Linh hoạt phương án tuyển sinh đầu cấp
Năm học 2025-2026 là năm thứ 3 ngành GD-ĐT TPHCM áp dụng Hệ thống thông tin địa lý (gọi tắt là bản đồ số GIS) vào công tác tuyển sinh đầu cấp. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ 2 năm học trước, năm nay phương thức và đối tượng xét tuyển linh hoạt hơn, đáp ứng tối đa nhu cầu về chỗ học của người dân.
Tăng thêm cơ hội trái tuyến
Năm học 2023-2024, bản đồ GIS lần đầu được áp dụng thí điểm vào phân bổ chỗ học đầu cấp cho học sinh ở TP Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình. Nhờ công cụ hỗ trợ này, việc phân bổ chỗ học sát với nhu cầu thực tế của người dân, nhất là thuận tiện đi lại do khoảng cách từ nhà đến trường ngắn nhất.
Trên cơ sở đó, năm học 2024-2025, bản đồ GIS mở rộng phạm vi áp dụng trên toàn thành phố. Tùy thực tế tại địa phương, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện kết hợp sử dụng bản đồ GIS và một số phương thức xét tuyển khác để phân bổ chỗ học gần nơi cư trú cho học sinh.
Năm nay, tuyển sinh đầu cấp tiếp tục sử dụng hệ thống bản đồ GIS kết hợp cập nhật thông tin cá nhân của học sinh trên VNeID để phân bổ chỗ học. Theo đó, việc phân bổ không theo ranh giới hành chính phường mà ưu tiên căn cứ là nơi ở hiện tại, tạo điều kiện cho học sinh được học trường gần nhà, đảm bảo tính chính xác, đồng bộ trên hệ thống quản lý chung của ngành giáo dục.
Một trong những điểm mới của tuyển sinh đầu cấp năm nay là tiêu chí xét tuyển được mở rộng gồm: nơi ở hiện tại, nơi học ở cấp học trước đó (lớp mầm non 5 tuổi đối với tuyển sinh vào lớp 1, lớp 5 đối với tuyển sinh vào lớp 6), nơi làm việc của phụ huynh. Đồng thời có giải pháp cho các trường hợp đặc thù như con công nhân, học sinh có nơi ở tại các khu vực giáp ranh.

Tại quận Tân Phú, Trưởng Phòng GD-ĐT Phan Sĩ Đạt thông tin, học sinh có nguyện vọng học tại khu vực không thuộc địa bàn cư trú (đối tượng 2) được xem xét đối với các trường học còn khả năng tiếp nhận học sinh, ưu tiên xét tuyển học sinh đã hoàn thành chương trình mầm non, tiểu học tại quận Tân Phú, có cha hoặc mẹ làm việc trên địa bàn quận, nơi ở hiện tại theo VNeID thuộc các khu vực giáp ranh hoặc các trường hợp đặc biệt, có lý do chính đáng.
Tương tự, tại quận 3, học sinh được xét tuyển trái tuyến dựa theo thứ tự ưu tiên sau: học sinh có cha hoặc mẹ là công chức, viên chức làm việc tại quận 3; học sinh có nơi ở hiện tại theo VNeID thuộc khu vực giáp ranh giữa quận 3 và các quận lân cận nhưng không quá 1.000m; học sinh có cha hoặc mẹ làm việc ở các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở tại quận 3.
Những trường hợp không thuộc diện ưu tiên sẽ được xem xét tuyển sinh sau cùng dựa trên năng lực tiếp nhận của các trường và quyết định của Ban Chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp. Riêng tại quận 8, tuyển sinh đầu cấp ưu tiên xét tuyển học sinh lớp 1, lớp 6 có nơi ở hiện tại ở quận 8, sau đó mới xét đến các trường hợp học sinh không thuộc địa bàn cư trú thực tế.
Việc xét tuyển trái tuyến chỉ áp dụng đối với học sinh đã đăng ký trên hệ thống tuyển sinh chung của thành phố, đã hoàn thành chương trình mầm non, tiểu học tại các trường trên địa bàn quận 8; có cha hoặc mẹ làm việc tại cơ quan, tổ chức trú đóng trên địa bàn quận 8; học sinh có nơi ở hiện tại theo VNeID thuộc khu vực giáp ranh; học sinh chuyển tỉnh.
Thận trọng khảo sát năng lực học sinh
Theo kế hoạch huy động trẻ ra lớp năm học 2025-2026 do UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện công bố, năm nay số lượng trường THCS xét tuyển vào lớp 6 theo hình thức khảo sát năng lực học sinh giữ ổn định so với năm học 2024-2025. Cụ thể, toàn thành phố có 6 trường tuyển sinh vào lớp 6 bằng bài khảo sát năng lực học sinh, gồm các trường: THCS Trần Quốc Toản 1, THCS Hoa Lư, THCS Bình Thọ (TP Thủ Đức), THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1) và THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn).
Trong đó, chỉ có Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa do Sở GD-ĐT TPHCM ra đề khảo sát, các trường còn lại do Phòng GD-ĐT ra đề. Những học sinh tham gia khảo sát nhưng không trúng tuyển vào các trường THCS tuyển sinh theo hình thức này vẫn được xét tuyển vào các trường THCS công lập còn lại theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của các quận huyện và TP Thủ Đức.
Ngoài 6 trường tổ chức khảo sát năng lực học sinh, một số trường THCS “hot” vẫn duy trì phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập của học sinh ở bậc tiểu học. Trường THCS Nguyễn Du và THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) dự kiến xét tuyển học sinh có điểm kiểm tra cuối học kỳ 2 lớp 5 đạt 20 điểm ở 2 môn Tiếng Việt và Toán.
Tương tự, Trường THCS Vân Đồn (quận 4) xét tuyển 15% học sinh trên tổng số học sinh lớp 5 của từng trường tiểu học với tiêu chí tổng điểm 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh cuối năm học lớp 5; học sinh có kết quả khen thưởng xuất sắc từ lớp 1 đến lớp 5 ở bậc tiểu học.
Các trường THCS: Nguyễn Văn Tố (quận 10), Lê Quý Đôn (quận 3), Hồng Bàng (quận 5), Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh), Nguyễn Du (quận Gò Vấp) dự kiến xét tuyển học sinh vào lớp 6 theo các tiêu chí xét tuyển tương tự năm học trước.