Không xem nhẹ bệnh răng miệng

14:45 03/05/2022

Với tâm lý lo sợ dịch Covid-19, bận rộn, hay ở xa nên nhiều người mắc các bệnh về răng miệng phải cố chịu đau, hoặc tự ý mua thuốc giảm đau uống cầm chừng mà không đến bệnh viện điều trị. Do đó, bệnh từ nhẹ trở nặng, khi đến bệnh viện thì tình trạng đã trầm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Nguy hiểm vì tự ý điều trị

Gặp chị N.T.Q. (sinh năm 1992, ngụ tại Tiền Giang) tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM, khi chị đang sưng to một bên mặt, người mệt mỏi, nói chuyện khó khăn. Chị Q. kể: “Cái răng hàm dưới bị sâu hơn 2 năm nay. Lâu lâu đau nhức và sưng thì ra nhà thuốc mua uống, vài ngày là hết. Nhưng đợt này lại sưng, đau, khó chịu nên tự lấy cây kìm bẻ, chỉ còn cái chân răng. Hậu quả là vẫn sưng to, nhai và nói khó nên đành đến bệnh viện”. Sau khi bác sĩ thăm khám, chị Q. được chẩn đoán bị sâu răng có nhiễm trùng mức độ nặng, phải nhập viện để xử lý và nhổ bỏ răng. 

Bác sĩ đang thăm khám răng miệng cho bệnh nhân. Ảnh: CAO LÂM
Bác sĩ đang thăm khám răng miệng cho bệnh nhân. Ảnh: CAO LÂM

Cũng nhập viện vì để tình trạng sâu răng quá lâu mới thăm khám, anh N.V.T. (53 tuổi, ngụ tại Bến Tre) không khỏi lo lắng khi bác sĩ chẩn đoán viêm mô tế bào lan tỏa vùng hàm mặt do biến chứng. Người nhà của anh T. kể, anh T. bị đau nhức răng, mua thuốc uống nhưng không giảm mà còn nặng thêm như không thể há miệng, nóng sốt. Thấy không ổn nên người nhà gọi xe cấp cứu đưa đến bệnh viện. “Khi vào khoa cấp cứu, bác sĩ nói nếu trễ hơn nữa là mủ len lỏi vào các cơ quan của cơ thể thì nguy hiểm tính mạng”, người nhà anh T. kể. Sau khi được các bác sĩ điều trị tích cực bằng phương pháp dùng kháng sinh, kháng viêm, tháo bỏ mủ, nhổ bỏ răng sâu, anh T. đã qua cơn nguy kịch, dần hồi phục sức khỏe.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hiển, chuyên ngành răng hàm mặt, một số người ngại đến bệnh viện thăm khám với nhiều lý do, lại tự ý điều trị nên từ sâu răng nhẹ thành nặng, gây các nhiễm trùng, phải nhổ bỏ. Nhiều trường hợp, trong miệng bệnh nhân có vết sùi loét, hay răng chỉ thay đổi màu sắc không đau hoặc đau ít, nhưng do chủ quan mà bệnh nhân không đi khám, tới lúc khám ra mới tá hỏa vì ung thư hốc miệng giai đoạn trễ. 

Còn tại Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc bệnh viện, cho biết, hiện tại lượng bệnh nhân đến thăm khám do gặp các vấn đề về răng miệng nhiều và tăng dần. Bệnh viện hiện có 4 dịch vụ chuyên sâu về răng là implant, niềng răng, răng sứ và chữa bệnh lý răng miệng tổng quát. Trong đó, lượng bệnh nhân đến chữa bệnh lý răng miệng tổng quát khá lớn, chủ yếu là các bệnh như viêm nướu, nha chu, sâu răng.

Vệ sinh đúng và khám định kỳ

Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), để giảm nguy cơ sâu răng từ thực phẩm, nên ăn thực phẩm có đường trong bữa ăn, vì khi đó miệng sẽ tiết nước bọt nhiều hơn. Ngoài ra, cần hạn chế ăn nhẹ giữa các bữa ăn chính. Nếu thèm ăn vặt, phải chọn thực phẩm bổ dưỡng. Việc nhai kẹo cao su không đường sau khi ăn có thể tăng lưu lượng nước bọt, giúp rửa trôi thức ăn và axít. Uống nhiều nước hơn có thể giúp ngăn ngừa sâu răng. Nếu sử dụng nước đóng chai, hãy kiểm tra hàm lượng fluoride chứa trong đó. Tuy nhiên, để ngăn chặn và sớm phát hiện các bệnh lý về răng miệng như sâu răng, bệnh lý về nướu…, người dân cần thăm khám định kỳ tại cơ sở y tế có chuyên môn. 

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân cần thăm khám răng miệng định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm/lần. Nhưng đối với bệnh nhân mắc các bệnh về răng miệng cần thăm khám sớm hơn, từ 1-3 tháng/lần. Khi phát hiện các vấn đề về răng miệng, người dân nên thăm khám tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được tư vấn bởi các chuyên gia, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. 

Theo Th.S-BS CKI Nguyễn Hải Thắng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM, răng đóng vai trò quan trọng trong việc nhai, phát âm và vẻ bề ngoài của mỗi người. Khi có được chế độ ăn uống hợp lý và vệ sinh răng miệng đúng cách (chải răng, dùng chỉ nha khoa) sẽ giúp ngăn chặn hầu hết các vấn đề về răng. Chải răng rất quan trọng cho sức khỏe răng miệng, cần chải đúng kỹ thuật, đúng thời gian và tùy thuộc vào đối tượng để có hiệu quả làm sạch cao nhất mà không gây tổn thương răng, nướu và nên chải răng sau khi ăn và trước khi ngủ. 

Theo các chuyên gia răng miệng, hiện nay, vì muốn răng trắng nhanh, một số người thường xuyên lạm dụng tẩy trắng răng. Tuy nhiên, việc tẩy trắng là phương pháp dùng hóa chất chuyên dụng tác động oxy hóa lên các phân tử màu trên răng. Tuy là phương pháp phổ biến và hiệu quả trong cải thiện thẩm mỹ răng, nhưng cũng có những chống chỉ định và tác dụng phụ. Vì vậy, cần tẩy theo đúng chỉ định của bác sĩ, không nên lạm dụng việc tẩy trắng quá nhiều lần trong thời gian ngắn. 

Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Việt Nam, hiện nay có hơn 90% người dân mắc bệnh về răng miệng, trong đó, hơn 85% trẻ em từ 6-8 tuổi có sâu răng sữa. Ở người cao tuổi và người trưởng thành thì hơn 80% người dân có sâu răng vĩnh viễn; hơn 60% trẻ em và hơn 80% người lớn viêm lợi, viêm quanh răng. Ngoài ra, hơn 80% thanh thiếu niên có răng lệch lạc. Đặc biệt, các bệnh lý cần nhập viện bao gồm: nhiễm trùng hàm mặt, chấn thương hàm mặt, u bướu vùng hàm mặt…

KIM HUYỀN/SGGP

Tin cùng chuyên mục