Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh - Bài 2: Tự hào về người cha - Đại tướng Lê Đức Anh

13:04 28/11/2020

Gia tài ba để lại cho con cháu thật đồ sộ và quý giá, đó là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm.

Trân trọng giới thiệu phần tiếp theo bài viết của ông Lê Mạnh Hà, con trai cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh.            

Vào một ngày cuối năm 1973, đi học về, tôi thấy những chiếc xe ô tô đậu quanh nhà, chưa bao giờ tôi thấy cảnh này. Mẹ tôi nói: “Ba về, đang làm việc với các chú, các bác”. Những lần trước, ba tôi từ chiến trường về Hà Nội lặng lẽ hơn, không có cảnh xe cộ đến nhà như thế, mà Hà Nội lúc đó ít ô tô lắm, chỉ có xe cơ quan và lãnh đạo cấp cao mới đi ô tô. Lần này thì khác hẳn, tôi cũng không hiểu chuyện gì.

Một thời gian sau, ba tôi lại vào Nam và có một hôm, mấy mẹ con nghe tin ba tôi được thăng quân hàm vượt cấp, từ Đại tá lên Trung tướng. Tôi tự hào lắm!

Đại tướng Lê Đức Anh và phu nhân cùng các con, cháu tại nhà riêng 240 Pasteur, quận 3, TP.HCM, năm 2008
Đại tướng Lê Đức Anh và phu nhân cùng các con, cháu tại nhà riêng 240 Pasteur, quận 3, TP.HCM, năm 2008

Lúc đó, vẫn còn rất ít người biết đến ông Lê Đức Anh là ai. Trước đó nữa, thì càng ít người biết và còn nhầm lẫn ông Lê Đức Anh với người khác. Tôi nhớ, hồi ký hiệp định Paris tháng 1/1973, thành lập Ban Liên hợp quân sự bốn bên, đại diện đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam là ông Hoàng Anh Tuấn. Nhiều người nói với mẹ tôi đấy chính là ông Lê Đức Anh. Cả nhà bán tin, bán nghi, sau biết là không phải.

Chiến dịch giải phóng Sài Gòn, ba tôi chỉ huy một trong năm cánh quân đánh trận cuối cùng này. Sau ngày thống nhất đất nước có mấy ngày, mẹ tôi được vào thăm ba, được đi cùng chuyến bay với một lãnh đạo cấp cao nào đó, tôi không nhớ. Mẹ vui và tự hào vô cùng. Lúc về Hà Nội, mẹ tôi kể đi, kể lại chuyện gặp ba và chuyện về Sài Gòn lạ lẫm với những người miền Bắc.

  Lễ diễu binh ngày 2/9/1975 tại Hà Nội
  Lễ diễu binh ngày 2/9/1975 tại Hà Nội

Cả nhà vui sướng và hãnh diện hơn nữa khi biết ba tôi được chỉ huy cuộc diễu binh hoành tráng vào ngày Quốc khánh thống nhất đầu tiên, ngày 2/9/1975 tại Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa.

Cuộc chiến bắt buộc

Cho mãi đến sau này, tôi mới biết để được thăng quân hàm vượt cấp lên Trung tướng và được dẫn đầu đoàn quân chiến thắng diễu binh trên Quảng trường Ba Đình, ba tôi đã từng bị cấp trên phê bình vì đã không thực hiện “5 cấm chỉ” sau ngày hiệp định Paris được ký kết.

Đại tướng Lê Đức Anh và phu nhân, năm 1997
Đại tướng Lê Đức Anh và phu nhân, năm 1997

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ba tôi đã trực tiếp tham gia và chỉ huy nhiều chiến dịch lớn: Đánh bại cuộc hành quân Junction City của Mỹ năm 1967; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; chống địch lấn chiếm, phá hoại hiệp định Paris năm 1973 trên địa bàn Quân khu 9; giải phóng tỉnh Phước Long năm 1974 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975.                  

