên bản ghi nhớ và hợp đồng hợp tác từ điểm cầu TPHCM. Ảnh: Huyền Mai
Các doanh nghiệp ký kết các Biên bản ghi nhớ và hợp đồng hợp tác từ điểm cầu TPHCM. Ảnh: Huyền Mai

Hội nghị nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 1797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020 – 2024”; đồng thời góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào, đẩy mạnh công tác thông tin về hàng hóa, sản phẩm của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam thông qua hệ thống phân phối của kiều bào và tỷ lệ hàng Việt trong tiêu dùng của cộng đồng kiều bào.

Bên cạnh đó, hội nghị giúp thông tin thêm cho doanh nghiệp kiều bào về chính sách xuất nhập khẩu và đầu tư cũng như nhu cầu hợp tác của các doanh nghiệp trong nước; mở ra cơ hội để doanh nghiệp kiều bào phát huy tiềm năng phát triển kinh doanh và đóng góp nhiều hơn cho quê hương.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Huyền Mai
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Huyền Mai

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục