Kinh tế TP. HCM 9 tháng đầu năm 2024: Giữ nhịp phục hồi và tăng trưởng

16:41 01/10/2024

(HMC) - Chiều 1/10, UBND TP. HCM tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2024 để đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm; đề ra nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cho 3 tháng cuối năm 2024. Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Phó Bí thư Thành ủy -  Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi chủ trì Phiên họp. Cùng tham dự có các Phó Chủ tịch UBND; Thường trực HĐND TP. HCM; Thường trực Ủy ban MTTQ TP cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức; đại diện các Doanh nghiệp Nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp TP, Hội Doanh nhân trẻ TP…

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: HƯƠNG THẢO
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: HƯƠNG THẢO

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất trong quý II/2024

Theo Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực. Ảnh: HƯƠNG THẢO
Theo Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực. Ảnh: HƯƠNG THẢO

Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong tháng 9/2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực, IIP ước tính tăng 3,4% so với tháng trước. Qua đó, đưa chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 6,9% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất trong quý II năm 2024 .

So với cùng kỳ, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố trong 9 tháng tăng 14,3%. Thu từ các khu vực kinh tế đều tăng khá góp phần thu nội địa tăng 22,2%. Đặc biệt ghi nhận mức tăng 1,2% trong mức thu từ xuất, nhập khẩu.

Bước qua tháng 9, học phí năm học mới 2024 - 2025 được điều chỉnh, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng. Đây là một trong những nguyên nhân làm chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 2,71% so với cùng kỳ. Từ đó, CPI bình quân quý III năm 2024 tăng 2,99% so với cùng kỳ và bình quân 9 tháng tăng 3,17%.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM, trong tháng vừa qua, hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng ổn định. Do thời tiết không thuận lợi, doanh thu lưu trú, lữ hành giảm, tuy nhiên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tháng 9 ước tăng 4,8% so với tháng trước, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Về đầu tư xây dựng, Thành phố đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố trong những tháng cuối năm 2024.

Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn ước thực hiện tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong quý III/2024, nhiều dự án hoàn thành góp phần giảm áp lực giao thông như hầm chui giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện kết nối với Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất; một nhánh hầm chui HC2 thuộc nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7),... Riêng đoạn HC1-2 trên đường Mai Chí Thọ nối vào cao tốc đã đạt khoảng 45% tiến độ, dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), đã hoàn thành hơn 98,4% khối lượng.

Kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục đà phục hồi tích cực

Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng nhận định, thu ngân sách tăng 14,3% cho thấy một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh tại TP. HCM có sự tăng trưởng ổn định. Ảnh: HƯƠNG THẢO
Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng nhận định, thu ngân sách tăng 14,3% cho thấy một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh tại TP. HCM có sự tăng trưởng ổn định. Ảnh: HƯƠNG THẢO

Theo phân tích của Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng, tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM tháng 9 và 9 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tháng vừa qua, Thành phố tuy không là địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp do bão số 3 nhưng cũng bị liên đới đến chuỗi nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ và du lịch. 

Sản xuất công nghiệp, Tiêu dùng và Xuất khẩu vẫn là 3 trụ cột chính tác động đến sự tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 6,9% so với cùng kỳ, phản ánh nhu cầu thị trường đang tăng và chu kỳ sản xuất cuối năm sẽ tạo động lực cho khu vực sản xuất công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã có các đơn hàng ổn định từ nay đến cuối năm 2024, thậm chí một số đơn hàng kéo dài đến quý I/2025.

Cũng theo Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định với mức tăng 10,5%, cao hơn trung bình cả nước. Các chỉ số cho thấy sự phục hồi của khu vực sản xuất, cũng như chứng minh chương trình kích cầu đang được triển khai rất tốt.

Riêng hoạt động du lịch, Cục Thống kê TP. HCM cho rằng lĩnh vực này đã hoàn toàn phục hồi, đóng góp tích cực vào nền kinh tế TP với sự gia tăng của khách trong và ngoài nước.

“Thu ngân sách tăng 14,3% đã khẳng định một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh có sự tăng trưởng ổn định. Một điều rất đáng mừng là xuất khẩu sau bao nhiêu tháng giảm đã tăng.”, ông Nguyễn Khắc Hoàng nhận định và cho biết chi ngân sách thường xuyên tăng 14,1% là tín hiệu rất tốt trong sự tăng trưởng của Thành phố. Hiện chỉ số lạm phát của TP. HCM đang ở mức thấp 3,17% và dự báo duy trì mức 4% trong 2024.

Đặt mục tiêu tăng trưởng 9% trong quý IV/2024

Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đề nghị trong quý IV/2024, TP phải tập trung cao độ, “chạy nước rút” để hoàn thành kế hoạch năm. Ảnh: HƯƠNG THẢO
Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đề nghị trong quý IV/2024, TP phải tập trung cao độ, “chạy nước rút” để hoàn thành kế hoạch năm. Ảnh: HƯƠNG THẢO

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, từ việc đánh giá các kết quả của quý III và 9 tháng đầu năm 2024, phiên họp sẽ xác định lại khối lượng công việc, nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, đề ra giải pháp đột phá nhằm hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.

Người đứng đầu chính quyền TP. HCM đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội TP 9 tháng đầu năm vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng nói chung, song vẫn chưa đột phá. Kết quả đầu tư công đạt rất thấp (khoảng 20%). Do đó, trong quý IV/2024, TP phải tập trung cao độ, “chạy nước rút” để hoàn thành kế hoạch năm.

Cũng theo ông Phan Văn Mãi, sau sơ kết 6 tháng, TP. HCM có Chỉ thị số 12 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố đến năm 2025; Văn bản số 3843 của UBND TP đề cập đến những trọng tâm nhiệm vụ để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11, xác định các trọng tâm cần phải tập trung triển khai trong năm nay cho đến Đại hội Đảng bộ TP năm 2025. Bên cạnh việc kiểm điểm, xác định các trọng tâm, các giải pháp đột phá cho tới cuối năm 2024, Chủ tịch UBND TP đề nghị phiên họp phải nhìn xa hơn cho đến hết năm sau, tức đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025, với mục tiêu là phải thực hiện đạt và vượt các cái mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP đã đề ra.

Trước dự báo mức tăng trưởng kinh tế của TP chỉ đạt hơn 7%, ông Phan Văn Mãi cho rằng, nếu muốn năm 2024 đạt được 7,5% thì trong quý IV, TP phải tăng trưởng đến trên 9%.

“Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, nếu không tập trung, không xác định đúng trọng tâm và không có những giải pháp đột phá thì chúng ta sẽ rất là khó hoàn thành được”, lãnh đạo TP. HCM nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các sở, ngành, đơn vị xác định trọng tâm, tồn đọng, vướng mắc cần phải tập trung tháo gỡ.

Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục