LTS: Vào những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước ta nằm trong thế “lưỡng đầu thọ địch”, cùng lúc phải đối đầu với hai mặt trận ác liệt - chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp bạn Campuchia. Không chỉ vậy, những sự kiện từ Trường Sa buộc chúng ta phải căng mình đối phó trên cả 3 hướng chiến lược hiểm yếu, mất còn của đất nước.
Làm thế nào để giữ toàn vẹn chủ quyền đất nước và hơn thế nữa có được hòa bình toàn vẹn? Đó là nhiệm vụ chiến lược cấp bách, là câu hỏi lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt ra.
Đại tướng Lê Đức Anh, với cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, là người đầu tiên có trách nhiệm trả lời. Sau gần 40 năm, với độ lùi thời gian, chúng ta có thể nhìn nhận câu trả lời mà ông đưa ra thời điểm đó đúng đắn, kịp thời như thế nào, đã đem lại điều gì cho đất nước hôm nay và mai sau…
Rút quân ở Campuchia về nước và thông điệp hòa bình
Khi chiến trường Campuchia đã có những bước chuyển cơ bản, thuận lợi cho Việt Nam và Campuchia, giải pháp chính trị đang được thảo luận và manh nha hình thành, Việt Nam tuyên bố rút quân. Chỉ một thời gian ngắn, chúng ta đã hoàn thành việc rút toàn bộ quân tình nguyện về nước vào ngày 26/9/1989, qua đó đưa ra thông điệp với thế giới: “Việt Nam muốn hòa bình, sẵn sàng chung sống hòa bình với mọi quốc gia, miễn là phải tôn trọng độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc”.
Việc rút đội quân hàng chục vạn người từ Campuchia về nước đã giải quyết được một gánh nặng khổng lồ về kinh tế - xã hội, tạo môi trường ổn định ở phía Nam để hình thành các khu kinh tế trọng điểm. “Vựa lúa” của cả nước đã khởi sắc, tạo động lực mạnh mẽ cho thực hiện chính sách đổi mới. Việc rút quân tình nguyện cũng làm giảm bớt sức ép quốc tế, tạo xu thế tích cực cho việc xóa cấm vận đối với Việt Nam.
Có thể nói, suốt 10 năm Việt Nam gian khổ giúp bạn Campuchia gắn liền với hình ảnh Đại tướng Lê Đức Anh trong vai trò Tư lệnh chiến trường, người dẫn dắt đoàn quân tình nguyện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Chúng ta đã rút quân trong thế thắng, trước sự ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế.
Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 đề ra đường lối Đổi mới. Khi đó khó khăn trăm bề, bị bao vây cấm vận, nhưng chúng ta vẫn bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc, củng cố vị thế trên trường quốc tế.
Bên cạnh những thành tựu to lớn, vẫn tồn tại những nguy cơ bất ổn, ngăn cản sự phát triển của đất nước, đe dọa trực tiếp đến tồn vong của quốc gia, dân tộc. Chúng ta phải tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, nhưng đất nước đang rất cần hòa bình và ổn định, để tháo gỡ gánh nặng chiến tranh, mở rộng quan hệ đối ngoại theo tinh thần “Đổi Mới”, tạo môi trường khu vực và quốc tế thuận lợi - yếu tố then chốt để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, hòa bình cũng là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc hiệu quả hơn, bền vững hơn.
Thời điểm đó, Đại tướng Lê Đức Anh được giao trọng trách Bộ trưởng Quốc phòng.
“Người phá băng quan hệ Việt-Trung”
Nhiệm vụ chiến lược phải thực hiện tiếp theo là giải quyết vấn đề biên giới phía Bắc. Đó thực sự là điểm nóng khiến đất nước trong tình trạng dù có hòa bình, nhưng vẫn bên miệng hố chiến tranh. Khi ta rút quân tình nguyện từ Campuchia về nước, có ý kiến cho rằng đây là lúc “rảnh tay” ở phía Nam, nên dồn quân lên phía Bắc để củng cố thế trận phòng thủ, tăng cường sức mạnh quân sự bằng những binh đoàn thép đã được tôi luyện trên các chiến trường. Nhưng “Không!”, đó là câu trả lời của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh.
Chúng ta đã giành thắng lợi ở Campuchia, và đã có hòa bình ở phía Nam. Dựa trên thế và lực mới, cần tiếp tục nỗ lực để giành cho được thắng lợi hoàn toàn, chấm dứt chiến tranh phía Bắc, bình thường hóa quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc.
|
Ngay từ cuối thập niên 1980, Đại tướng Lê Đức Anh đã đặt ra câu hỏi về những biến động của Liên Xô và phe XHCN, dự báo được nguy cơ Liên Xô sụp đổ. Trước những biến động phức tạp của tình hình quốc tế, bè lũ phản động người Việt hải ngoại và cả những nhóm cơ hội, chống đối chính trị trong nước ngóc đầu dậy, hi vọng sự sụp đổ của Liên Xô và phe XHCN ở Đông Âu sẽ là trận cuồng phong chính trị xóa chế độ XHCN ở Việt Nam.