Sau hơn 10 năm xa cách, gia đình chúng tôi được đoàn tụ, những tưởng từ nay đất nước hoàn toàn im tiếng súng. Thế nhưng chỉ 2 năm sau, đúng ngày 30/4/1977, súng lại nổ trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Và từ năm 1979, ba tôi, Trung tướng Lê Đức Anh lại ra chiến trường, lần này là chiến trường ở nước bạn - Campuchia.

Năm 1963, mặc dù lúc đó rất bé, nhưng tôi vẫn nhớ cảnh ba cầm khẩu súng trường được phát trước khi đi B chĩa lên trời qua cửa sổ của ngôi nhà số 32 Điện Biên Phủ, TP Hà Nội. Ba đi vào Nam chiến đấu lúc nào, chúng tôi không hề biết, chỉ nhớ nhà còn mấy mẹ con. Ông đi biền biệt, có mấy lần ra công tác và được thăm vợ con. Ba tôi đi bằng đủ loại phương tiện: Tàu không số, tàu đánh cá, vượt Trường Sơn, máy bay của Hoàng gia Campuchia. Hiểm nguy luôn rình rập trên đường ông đi.

Trung tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Nam (người chỉ tay trên bản đồ) và Tham mưu trưởng Lê Đức Anh (ngồi bên phải Trung tướng Trần Văn Trà) trong cuộc họp Bộ chỉ huy miền Nam tại Căn cứ Lộc Ninh (Bình Phước) năm 1972
Trung tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Nam (người chỉ tay trên bản đồ) và Tham mưu trưởng Lê Đức Anh (ngồi bên phải Trung tướng Trần Văn Trà) trong cuộc họp Bộ chỉ huy miền Nam tại Căn cứ Lộc Ninh (Bình Phước) năm 1972

Bảy năm ba tôi ở chiến trường Campuchia thì khác. Quân đội ta lớn mạnh, làm chủ chiến trường cả trên bộ lẫn trên không nên điều kiện đi lại của sỹ quan, chiến sỹ cũng thuận lợi hơn. Ông bay liên tục về TP.HCM và Hà Nội công tác. Các chuyến bay đến các mặt trận, đến các chốt của ông thì rất nhiều. Ở nhà vẫn nói đùa là ông bay nhiều hơn cả phi công. Bây giờ nghĩ lại thấy lo cho ba mặc dù việc đã lùi xa nhiều năm rồi, ngày đó, máy bay chưa hiện đại, điều kiện bảo trì, bảo dưỡng không thể bằng bây giờ, nên độ an toàn khó mà cao.

Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia 10 năm. Sao lại lâu thế? Thậm chí có ý kiến chỉ trích rằng “Việt Nam đã sa lầy ở Campuchia”. Đại tướng Lê Đức Anh là người ủng hộ mạnh mẽ việc Quân tình nguyện Việt Nam ở lại Campuchia và ông cũng là người chủ trương phải rút quân tình nguyện hết khi Chính phủ Campuchia đã lớn mạnh, đã tự đảm đương được và biên giới phía Bắc đã im tiếng súng.

Đại tướng Lê Đức Anh thị sát biên giới phía Bắc
Đại tướng Lê Đức Anh thị sát biên giới phía Bắc

Bởi vì, nếu không làm cho tàn quân Pôn Pốt tan rã, suy tàn và lực lượng cách mạng Campuchia chưa đủ mạnh, thì đến một lúc nào đó bè lũ diệt chủng sẽ quay lại cướp chính quyền, tiếp tục cướp phá, xâm lấn biên giới với nước ta, giết hại đồng bào ta. Để làm tan rã tàn quân của đối phương lẩn trốn ở rừng núi và thậm chí trú ẩn bên kia biên giới nước ngoài, cần phải nhiều năm. Lực lượng cách mạng Campuchia cũng cần rất nhiều năm để trưởng thành.

