Trân trọng giới thiệu bài viết của ông Lê Mạnh Hà, con trai cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch nước (1/12/1920 - 1/12/2020). Bài viết đã được đăng trên tạp chí Lịch sử quân sự.
Kiên quyết nổ súng để thống nhất đất nước
Sau khi hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), chính quyền Sài Gòn ngang nhiên vi phạm hiệp định, ráo riết thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, đẩy mạnh bình định lấn chiếm.
Trước tình hình đó, nếu chấp hành lệnh “5 cấm chỉ”: cấm tấn công vũ trang, cấm bao vây đồn bót, cấm đánh địch bung ra, cấm pháo kích, cấm làm xã ấp chiến đấu” thì sẽ mất đất, mất dân.
Lúc đó cấp trên có nhận định rằng, có “2 khả năng” phát triển của tình hình: Khả năng đấu tranh trong hòa bình và khả năng tiếp tục chiến tranh trở lại, trong đó nhấn mạnh khả năng buộc đối phương thi hành hiệp định Paris, khả năng này tăng lên trên cơ sở cho rằng sức mạnh của xu thế hòa bình, hòa hợp dân tộc có thể dẫn đến “cao trào cách mạng thực sự và có thể làm tan rã từng bộ phận ngụy quân”. Lệnh “5 cấm chỉ” chính là đi theo xu hướng đấu tranh trong hòa bình.
Song dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, sự chỉ huy trực tiếp, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm của Tư lệnh Lê Đức Anh, quân và dân Quân khu 9 đã kiên quyết nổ súng đánh trả, bẻ gãy các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, giữ vững và mở rộng vùng đóng quân.
Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh bị dọa đưa ra tòa án binh vì hành động chống lệnh này. Mặc dù chống lệnh nhưng Quân khu 9 không những giữ được đất, giữ được dân mà còn mở rộng được vùng giải phóng. Hơn nữa, tuy Quân khu 9 đã không thực hiện đúng lệnh của cấp trên nhưng thực hiện đúng nghị quyết 15 (1959) của Ban chấp hành Trung ương Đảng với phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là bạo lực cách mạng nhằm thống nhất nước nhà.
Kết quả hoạt động của Quân khu 9 đã giúp Trung ương ban hành nghị quyết 21 (1974) có nội dung: Con đường các mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Nội dung khẳng định Đảng ta tiếp tục thực hiện nghị quyết 15 trước đây là phải đấu tranh vũ trang. Thực tế chiến trường của Quân khu 9 đã giúp tạo nên bước ngoặt của đấu tranh thống nhất đất nước. Thực hiện nghị quyết 21 đã làm xoay chuyển cục diện chiến trường, tạo đà cho các chiến thắng khác và chúng ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Nếu như không có nghị quyết 15, nếu như năm 1973 chúng ta không kiên quyết tiếp tục thực hiện nghị quyết 15, có lẽ đất nước chúng ta vẫn còn chìm trong đau khổ của chia cắt.
Giải ván cờ thế: Biên giới phía Bắc - Biển Đông - chiến trường Campuchia
Vào thời điểm những năm 1987-1989, chúng ta ở trong tình thế 3 bề thọ địch: biên giới phía Bắc, Biển Đông và chiến trường Campuchia. Chưa kể, chúng ta bị bao vây, cấm vận về kinh tế, bị cô lập về chính trị, ngoại giao. Giải quyết bất kỳ việc nào cũng phải đặt trong mối quan hệ của 3 vấn đề này.
Ngừng bắn trước, đưa quân chủ lực ra tuyến sau để ổn định tình hình biên giới
Năm 1986, Đại tướng Lê Đức Anh được trở về Bộ Quốc phòng từ chiến trường Campuchia. Sau khi được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng, ông đã đi thị sát dọc biên giới phía Bắc.
Sau khi nắm tình hình biên giới, theo lời kể của Đại tướng Phạm Văn Trà và Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh, Đại tướng Lê Đức Anh đã yêu cầu các chốt của ta ngừng bắn trả địch mà tiến hành địch vận là chính, trong đó có việc bắn pháo truyền đơn, phát loa sang Trung Quốc nhằm làm dịu tình hình. Sau một thời gian, bên kia không bắn pháo sang ta nữa và tình hình ổn định dần.