Nền kinh tế yếu kém vẫn tiếp tục đi xuống bởi hậu quả chiến tranh, do chính sách bao vây cấm vận, tác động từ những đòn đánh ngầm khoét ruỗng nền kinh tế, làm “chảy máu vàng”, khiến Việt Nam kiệt quệ rồi buộc phải thỏa hiệp theo các nước lớn… Nếu không sớm thoát ra sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, từ đó dẫn đến khủng hoảng chính trị - xã hội toàn diện.
Trước tình hình đó, Đại tướng Lê Đức Anh đã kiến nghị Bộ Chính trị về việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để xóa cấm vận của Mỹ. Phải làm cho được và làm nhanh vì chúng ta vừa có thời cơ nhưng đồng thời cũng bị thúc ép bởi những nguy cơ hiện hữu.
Vậy bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc phải bắt đầu như thế nào?
Đại tướng Lê Đức Anh trực tiếp đi thị sát, “nằm vùng” ở những khu vực khó khăn nhất tại biên giới phía Bắc. Ông lệnh cho các đơn vị chốt giữ sát biên giới từng bước lui quân, thay vì pháo kích đáp trả thì bắn truyền đơn sang, kết hợp với đẩy mạnh công tác địch vận ở biên giới.
Từ điểm cao Vị Xuyên về, ông bay vào TP.HCM gặp gỡ đại diện Hoa kiều, là những người có quan hệ gắn bó về lợi ích với cả Trung Quốc và Việt Nam. Ông đã trực tiếp đối thoại với lãnh đạo “Ngũ bang Hoa kiều” (Hải Nam, Triều Châu, Quảng Đông, Khách, Phúc Kiến), là những người có thế lực trong cộng đồng Hoa hải ngoại, am hiểu tình hình và có tiếng nói chính trị rất có trọng lượng đối với lục địa.
Ông còn gặp những Hoa kiều là đảng viên đảng Lao động Việt Nam, có nhiều đóng góp trong kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Họ đã có những ý kiến thẳng thắn và sâu sắc về việc Việt Nam và Trung Quốc nên làm gì, làm như thế nào để có được lợi ích và ổn định cho cả hai nước.
Trên một hướng trọng tâm khác cũng rất đặc thù, đó là việc thăm dò qua công tác đối ngoại quốc phòng, được thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông. Vai trò của Trung tướng Vũ Xuân Vinh (nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng) được thể hiện rất tích cực, thông qua những lần tiếp xúc với Tùy viên Quân sự và Đại sứ Trung Quốc để từng bước kết nối và tổ chức các cuộc gặp cấp cao giữa hai bên.
Tổng hợp từ nhiều hướng, Đại tướng Lê Đức Anh có đầy đủ cơ sở để khẳng định: Thực tế khi đó là biểu hiện của một cuộc “nghi binh chiến lược” toàn diện, Trung Quốc không muốn đánh Việt Nam lần thứ hai, mà chỉ sử dụng sức ép kinh tế, kiềm tỏa Việt Nam bằng sức mạnh mềm.
Thời điểm đó, Trung Quốc cũng bị chao đảo bởi sự kiện Thiên An Môn, rất lo ngại cơn bão này sẽ tiếp tục bị thổi bùng lên, vì thế bằng mọi cách ra sức để “êm ngoài, ấm trong”. Từ đó, ông đưa ra nhận định: “Trung Quốc cũng muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam”. Đây là cơ sở để ông báo cáo với Bộ Chính trị có những bước đi ngoại giao phù hợp, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Những bước thăm dò táo bạo đó thể hiện tầm nhìn chiến lược, giúp ông và các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước nắm chắc được phản ứng của Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực, các hướng chiến lược. Đồng thời, trong các cuộc tiếp xúc với nhiều hướng khác nhau, Đại tướng Lê Đức Anh chuyển đi một thông điệp rất dứt khoát “Việt Nam muốn hòa bình”.
Có một điểm rất quan trọng cần ghi nhớ, ngay từ những ngày đầu thảo luận cho việc bình thường hóa quan hệ, đến khi Đại tướng Lê Đức Anh sang thăm Trung Quốc, cũng như trong những chuyến đi sau này cùng các đoàn cấp cao, ông và các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn nhấn mạnh “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!”. Trong văn kiện ghi nhận kết quả các cuộc hội đàm đều nêu rõ: “Sau khi bình thường hóa quan hệ, hai bên sẽ tiến hành phân định biên giới trên bộ và trên biển mà trước mắt là Vịnh Bắc Bộ, từng bước giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bằng biện pháp hòa bình”.
