Kích cầu tiêu dùng, vực dậy sản xuất

09:00 24/05/2023

Hôm nay 24-5, Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 (về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội). Theo nhiều hiệp hội, chuyên gia, việc tiếp tục thực hiện chính sách này là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay để kích cầu tiêu dùng, vực dậy sản xuất.

Kích thích tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM, chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% là rất cần thiết và cấp thiết nhằm kích thích sức mua của người tiêu dùng trong nước.

Ông Hiến phân tích, từ cuối năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Điển hình là chi phí logistics, nguyên vật liệu, xăng dầu, lãi suất vay… tăng cao, kéo theo giá thành sản phẩm tăng 20%-30% so với đầu năm 2022. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu đều giảm mạnh.

Đặc biệt, tại 3 thị trường chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc, nhu cầu thị trường liên tục bị thu hẹp. Tình trạng này tác động khá rõ nét đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Giảm thuế GTGT 2% được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng, mua sắm hàng hóa. Ảnh: QUANG PHÚC
Giảm thuế GTGT 2% được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng, mua sắm hàng hóa. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, khảo sát thực tế tình hình hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn từ đầu năm đến nay cho thấy, doanh nghiệp vẫn chưa dứt khỏi những khó khăn, và nguy cơ phải rời bỏ thị trường rất lớn. Đơn hàng ngành xây dựng giảm 65%; dệt may, da giày giảm 40%-50%; lương thực, thực phẩm - vốn luôn duy trì mức tăng trưởng trên 2 con số trong 20 năm qua - cũng đã giảm đà tăng trưởng, còn dưới 10% trong những tháng đầu năm nay.

Nếu thuế GTGT giảm 2%, ngân sách sẽ giảm thu nhưng sẽ được bù đắp từ nguồn thu khác. Chẳng hạn, nếu giảm 2% thuế GTGT, giá thành sản phẩm sẽ giảm, người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu. Từ đó, đơn hàng doanh nghiệp sẽ được cải thiện, hoạt động sản xuất phục hồi và có điều kiện gia tăng nộp thuế.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã TPHCM (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, thông tin, để duy trì sức mua trên thị trường, Saigon Co.op đã phối hợp với các nhà cung cấp duy trì ổn định giá, tránh tăng giá. Các đơn vị nỗ lực cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, kinh doanh để bù vào chi phí giá thành sản phẩm, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá để hỗ trợ sức mua. Thế nhưng, doanh thu ngành bán lẻ hiện vẫn rất khó khăn. Do vậy, việc giảm thuế GTGT ở mức 2% là cần thiết, nhằm trợ lực cho doanh nghiệp giữ ổn định giá sản phẩm, làm cơ sở để duy trì sức mua.

Cần giảm thuế mạnh hơn

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, doanh thu hàng hóa dịch vụ quý 1-2023 tăng trưởng tốt nhưng đến tháng 4 đã bắt đầu chững lại, sức mua rất thấp. Để kinh tế sớm phục hồi, TS Trần Du Lịch kiến nghị, phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa thông qua công cụ từ Nhà nước và cả doanh nghiệp.

Cụ thể, cơ quan nhà nước cần nghiên cứu tiếp tục giảm thuế GTGT theo từng ngành, vì mức giảm còn 8% là chưa đủ mà cần giảm xuống còn 5%-6% để kích cầu thị trường nội địa; đồng thời cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường. Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn như hiện nay, nếu không thúc đẩy thị trường nội địa thì sẽ ảnh hưởng đến tồn kho và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Người tiêu dùng lựa chọn món ăn chế biến sẵn tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người tiêu dùng lựa chọn món ăn chế biến sẵn tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, bày tỏ sự đồng tình với đề nghị giảm thuế GTGT của Chính phủ, thậm chí cho rằng nên giảm ở mức cao hơn, mức 3%-5%. Thời gian áp dụng không chỉ trong 6 tháng cuối năm mà kéo dài sang năm 2024. Nếu áp dụng thì dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 75.000 tỷ đồng, nhưng thực tế chưa hẳn đã giảm.

Bởi, việc giảm thuế giúp giảm chi phí giá thành, thúc đẩy mua bán, tăng doanh số, kích thích tăng trưởng. Doanh nghiệp có lợi nhuận nhiều hơn sẽ quay lại nộp thuế. Giảm thuế không đáng kể thì sẽ không tạo được tác động lớn. Khoan thư sức dân trong bối cảnh này là cần thiết.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng đồng tình với việc cần tiếp tục giảm thuế GTGT như hiện nay. Nhưng, theo đại biểu Ngân, giảm thuế chỉ góp một phần trong việc kích cầu nội địa, khuyến khích tiêu dùng trong nước. Vấn đề là dù sản phẩm có giảm giá, nhưng người dân không có tiền thì cũng không mua được.

Hiện nay, nguồn lực trong dân sụt giảm nên rất cần thêm gói hỗ trợ. Trong đó, cần chú ý đến hộ nghèo, người lao động mất việc, hộ gia đình bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, những gia đình mất người thân do dịch Covid-19 - mà những người này là lao động chính trong gia đình...

Ở khía cạnh khác, theo đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trong hàng loạt nhóm hàng hóa, dịch vụ, thì không phải mặt hàng nào cũng cần khuyến khích tiêu dùng. Nói cách khác là không nên giảm thuế đồng đều tất cả các hàng hóa dịch vụ.

Do đó, ý kiến mở rộng diện giảm thuế so với Nghị quyết số 43/2022/QH15 là chưa hoàn toàn thuyết phục. Nếu gộp cả nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản để giảm thuế mà không có đánh giá tác động đầy đủ với từng lĩnh vực riêng biệt thì không hợp lý. Trước mắt, chỉ nên áp dụng giảm thuế GTGT với phạm vi như quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.

ÁI VÂN - HẠNH NHUNG - BẢO VÂN - VĂN MINH/SGGP

Tin cùng chuyên mục