Khai mạc trọng thể Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh
(HMC) – Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2025 đã khai mạc trọng thể tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 6/5, với sự tham gia của khoảng 2.700 đại biểu quốc tế và trong nước. Chủ tịch nước Lương Cường tham dự buổi lễ.
Cùng tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố…
Về phía đại biểu quốc tế, có sự tham dự của Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake; đại diện Chính phủ các nước; các tổ chức quốc tế; Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán các nước tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết, Việt Nam là đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, gắn bó sâu sắc với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trong suốt hơn 2000 năm qua, Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “hộ quốc an dân”, đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc. Những giá trị như lòng yêu nước, tinh thần khoan dung, ý thức hướng thiện của Phật giáo đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt và góp phần hun đúc bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tiếp nối truyền thống đó, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Hàng vạn Tăng Ni, Phật tử trên mọi miền đất nước không chỉ tu tập, mà còn đi đầu trong nhiều hoạt động ích nước, lợi dân, qua các việc làm từ thiện, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tham gia bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng... Từ đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững của Việt Nam.
“Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quản chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước tin tưởng, với vai trò là nước chủ nhà, Việt Nam sẽ tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025. Đồng thời, thông qua trí tuệ Phật giáo xây dựng tương lai thế giới hoà bình, nhân ái và phát triển bền vững hơn.
“Tôi đề nghị, chúng ta cần đưa tâm từ bi vào chính sách, mang trí tuệ vào định hướng phát triển, đề cao tinh thần vô ngã - vị tha, tức là làm việc gì cũng không vì bản thân mình mà luôn nghĩ đến lợi ích của đại chúng”, Chủ tịch nước phát biểu.

Trước đó, phát biểu chào mừng đại lễ, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy Ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2025, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết, Đại lễ Vesak là sự kiện tôn giáo quốc tế lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào phật tử và người dân có cảm tình với Phật giáo trên toàn thế giới, trong đó có Giáo hội Phật giáo, đất nước và con người Việt Nam.
Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 rất có ý nghĩa khi được tổ chức đúng dịp Việt Nam vừa kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh.
Với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững", đại lễ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Liên hợp quốc đổi với hoạt động mang tỉnh xã hội rộng rãi, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phát huy tinh thần khoan dung, hòa hợp, nhân ái và từ bi mà đức Phật đã trao truyền, để cùng nhau xây dựng thế giới "hòa bình an lạc". Đây là nền tảng vững chắc để vươn tới sự ổn định trong xã hội, tìm lại bình yên giữa thiên nhiên, môi trường sống.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn thông tin thêm, hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; đại diện cho tăng ni, phật tử cả nước, đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc hướng dẫn tín đồ tu hành, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
“Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025, cho thấy Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn bó với dân tộc, mà còn đang tích cực đóng góp vào các hoạt động Phật giáo quốc tế”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chia sẻ.

Tại lễ khai mạc, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Disanayaka đã chia sẻ thông điệp, thể hiện sự trân trọng của đất nước Sri Lanka với đại lễ lần này.
Tổng thống Anura Kumara Disanayaka cho biết, tại các quốc gia Phật giáo truyền thống như Sri Lanka, một trong những quốc gia đầu tiền tiếp nhận Phật giáo bên ngoài Ấn Độ, nơi đạo Phật khai sinh, ngày này được kỷ niệm nhằm tôn vinh ba sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời của Đức Phật: đản sinh, thành đạo và nhập niết-bàn.
Trong suốt hai thiên niên kỷ rưỡi qua, ngày này vẫn luôn được xem là ngày trọng đại và thiêng liêng nhất trong lịch Phật giáo của các quốc gia.
“Tôi được biết rằng, năm nay, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Việt Nam lần thứ tư, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai. Đại diện cho một trong những quốc gia Phật giáo Thượng tọa bộ hàng đầu thế giới, tôi thực sự hạnh phúc khi được cùng với các Phật tử trên khắp thế giới, đặc biệt là các Phật tử Việt Nam, tham dự vào dịp lễ trọng đại và đầy ý nghĩa tôn giáo này”, Tổng thống Sri Lanka cho hay.

Cùng với Tổng thống Sri Lanka, nhiều đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia: Ấn Độ, Campuchia, Cộng hòa Buryatia, Vương quốc Anh, Hoa kỳ… và các tổ chức: UNESCO, Liên hợp quốc… cũng đã trân trọng gửi thông điệp đến đại lễ tại buổi khai mạc.
Một số hình ảnh sáng nay:







.jpg)