Bức ảnh cùng Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton
Việc bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc là một thành công của Đại tướng Lê Đức Anh trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng và trọng trách Chủ tịch nước sau này. Tuy nhiên, vẫn còn một “hòn đá tảng” trên hành trình đi đến đổi mới thực sự, đưa đất nước thoát khỏi bao vây - cấm vận, đó là bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
|
Khi đó, Việt Nam đã rút quân khỏi Campuchia và Mỹ cũng tuyên bố từ chối ủng hộ Khmer Đỏ, không còn lý do gì để cáo buộc Việt Nam về vấn đề Campuchia. Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và Trung Quốc chẳng còn câu chuyện gì thêm để “bàn riêng với nhau” về Việt Nam, không còn lý do gì để “cùng nhau chống Việt Nam”. Cùng với việc Liên Xô sụp đổ, đối trọng trên bàn cờ thế giới khiến mục tiêu của Mỹ khi “chơi con bài Trung Quốc” bấy lâu, nay đã không còn phù hợp.
Cùng thời điểm đó, các nước ASEAN đang từng bước cải thiện quan hệ với Việt Nam, việc gia nhập ASEAN chỉ còn là vấn đề thời gian. Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đưa ra những giải pháp rất mạnh mẽ về vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). Ông trực tiếp gặp nhiều thượng nghị sĩ và quan chức hàng đầu Hoa Kỳ, thậm chí cho phép họ được vào những nơi “cấm địa” tại Hà Nội, để chính họ trở thành nhân chứng xác thực: “Việt Nam không còn giam giữ tù binh Mỹ”. Sự thực đó cùng tiếng nói có trọng lượng của các chính trị gia từng là cựu chiến binh tạo ảnh hưởng rất mạnh lên chính giới Hoa Kỳ cần có thái độ đúng đắn với Việt Nam vì chính lợi ích của họ.
Ông từng nói với cấp dưới: “Người Mỹ nếu không có lợi ích, không có nhu cầu nhìn thấy trước mắt thì nói mãi cũng không động chân tay. Có lợi ích thì không nói cũng tới. Nhưng làm sao để họ tới trong tính toán của mình, có lợi cho mình thì phải chủ động!”. Từ những phân tích và nhận định sắc sảo như vậy, được sự phân công của Bộ Chính trị, ông từng bước tạo tiền đề cho bình thường hóa quan hệ hai nước, như việc sử dụng bác sỹ Nguyễn Huy Phan trong vai trò cầu nối hợp tác giữa hai bên; thúc đẩy các hoạt động của chương trình MIA, hình thành một số tổ chức nhân đạo Việt-Mỹ hay cho phép một số quan chức, thượng nghị sĩ Mỹ quay lại chiến trường xưa…
Một sự kiện quan trọng đánh dấu bước chuyển trong khai thông quan hệ Việt-Mỹ là sự kiện Chủ tịch nước Lê Đức Anh tham dự phiên họp Đại hội đồng LHQ tháng 10/1995.
Việc mời nguyên thủ các nước đến New York dự phiên họp Đại hội đồng là quyền của LHQ, nhưng cho phép nhập cảnh vào Mỹ hay không lại tùy vào thiện chí và quyết định của Mỹ, trên thực tế đã có nhiều khách mời bị từ chối. Nhưng lần đó, ngay sau khi LHQ đưa ra lời mời và Việt Nam nhận lời, Chính phủ Hoa Kỳ đã lập tức chấp thuận chuyến công du của vị Chủ tịch đất nước Cộng sản, một “cựu thù” của 20 năm trước, lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ. Đặc biệt hơn, Tổng thống Mỹ đã nhận lời gặp Chủ tịch Lê Đức Anh bên lề cuộc họp tại trụ sở Đại hội đồng LHQ.
Không biết trong cuộc gặp đó, Chủ tịch Lê Đức Anh và Tổng thống Bill Clinton đã nói với nhau những gì, nhưng chỉ với bức ảnh chụp hai vị nguyên thủ và phu nhân sánh vai bên trống đồng Đông Sơn, biểu trưng của văn hóa Việt Nam, nhìn nụ cười thiện cảm của họ, chắc chắn đó là một câu chuyện tốt lành.
Cuộc gặp đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo cú hích lớn trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, tại thời điểm rất quan trọng khi Tổng thống Clinton đang cân nhắc thiết lập quan hệ đầy đủ với Việt Nam.
