Liên hoan phim ngắn TPHCM: Tiếp lửa đam mê

09:26 11/11/2020

Thêm một "sân chơi" mới cho những người đam mê phim ảnh thử sức, trau dồi và phát triển khả năng của mình

Liên hoan phim (LHP) ngắn TPHCM năm 2020 do Hội Điện ảnh TP HCM phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM tổ chức lần đầu tiên. Với chủ đề "Tự hào thành phố tôi yêu", những nhà làm phim chuyên và không chuyên có thể tham gia cuộc thi phim ngắn với 3 thể loại: phim tài liệu, phim hoạt hình và phim truyện.

Thỏa sức sáng tạo

Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, cho biết việc tổ chức LHP ngắn TPHCM 2020 nhằm tạo môi trường để người làm phim chuyên và không chuyên cùng tham gia, trau dồi nghề. Đồng thời, các hoạt động giao lưu, tọa đàm có trong LHP cũng hứa hẹn làm tăng sự kết nối, tăng cơ hội giao lưu giữa những người cùng chung đam mê.

Các phim dự thi sẽ hướng đến tiêu chí nội dung trong sáng, bảo đảm tính giáo dục, tính nhân văn, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức của đất nước và đề cao con người Việt Nam. "Các phim dự thi được thực hiện trong năm 2018 và 2019, chưa tham dự LHP khác, không vi phạm các quy định của Luật Điện ảnh và Luật Báo chí, được cơ quan quản lý nhà nước hoặc chuyên ngành cho phép phát hành, công bố rộng rãi" - Hội Điện ảnh TPHCM cho biết.

Với phim tài liệu, tác phẩm dự thi có độ dài tối đa 10 phút, phim hoạt hình độ dài tối đa 7 phút còn phim truyện độ dài tối đa 30 phút. Ban giám khảo sẽ lựa chọn các phim qua vòng sơ khảo rồi vào chung kết, trao giải thưởng theo cơ cấu nhất, nhì, ba và khuyến khích ở mỗi hạng mục.

Bên cạnh cuộc thi, LHP ngắn TPHCM còn có tọa đàm chủ đề "Phim ngắn và đời sống xã hội hôm nay" với sự tham gia của ban tổ chức, các chuyên gia, giảng viên, các đại biểu dự LHP, người hoạt động lĩnh vực điện ảnh.

"Hiện tại, chúng tôi đã nhận khoảng mấy chục phim tham gia. Tôi nghĩ đã làm nghề thì ai cũng mong có hoạt động sinh hoạt nghề nghiệp để trau dồi kiến thức, thi đua với nhau. LHP này như là một sân chơi để những ai quan tâm đến phim, chuyên nghiệp hay không chuyên đều có cơ hội thỏa sức sáng tạo, cùng tôn vinh các tác phẩm hay. Đây cũng là cơ hội để những người làm phim trẻ rèn luyện, nâng cao chuyên môn, nhiệt huyết với nghề" - bà Dương Cẩm Thúy chia sẻ.

Trước LHP ngắn TPHCM, một số "sân chơi" phim ngắn đã được các đơn vị tư nhân tổ chức như "Dự án phim ngắn CJ" do CGV và CJ Cultural Foundation phối hợp, đã thực hiện 2 mùa. Hay "sân chơi" phim ngắn đòi hỏi tốc độ, khả năng làm việc nhóm nổi tiếng khác là "Làm phim 48H". Nhiều nhóm mê phim chuyên nghiệp lẫn không chuyên đã hăng hái tham gia.

Điện ảnh TPHCM nói riêng, cả nước nói chung đang phát triển mạnh, những "sân chơi" phim ngắn bổ ích, góp phần giúp nhà làm phim thử sức, cháy hết mình với đam mê.

Sức trẻ ở cuộc thi làm phim ngắn “48H”. (Ảnh do Ban Tổ chức cung cấp)
Sức trẻ ở cuộc thi làm phim ngắn “48H”. (Ảnh do Ban Tổ chức cung cấp)

Tăng cường kết nối

Hầu hết những người đam mê khi đến với phim đều bắt đầu bằng những tác phẩm ngắn vì thể loại này dễ làm, không tốn quá nhiều kinh phí. Hành trình từ phim ngắn đến phim dài rất khó khăn nhưng đó lại là hành trình cần thiết phải trải qua khi muốn dấn thân vào điện ảnh.

Sự mở rộng số lượng của những "sân chơi" phim ngắn được người trong nghề nhận định là đúng quy luật và cần thiết cho một thị trường phim đang phát triển. Bởi thị trường luôn cần thế hệ tiếp nối, nhà làm phim cũng mong mỏi tìm kiếm nhân tài trẻ bổ sung cho lực lượng của mình và họ tìm đến các "sân chơi" phim ngắn để giao lưu, tìm kiếm người tài.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng nhận định các "sân chơi" phim ngắn nở rộ cũng là theo nhu cầu, khi nhu cầu thị trường lớn, nó phát triển để đáp ứng. Nâng tầm hơn, LHP ngắn TPHCM được tổ chức góp phần tạo ra môi trường kết nối với những hoạt động đa dạng, không bó hẹp gọn trong một cuộc thi.

"Tôi thấy việc tổ chức LHP ngắn TPHCM là rất tốt vì có thêm dịp để người làm phim chuyên hoặc không chuyên có cơ hội gặp gỡ, trau dồi, tiếp lửa đam mê. Là dịp giúp người làm phim sáng tác, tạo ra sản phẩm mà trước đây có thể chỉ suy nghĩ trong đầu chứ chưa đủ động lực để thực hiện" - nhà báo Cát Vũ nhận định.

Những bạn sinh viên, những người trẻ đam mê làm phim, có thể thử sức với phim ngắn qua các "sân chơi". Đó cũng là cách để giúp họ giữ lửa yêu nghề, tìm ra hướng phát triển riêng. Đôi lúc, trong quá trình giao lưu, những buổi sinh hoạt cùng tạo ra sản phẩm, những bạn có khả năng còn có cơ hội được phía nhà làm phim chuyên nghiệp phát hiện, bồi dưỡng.

Từ hành trình làm phim ngắn, nhiều người mê phim sẽ nhận ra được mình có khả năng hay không và nếu có họ cũng tìm thấy hướng để tiếp tục với đam mê. Nhiều "sân chơi" cũng đồng nghĩa sản phẩm của nhà làm phim chuyên hay không chuyên đều có nơi để được giới thiệu cùng khán giả. Nếu tác phẩm tốt, họ có giải và ngược lại cũng có môi trường học hỏi, trau dồi thêm với những người có chuyên môn giỏi hơn.

Nhiều đạo diễn nổi danh của làng phim Việt hiện tại cũng từng bắt đầu sự nghiệp với phim ngắn như Phan Gia Nhật Linh, Vũ Ngọc Đãng, Phan Đăng Di, Vũ Ngọc Phượng, Lux Vân... Đặc biệt, đạo diễn Trần Thanh Huy đã miệt mài phát triển phim ngắn “16:30” thành phim điện ảnh “Ròm” trong suốt 8 năm.

Minh Khuê/NLĐ

Tin cùng chuyên mục