Là một người lính, Đại tướng Lê Đức Anh mong muốn chiến tranh kết thúc thật nhanh để máu đồng đội không tiếp tục đổ xuống. Là một người cha, ba tôi mong sớm được ở bên gia đình vợ, con. Thế nhưng, cuộc chiến này là bắt buộc, ở lại Campuchia nhiều năm là bắt buộc.

Một số nước tự đặt ra điều kiện, “tiêu chuẩn kép” trong quan hệ quốc tế. Họ tấn công, chiếm đóng nước khác ở xa ngàn dặm với lý do để bảo vệ an ninh của quốc gia họ. Thế nhưng, khi chúng ta tấn công để tự vệ, tấn công để xóa bỏ chế độ diệt chủng và chúng ta ở lại để giúp đất nước Campuchia hồi sinh thì họ lên án, cho rằng “Việt Nam xâm lược Campuchia”, lấy cớ đó để bao vây, cấm vận nước ta.

3 lần được thăng quân hàm cấp tướng 

Ba tôi 3 lần được thăng quân hàm cấp tướng, lần thứ nhất trong kháng chiến chống Mỹ, thăng vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Hai lần sau, ông được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng và từ Thượng tướng lên Đại tướng khi đang phục vụ tại chiến trường Campuchia. Như thế, đủ thấy tầm quan trọng cũng như tính khốc liệt của chiến trường này.

Lúc đó, vào năm 1982, Thượng tướng Lê Đức Anh đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã được tham gia Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, mặc dù không nằm trong “bộ tam cơ cấu” Bộ Chính trị: Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Điều đó một lần nữa nói lên tầm quan trọng của chiến trường này và thể hiện Đảng, Nhà nước đã đánh giá đúng, chính xác năng lực và phẩm chất của Đại tướng Lê Đức Anh.

Thế nhưng, không phải là không có những tin đồn, những thông tin ác ý về ba tôi khi ông làm nhiệm vụ ở Campuchia. Khi tôi đi học cao cấp chính trị, trong một lần ngồi uống nước lúc ra chơi, một giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói ông Lê Đức Anh là người “gây ra vụ Xiêm Riệp”. Tất nhiên, giảng viên đó không biết ngồi trước mặt ông ta chính là con trai của ông Lê Đức Anh.

Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 3 đơn vị và trao 8 huân chương Quân công hạng nhất cho cán bộ, chiến sỹ và đại diện các gia đình có người thân hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Ảnh: TTXVN
Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 3 đơn vị và trao 8 huân chương Quân công hạng nhất cho cán bộ, chiến sỹ và đại diện các gia đình có người thân hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Ảnh: TTXVN

Tôi về kể lại với ba chuyện này. Ông nói: “Có những người không đủ thông tin nên nói thế, đáng tiếc đây lại là một giảng viên của một trường quan trọng”. Vụ “Đánh địch ngầm ở Xiêm Riệp” đã được ông viết rất rõ trong hồi ký. Lúc đó, vào năm 1983, ba tôi đang chữa mắt ở Liên Xô (sau này có giai thoại là ông được thay mắt màu xanh của một người Nga), thì được ông Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị ký điện gọi về xử lý sai lầm của Bộ Tư lệnh Mặt trận 479.

Lý do, thời kỳ đó, Bộ Tư lệnh 479, dựa vào những nguồn tin chưa được thẩm tra đã đi đến một số quyết định: Bắt giữ những người đứng đầu chính quyền Xiêm Riệp để điều tra, tước vũ khí của du kích bạn, phân tán cán bộ bạn vào bộ đội ta…

Ba đã viết trong hồi ký, nguyên văn như sau: “Việc đầu tiên là tôi điện lên Mặt trận yêu cầu thả ngay tất cả những người đã bị bắt. Và tôi ra lệnh, kể cả lính Xiem Riệp đã ra hàng, cả những tên bị người ta tố cáo là có tội ác cũng không được đánh đập, ngược đãi mà phải cho họ ăn uống tử tế rồi thả cho họ về.