Trong chương trình Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang Hoa Kỳ có hoạt động thăm khu Harlem, nơi sinh sống của những người da màu nghèo nhất New York, cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian sống và làm việc ở Mỹ đã từng đến nghe nhà dân tộc chủ nghĩa Marcus Garvey diễn thuyết.
Vì tình hình an ninh nơi này không tốt, khi đó có ý kiến can ngăn, nhưng ông vẫn kiên quyết không thay đổi kế hoạch. Ông nói: “Mình là lãnh tụ đất nước Cộng sản, đến Mỹ mà không tới thăm những người dân lao động là không được; mình thiện chí với người dân thì họ sẽ bảo vệ mình!”.
Ông còn ấp ủ ý định đi thăm cộng đồng Việt kiều, khi mong muốn chưa thực hiện được, ông vẫn tiếc: “Đi sang Mỹ mà không gặp bà con Việt kiều thì gặp ai? Đó là đồng bào mình, nay họ chưa hiểu mình, nhưng nếu mình không gặp thì sẽ càng xa lánh. Chính sách của Việt Nam giờ rõ ràng rồi, khác trước rồi. Mình không gặp, không nói cho đồng bào biết thì ai nói? Nếu kiên trì thì sớm muộn đồng bào sẽ hiểu và quay trở về với Tổ quốc…”.
Đó không chỉ là chuyến đi đầu tiên của vị nguyên thủ Việt Nam tới Mỹ, mà còn là hành trình lan tỏa thông điệp về những định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước ta gửi tới bà con Việt kiều và các tầng lớp nhân dân Mỹ. Đó cũng thực sự là bước đi đầy thiện chí nhằm gửi tới chính giới Mỹ.
Nhìn lại những hoạt động ngoại giao của Đại tướng Lê Đức Anh, chúng ta thấy nhiều dấu mốc đặc biệt. Ông là đại diện của Bộ Chính trị và là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc trong quá trình hai nước bình thường hóa quan hệ (1991); là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam sang thăm Campuchia sau khi thành lập Chính phủ và nhà vua Sihanouk về nước (1993).
Ông cũng là nguyên thủ đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ, phát biểu tại Đại hội đồng LHQ và gặp Tổng thống Mỹ (1995)… Các hoạt động đối ngoại của ông dù không nhiều, nhưng đều có trọng điểm, mỗi chuyến đi của ông đều đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế.
Để giữ hòa bình bền vững, phải sẵn sàng tình huống xấu nhất
Đại tướng Lê Đức Anh viết trong hồi ký của mình: “Bối cảnh hòa bình là nền tảng làm cho đất nước vững vàng; kinh tế không thể phát triển nếu không có môi trường quốc tế thuận lợi, đất nước ổn định mới có thể bước sang kỷ nguyên mới - giai đoạn mở cửa và hội nhập. Có hòa bình, chúng ta thêm thế và lực để thúc đẩy công tác phân định biên giới lãnh thổ rõ ràng, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh tiềm ẩn. Hòa bình thực sự để bảo vệ Tổ quốc vững bền!”.
|
Trong sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, những thành tựu trong công tác đối ngoại và bảo vệ hòa bình của đất nước, trước tiên phải nói đến vai trò tham mưu, chủ lực của hệ thống đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Nhưng vì sao với cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh lại có những bước đi đối ngoại đột phá, quyết liệt khác thường như vậy?
Trước hết, đó là tầm nhìn chiến lược và quyết định táo bạo trong bối cảnh ngặt nghèo giữa chiến tranh và hòa bình; từ sứ mệnh của người đứng đầu lực lượng quân sự của đất nước, trách nhiệm lớn lao trước sinh mạng của mỗi người lính và gia đình phía sau họ. Muốn giải quyết triệt để nguy cơ chiến tranh thì phải có hòa bình toàn vẹn, nhưng khi có hòa bình, chúng ta vẫn luôn phải sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất, dù không hề muốn nó xảy ra.
Khát vọng hòa bình, đó là động lực thúc đẩy Đại tướng Lê Đức Anh dấn thân trong hành trình tìm kiếm và củng cố nền hòa bình bền vững cho đất nước. Ông luôn nắm chắc tình hình, tự tin và quyết tâm làm tới cùng, không dừng lại khi chưa đạt mục đích. Đó còn là việc ông đã mở ra một chương mới cho hoạt động đối ngoại quốc phòng bằng tư tưởng: “Đất nước phải có hòa bình, muốn vậy phải tránh được chiến tranh và quân đội không thể đứng ngoài sự nghiệp bảo vệ hòa bình”.
Dấu ấn của Đại tướng Lê Đức Anh, đó chính là dấu ấn của vị tướng kiến thiết, củng cố và bảo vệ nền hòa bình của đất nước.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) - Theo báo Vietnamnet