Thông tin tại buổi lễ, ông Ngô Như Hùng Việt - Tổng giám đốc Cty CP Vietstar cho biết: Nhà máy xử lý chất thải rắn Vietstar nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, có tổng diện tích 30 ha. Đây là một trong 3 nhà máy thiết yếu của Thành phố về xử lý rác thải. Nhà máy đang xử lý 2.000 tấn rác/ngày, sản xuất 7.500 tấn phân hữu cơ/tháng và 8000 tấn nhựa PE/tháng.
Để đáp ứng nhu cầu cấp bách về đổi mới công nghệ, gia tăng công suất tái chế và đốt rác phát điện không chôn lấp, Vietstar tự nguyện và đang mạnh dạn phát huy kế hoạch cải tiến nhà máy. Trong đó, cải tiến hệ thống Phân loại và Tái chế (không cần chờ phân loại tại nguồn), dùng 100% thiết bị mới để tăng công suất. Hệ thống khép kín không phát tán mùi hôi. Đồng thời, phân hữu cơ và nhựa tái chế được phân phối khắp cả nước.
Ở giai đoạn 2 của dự án, Công ty sẽ xây dựng và lắp ráp hệ thống đốt rác phát điện (WTE) với công nghệ hiện đại được áp dụng cho hơn 1.500 nhà máy trên toàn thế giới; hệ thống này cũng được hoàn toàn khép kín, không phát tán mùi hôi. Bên cạnh đó, nâng công suất thêm 2.000 tấn/ngày để xử lý rác không tái chế từ hệ thống phân loại và tái chế trên.
Tổng vốn đầu tư cho cả dự án này là 400 triệu USD, 100% vốn tự có, không sử dụng ngân sách nhà nước. Dây chuyền, máy móc tại nhà máy vận hành theo công nghệ Đức.
Trên cơ sở hoàn thành tiến độ của giai đoạn 1, Vietstar cam kết thực hiện kế hoạch đầu tư dự án theo đúng tiến độ, đưa Nhà máy tích hợp Vietstar đi vào hoạt động từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 với công suất có thể lên đến 8.000 – 10.000 tấn rác/ngày.
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cho biết, với mức độ đô thị hóa nhanh, hiện nay mỗi ngày đêm TPHCM thải ra khoảng 9.000 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp), mỗi năm còn tăng thêm 10%. Đây là điều mà lãnh đạo TP luôn trăn trở.
Tuy nhiên, phương pháp chôn lấp tồn tại các khuyết điểm như gây mùi hôi, ô nhiễm, do đó thành phố đã chấp thuận chủ trương cho các đơn vị chuyển đổi công nghệ qua đốt rác phát điện. Thành phố cũng đã đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ rác chôn lấp chỉ còn 20%. Vì vậy, trong nhiệm kỳ vừa qua và nhiệm kỳ này, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải, đốt rác và phát điện.
Nhấn mạnh, rác thải cũng là tài nguyên quốc gia, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cho rằng, sự kiện khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy tích hợp xử lý và tái chế chất thải rắn là một cột mốc quan trọng trong việc hiện đại hóa công nghệ xử lý rác hiện nay, cũng như tận dụng các nguồn rác thải để sản xuất thành nguồn điện năng cung cấp cho xã hội, góp phần hoàn thành sớm các mục tiêu Chương trình đột phá giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn TPHCM.
Tải hình ảnh buổi lễ Khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy tích hợp xử lý và tái chế chất thải rắn Vietstar: Tại đây