Việc thứ hai là tôi yêu cầu tất cả các ngành nộp toàn bộ các bản báo cáo tình hình, các bức điện đi, điện đến, tôi ngồi đọc hết. Lúc đầu có anh em không hiểu còn cho tôi là phản động. Họ nói là “Đã hỏi ý kiến của Hà Nội rồi”. Tôi biết, nếu hỏi “Ý kiến Hà Nội là của người nào?” thì sẽ rất rối nên tôi “không hỏi, không biết”, các anh đã tin tưởng giao cho tôi “xử lý” thì chỉ “xử lý” thôi. Ở đây tôi kiên quyết: Một là, nhất định không hỏi “Hà Nội là ai?”; Hai là, chỉ “xử lý” thôi, sau khi xử lý rồi thì nhất định không giải thích nữa.

Khi tôi trở về báo cáo trong hội nghị Bộ Chính trị toàn bộ sự việc đã giải quyết, thì không ai phát biểu gì; chỉ có anh Phạm Văn Đồng nói “xử lý được thế là tốt, xử lý nội bộ có mức độ thế là đúng!”. Thực chất các cán bộ bên đó đều mong muốn quan hệ giữa hai Đảng ngày càng tốt hơn, nhưng vì nóng vội và ấu trĩ nên phạm khuyết điểm, sai lầm, chứ không có hề có ý đồ xấu”1.

Đảng ta đã nghiêm khắc kiểm điểm và có hình thức kỷ luật thích đáng đối với cán bộ liên quan vụ “Đánh địch ngầm ở Xiêm Riệp”. Bộ Chính trị cử Đại tướng Chu Huy Mân khi ấy là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đại diện sang xin lỗi Bộ Chính trị Trung ương Đảng bạn.

Về việc xây dựng tuyến phòng thủ biên giới Campuchia - Thái Lan (K5) dài 800km là một việc quan trọng, nhưng cũng có ý kiến không đồng tình vì cho rằng tốn kém, không hiệu quả. Thực tế tuyến phòng thủ này có tác dụng chia cắt chiến lược ngoại biên và nội địa, ngăn chặn xâm nhập từ phía Thái Lan vào Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi truy quét địch trong nội địa. Sau này, rút kinh nghiệm chính Việt Nam cũng xây tuyến tuần tra biên giới của mình.

Tư lệnh Lê Đức Anh đã chỉ đạo mở các chiến dịch truy quét tàn quân địch vào các năm 1983, mùa khô 1984-1985, làm tan rã một bộ phận lớn sinh lực địch, giữ vững thành quả cách mạng của Campuchia.

Người cha vĩ đại  

Cuối năm 1986, khi tình hình Campuchia đã tương đối ổn định, ba tôi trở về Bộ Quốc phòng nhận nhiệm vụ mới. Lúc này, mẹ tôi được ở bên ông tại Hà Nội, nhưng gia đình thì lại tiếp tục không được đoàn tụ vì tất cả các con của ba mẹ đều sinh sống ở TP.HCM. Gia đình tôi rất ít khi có bữa ăn đầy đủ các thành viên.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm cửa khẩu Bắc Luân, huyện Móng Cái (Quảng Ninh), tháng 4/1994. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm cửa khẩu Bắc Luân, huyện Móng Cái (Quảng Ninh), tháng 4/1994. Ảnh: TTXVN

Năm 1987, Việt Nam bắt đầu rút quân từ Campuchia về nước theo kế hoạch, khi bạn đã tự đảm đương được. Năm 1989, khi biên giới phía Bắc và Biển Đông không còn căng thẳng, Việt Nam rút hết quân tình nguyện khỏi Campuchia về nước. Hòa bình một lần nữa đã được lập lại, chúng ta bước vào giai đoạn phát triển mới. Đại tướng Lê Đức Anh đã có đóng góp to lớn vào thành quả này.