Tiếp đó, ông ra lệnh rút một số chốt tiếp cận đối phương về phía sau rồi rút từng phần các đơn vị chủ lực về tuyến hai để đưa dân quân, bộ đội địa phương và bộ đội biên phòng lên tuyến một.
Cán bộ chỉ huy các cấp, từ cấp quân khu, lúc đó rất lo ngại, không dám cho quân dưới quyền lui xuống nhưng Đại tướng Lê Đức Anh rất kiên quyết và lấy trách nhiệm cá nhân đảm bảo cho quyết định này. Trước hành động thiện chí của ta, đối phương cũng rút dần các chốt cắm trên đất ta. Quyết định của Đại tướng Lê Đức Anh mang tầm chiến lược, táo bạo và có thể nói có một không hai nhưng rất sáng suốt và đúng đắn.
Với tình hình biên giới căng thẳng như vậy, quyết định lùi quân chủ lực về phía sau là quyết định sinh tử. Đại tướng Lê Đức Anh đã đánh giá đúng tình hình, hiểu rõ mối quan hệ Việt-Trung, nắm chắc hiện trạng Campuchia và tin tưởng vào sức mạnh chiến đấu của quân đội ta khi ra một quyết định tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến và khởi đầu cho bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Biển Đông: Mở rộng điểm đóng giữ, kiên quyết đánh trả nhưng không mắc mưu địch khiêu khích.
Năm 1987, thời gian Đại tướng Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Quốc phòng, tình hình Biển Đông vô cùng phức tạp.
Đối với Trường Sa, có 6 bên tuyên bố chủ quyền, trong đó 5 bên đóng giữ tại đây. Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) có quân đội đóng tại Trường Sa. Brunei tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa nhưng không có quân đội đóng tại đây.
Đến hết năm 1986, có 4 bên đóng giữ 21 thực thể địa lý (gọi tắt là đảo) tại quần đảo Trường Sa.
Việt Nam đóng giữ 9 đảo, trong đó có 5 đảo có từ trước 30/4/1975 (Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn và Sơn Ca). Năm 1978, Việt Nam đóng giữ thêm 4 đảo (An Bang, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh và Trường Sa Đông).
Philipines kiểm soát 7 đảo: 5 đảo vào năm 1971-1973, 2 đảo năm 1977-1978. Malaysia kiểm soát 3 đảo vào năm 1983-1984. Đài Loan kiểm soát 2 đảo.
Từ cuối năm 1986, Trung Quốc và Maylaysia gia tăng các hoạt động tại khu vực. Trung Quốc tăng số lần tàu chiến, tàu vận tải trinh sát, thăm dò tại Trường Sa. Ngày 31/12/1986 Malaysia đến đóng giữ bãi Kỳ Vân và uy hiếp các đảo khác gần đảo Thuyền Chài.
Trước tình hình đó, trong năm 1987, Bộ trưởng Quốc phòng hai lần xuống làm việc với Bộ tư lệnh Hải quân, vùng 4 Hải quân để giao nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, đóng giữ các đảo chìm. Ngày 5/3/1987 ta đã đóng giữ đảo Thuyền Chài.
Ngày 6/11/1987, Đại tướng Lê Đức Anh ký mệnh lệnh số 1679/ML-QP “Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi cạn chưa có người, không chờ xin chỉ thị cấp trên, trước mắt đưa ngay các lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ. Khai thác và phát huy khả năng của các lực lượng vũ trang, các ngành, các địa phương để chi viện từ bờ ra đảo xa. Nếu đối phương xâm phạm đảo hoặc dùng vũ lực uy hiếp thì đánh trả và luôn cảnh giác, tỉnh táo, không mắc mưu địch khiêu khích”.
Mệnh lệnh của Bộ trưởng rất rõ ràng: Mở rộng điểm đóng giữ, kiên quyết đánh trả nhưng không mắc mưu địch khiêu khích.
Đại tướng Lê Đức Anh thăm Vùng 4 Hải quân
Thực hiện mệnh lệnh trên, từ đầu năm 1988 đến 15/3/1988, ta đóng giữ thêm 11 đảo: Đá Tây, Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan, Núi Le, Cô Lin, Len Đao, Đá Nam và Đá Thị, nâng tổng số đảo lên 21, gấp trên hai lần giai đoạn trước đó. Riêng trong ngày 14/3, ta đóng giữ Cô Lin và Len Đao trong tam giác Co Lin - Len Đao - Gạc Ma.
