Trước khi bắt đầu kỳ họp, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm các bệnh nhân Covid-19 qua đời trên địa bàn TPHCM.
Phát biểu khai mạc kỳ họp lần thứ hai HĐND TPHCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, TPHCM đã qua gần 90 ngày kể từ khi phát hiện ổ dịch trong cộng đồng của đợt dịch thứ 4. Thành phố đã triển khai giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ tăng cường, trong đó có hơn 6 tuần siết chặt các biện pháp theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch.
“Đây là giai đoạn khó khăn chưa từng có đối với hệ thống chính trị và nhân dân TP. TPHCM đã căng mình những ngày qua để chống lại sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch COVID-19. Với sự lãnh đạo của Trung ương, Chính phủ, sự đồng hành, hỗ trợ của các tỉnh thành bạn, sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng từ cử tri, đồng bào, chúng ta đã có những bước đi hợp lý và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn quyết định với nhiều khó khăn, cam go nhưng nhất định sẽ chiến thắng đại dịch nguy hiểm, diễn biến phức tạp, khó lường này” - bà Lệ phát biểu.
Bên cạnh công tác chống dịch, TP đã triển khai nhiều nội dung quan trọng, khởi động, vận hành những hoạt động đầu tiên của nhiệm kỳ. Trong điều kiện thành phố đang tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm kiểm soát dịch Covid-19 nhưng do yêu cầu cấp thiết công tác cán bộ và một số nội dung tờ trình về hỗ trợ công tác phòng chống dịch và tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND TPHCM triệu tập kỳ họp thứ 2 (kỳ họp chuyên đề) để quyết nghị một số nội dung quan trọng.
Tại kỳ họp này, HĐND TPHCM sẽ miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND THPCM nhiệm kỳ 2021-2026 đối với đồng chí Nguyễn Thành Phong. Đồng thời, HĐND sẽ giới thiệu và bầu nhân sự thay thế.
Ngoài ra, HĐND TP cũng xem xét, thông qua đối với các Tờ trình của UBND TP như: Tờ trình về ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid 19; Tờ trình phê duyệt bổ sung biên chế hành chính đối với UBND quận thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM; Tờ trình về huy động vốn để đầu tư chương trình cho vay hỗ trợ chính sách phát triển ngân sách TP.HCM, chương trình 2 theo phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ... cùng một số nội dung quan trọng khác.
Đồng thời, HĐND TP sẽ xem xét thông qua Chương trình hoạt động giám sát của HĐND thành phố năm 2022. Chương trình làm việc toàn khóa khóa X; Nội quy kỳ họp HĐND TP khóa X. HĐND TPHCM nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri (từ kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX đến nay), nhất là đối với những vấn đề đang được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh: Những vấn đề được xem xét, thảo luận và quyết nghị tại Kỳ họp lần này có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19; giảm lệ phí dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp để tiếp tục khuyến khích người dân, doanh nghiệp giao dịch hành chính công trên môi trường mạng và bổ sung biên chế hành chính đối với ủy ban nhân dân các Quận thực hiện chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh…
Đồng thời, các quyết nghị tại kỳ họp lần này cũng là cơ sở pháp lý để HĐND hoạt động cả nhiệm kỳ, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, tạo nền tảng cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI nhiệm kỳ 2021-2025.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đề nghị đại biểu HĐND TP nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu sâu, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng vào các nội dung trình tại kỳ họp để kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng sự mong đợi của đồng bào, cử tri TPHCM.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã nghe Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri. Trong tổng số 123 lượt kiến nghị của cử tri gửi đến UBND TP, các sở, ngành TP trước và sau kỳ họp thứ 23, HĐND TP khóa IX, có 119 lượt kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP và 4 lượt kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương.
Trong đó, đã giải quyết xong hoặc giải trình làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm là 88/119 kiến nghị, chiếm 74%. Xin tiếp thu các góp ý của cử tri hoặc đang tiếp tục triển khai thực hiện là 31/119 kiến nghị, chiếm 26%. Như vậy, tỷ lệ trả lời kiến nghị cử tri đạt 100%.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan báo cáo các tờ trình của UBND TP cụ thể như: Tờ trình số 2826/TTr-UBND về phê duyệt bổ sung biên chế công chức đối với UBND TP Thủ Đức, UBND các quận thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính Phủ. Theo đó, UBND TP trình HĐND TP phê duyệt bổ sung biên chế công chức 3.735 người (15 người/phường x 249 phường) để thực hiện Chính quyền đô thị tại UBND TP Thủ Đức và các quận trên địa bàn TP.
Tờ trình số 2816/TTr-UBND về việc ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Để động viên tinh thần cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục phát huy tinh thần đồng sức, chung lòng, việc trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành quy định về đối tượng, mức chi và nguồn kinh phí thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh là đúng thẩm quyền và là yêu cầu cấp thiết.
Các lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ bao gồm: 13.200 người thực hiện công việc trực tiếp; 14.000 người tham gia quản lý, điều hành, điều phối trực tiếp hoạt động phòng, chống dịch; tham gia các tổ phòng, chống dịch tại địa phương; 19.000 người không thuộc chuyên môn y tế thực hiện công việc gián tiếp tại các bệnh viện điều trị COVID-19 và cơ sở cách ly tập trung; 68.400 người là thành viên Tổ COVID cộng đồng; 8.300 tình nguyện viên được Thành phố huy động và 10.000 tình nguyện viên được Bộ Y tế huy động tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch, chi viện cho TPHCM.
Để đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, giảm tiếp xúc giữa cán bộ với người dân và doanh nghiệp trong khi giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, UBND TP đã có Tờ trình 8 2821 về đề xuất tiếp tục giảm lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.
Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND TP được nghe Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố báo cáo kết quả năm học 2020-2021 và công tác chuẩn bị cho năm học 2021-2022.
Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, nhất là các em có nguyện vọng vào Đại học, trên cơ sở họp bàn với Sở Y tế dưới sự chỉ đạo của Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đợt 1 (khóa ngày 7,8/7/2021 theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 tại TP.Hồ Chí Minh diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế với 96,25% thí sinh tham gia kỳ thi. Công tác chấm thi được triển khai khẩn trương. Ngày 26/7/2021 đã công bố kết quả thi và chấm phúc khảo từ ngày 10/8 đến ngày 12/8/2021 theo đúng quy định. Tuy nhiên, TPHCM không thể tổ chức đợt 2 của kỳ thi (khóa ngày 6,7/8/2021) do đang thực hiện giãn cách xã hội. Các thí sinh còn lại được hướng dẫn hoàn tất hồ sơ xét đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.
Về công tác tuyển sinh đầu cấp, TP Thủ Đức và các quận, huyện đã chủ động xây dựng Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh các lớp đầu cấp theo phân cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở). Ban Chỉ đạo tuyển sinh địa phương chịu trách nhiệm phân tuyến nhằm đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi, cư trú trên địa bàn (không kể hộ khẩu) được đến trường.
Năm nay, nhiều địa phương đã tuyển sinh theo hình thức trực tuyến nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do tình hình dịch kéo dài. Đến nay, về cơ bản, công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp ở thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã hoàn thành.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn Thành phố có 249 trường làm nơi cách li, 453 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm, chích ngừa; gần 2.000 giáo viên và 6.000 học sinh thuộc các diện F0, F1. Năm học mới tại Thành phố không thể bắt đầu bằng hình thức trực tiếp. Các cơ sở giáo dục, khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, phải mất ít nhất 02 tuần sửa chữa, cải tạo. Vì vậy, học sinh phổ thông của Thành phố sẽ bắt đầu năm học mới với hình thức học trên internet.
Riêng bậc học mầm non, phải dạy - học trực tiếp, nên sẽ bắt đầu và kết thúc năm học chậm hơn khối phổ thông. Trong thời gian chưa thể bắt đầu đi học, các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục tổ chức cho giáo viên xây dựng các đoạn phim ngắn hướng dẫn trẻ sinh hoạt, vui chơi, giáo dục kĩ năng với sự tham gia của phụ huynh.
Năm học 2021 - 2022 khối phổ thông và thường xuyên sẽ không thực hiện tựu trường, khai giảng mà bắt đầu ngay vào công tác tổ chức lớp, hướng dẫn học tập và giảng dạy chương trình qua internet.