Hòa bình rồi, ba tôi lại được giao thêm nhiệm vụ làm ngoại giao, công việc dường như không liên quan gì đến người gần như suốt đời trận mạc như ông. Có lẽ cấp trên khi giao nhiệm vụ cho ông đã nhận định rằng, những người lính trận mới thực sự hiểu hết cái giá của hòa bình và hơn ai hết họ muốn sống trong hòa bình.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong một lần tiếp thượng nghị sĩ John Kerry, cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: BBC
Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong một lần tiếp thượng nghị sĩ John Kerry, cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: BBC

Ba tôi đã được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ mở đường để bình thường quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, hai nước mà chính ông đã phải đối mặt ở chiến trường. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ trên lĩnh vực mới và trong thời gian ông làm Chủ tịch nước, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ, gia nhập ASEAN. Các nhà lãnh đạo của thế hệ ông đã đặt nền móng vững chắc cho Việt Nam hội nhập và phát triển.

Sau khi đề xuất và được Bộ Chính trị đồng ý, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, danh hiệu đầy tính nhân văn và riêng có của Việt Nam, tri ân những bà mẹ của hàng vạn người con đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Nghỉ hưu rồi, ba tôi vẫn thường xuyên theo dõi tình hình đất nước. Ông phản đối việc dùng Quân đội tham gia cưỡng chế. Ông theo đúng nguyên tắc Quân đội có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; Quân đội không được cưỡng chế nhà dân, không đối đầu với dân. Khi làm Tư lệnh Quân khu 9, ông đã kiên quyết không đưa lực lượng Quân đội đi dẹp bạo loạn ở Trà Vinh theo đề nghị của Bí thư Tỉnh ủy lúc đó. Ông nói, không đưa lực lượng Quân khu 9 dẹp bạo loạn, kể cả nếu mất chính quyền một huyện.

Tôi viết những dòng này để nói đến những quyết định mang tính bước ngoặt của cha tôi - Đại tướng Lê Đức Anh. Viết đầy đủ về cuộc đời, về sự nghiệp của ông thật khó vì ông đã làm được rất nhiều, tư liệu thì không đủ. Nhiều việc thực sự tôi cũng chỉ mới tìm hiểu, mới nghiên cứu trong thời gian gần đây, khi ba nằm trên giường bệnh, khi tôi đã nghỉ hưu và sau khi ba mất. Ông không bao giờ nghĩ mình là người vĩ đại. Nhưng với tôi, ông thực sự là người cha vĩ đại.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại do lũ quét rạng sáng 8/10/1992 tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại do lũ quét rạng sáng 8/10/1992 tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Ảnh: TTXVN

Khi tiễn biệt cha mình về vĩnh hằng với các đồng đội, tôi đã thưa với ông: “Ba đã sống một cuộc sống kiên cường của người chiến sỹ và bình dị như bao người dân khác. Vượt qua 4 cuộc chiến và 3 cơn bạo bệnh, ba đã sống đến 100 tuổi. Yêu thương, nghị lực, may mắn và sức sống phi thường đã giúp ba sống thật lâu và thật sự có ích cho đời. Thế nhưng quy luật của muôn đời đã đưa ba đi mãi mãi.

Gia tài ba để lại cho con cháu thật đồ sộ và quý giá, đó là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm. Yêu thương và vị tha, nhân hậu để vị tha. Chúng con thật vinh dự và tự hào được nhận món quà quý giá đó. Cảm ơn ba”.

Cuộc đời của người lính dũng cảm Lê Đức Anh gắn với lịch sử của dân tộc ta 100 năm qua. Từ người lính qua chiến tranh và lên đến vị trí nguyên thủ quốc gia, một vị trí ông không hề muốn, nhưng đã nhận vì đó là trọng trách phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Kỳ tới: Đại tướng Lê Đức Anh và hành trình tới hòa bình toàn vẹn

Lê Mạnh Hà - con trai cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh (Theo Báo Vietnamnet)

Tin cùng chuyên mục