Năm 1988, Trung Quốc cũng tăng đột biến các hoạt động tại Trường Sa và đã đóng giữ 6 điểm, trong đó có Gạc Ma trong xung đột ngày 14/3.
Như vậy, trong các năm 1987-1988, Việt Nam, Trung Quốc và Malaysia đã gia tăng các điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa. Các bên đóng giữ các điểm phần lớn là không tiếng súng. Chỉ duy nhất có nổ súng khi tranh chấp đóng giữ tại Gạc Ma và Cô Lin. Chúng ta đã kiềm chế, không mắc mưu khiêu khích của đối phương nên đã không xảy ra xung đột lớn. Ngay sau sự kiện Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, Việt Nam đã đóng giữ thêm 2 đảo Đá Nam và Đá Thị mà không xảy ra xung đột nào.
Rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam về nước
Tháng 9/1989, Việt Nam rút những đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện tại Campuchia về nước.
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh trong chuyến thăm Liên Xô tháng 6/1989
Trong tình thế hiểm nghèo của giai đoạn này, chúng ta đã làm được những việc rất lớn, những việc quan hệ chặt chẽ với nhau. Biển Đông mà xảy ra xung đột lớn sẽ dẫn tới căng thẳng ở biên giới. Nếu biên giới phía Bắc không yên thì việc rút toàn bộ quân khỏi Campuchia là mạo hiểm. Nếu không từng bước rút quân khỏi Campuchia thì cũng khó ổn định biên giới phía Bắc.
Năm 1987, Việt Nam bắt đầu rút quân từ Campuchia về nước theo kế hoạch, khi bạn đã tự đảm đương được. Năm 1989, khi biên giới phía Bắc và Biển Đông không còn căng thẳng, chúng ta rút hết quân khỏi Campuchia.
Với các quyết định mưu lược, táo bạo, với những cách khôn khéo và thiện chí, Việt Nam đã làm được những điều dường như không tưởng. Năm 1988 đã không còn tiếng súng trên biên giới Việt-Trung sau gần 10 năm giao tranh.
Trên Biển Đông đã không xảy ra xung đột lớn, Việt Nam mở rộng các điểm đóng quân tại Trường Sa. Đất nước Campuchia đã hồi sinh, biên giới Tây Nam trở thành biên giới an toàn và hữu nghị. Hòa bình một lần nữa đã được lập lại, chúng ta bước vào giai đoạn mới của phát triển đất nước. Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng đã có đóng góp to lớn vào thành quả này.
Mưu lược và dũng cảm, Đại tướng Lê Đức Anh đã đưa ra những quyết định chính xác cho từng trường hợp một và làm xoay chuyển thế cuộc. Để thống nhất đất nước, ông kiên quyết nổ súng tấn công. Vì một nền hòa bình lâu dài, ông ra lệnh ngừng bắn trước. Để tránh xung đột lớn trên Biển Đông dẫn đến hậu quả khôn lường cả trên biển lẫn trên bộ, ông có mệnh lệnh không mắc mưu khiêu khích của địch nhưng phải kiên quyết đánh trả khi bị tấn công, và quan trọng nhất là phải mở rộng điểm đóng giữ.
Trong thế kỷ 20, Việt Nam đã trải qua 4 cuộc chiến tranh. Đại tướng Lê Đức Anh là một trong số rất ít người lính đã đi đến kết thúc của cả 4 cuộc chiến tranh, 2 cuộc chiến giải phóng dân tộc và 2 cuộc chiến bảo vệ đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo của cấp trên, ông đã có những quyết định làm xoay chuyển tình thế trong chiến tranh chống Mỹ, trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 1977-1989.
Các nghiên cứu về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước đã có tương đối nhiều và đầy đủ. Tuy nhiên, nghiên cứu lịch sử quân sự, chính trị, ngoại giao về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp bạn tại Campuchia; về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và thực thi chủ quyền ở Biển Đông của chúng ta còn chưa nhiều, chưa sâu. Bài viết này chỉ là những nét phác họa về các vấn đề trên. Rất mong chúng ta đi sâu và rộng vào những đề tài này giúp các thế hệ về sau hiểu hơn và ngày càng tự hào về chiến công, về những kỳ tích mà thế hệ cha ông đã tạo nên.
Kỳ tới: Tự hào về người cha - Đại tướng Lê Đức Anh
Lê Mạnh Hà - con trai cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh (Theo Báo Vietnamnet)