Linh hoạt tổ chức bán trú cho học sinh

THU TÂM/SGGP 21/02/2022 13:45

Hôm nay 21-2, các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TPHCM khởi động lại mô hình bán trú cho học sinh (HS). Đây được xem là một trong những tín hiệu tích cực đảm bảo chất lượng dạy học trong điều kiện bình thường mới, đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt cả ngày của HS.

Học sinh Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp, TPHCM) trong giờ ăn trưa ngày 18-2

Nỗ lực thực hiện giãn cách

Ghi nhận tại Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) cuối tuần qua cho thấy, giờ ăn trưa diễn ra trong không khí trật tự, vui vẻ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các em không tập trung ăn trưa ở sảnh chung như trước mà ăn ngay tại lớp. Sau khi kết thúc giờ học buổi sáng, các em được hướng dẫn xếp hàng, di chuyển trật tự theo từng nhóm lớp đến khu vực rửa tay trước khi ăn.

Trong khi đó, các bảo mẫu trải khăn ăn lên bàn học, chia thức ăn từng khay và phục vụ bữa trưa ngay tại lớp. Đối với các lớp có sĩ số đông, HS được chia thành 2 nhóm, một nhóm ăn ngay tại lớp và nhóm còn lại ngồi ăn ở khu vực hành lang dọc các dãy phòng học.

Cô Phan Thúy Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hội, cho biết, trước đây, mỗi bàn ăn bố trí 4 HS thì nay chỉ tổ chức 2 HS/bàn, ngồi quay mặt cùng hướng. Ngoài ra, thực đơn các ngày trong tuần được tăng cường nguyên liệu giàu vitamin C, như: nước chanh, tắc, cà chua, thức ăn nhiều dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho HS. Riêng giờ ngủ, HS được bố trí nằm đối chân nhau, phân chia khu vực riêng cho nam và nữ.

Tương tự, thực đơn bán trú của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh) tuần qua kết hợp các món ăn chính như cơm, bún; ăn nhẹ với xôi, súp hoặc bánh ngọt. Theo một cán bộ phụ trách bán trú, thực đơn tuần thứ 2 (từ ngày 21 đến 25-2) sẽ thay đổi hoàn toàn, không lặp lại món ăn của tuần đầu, trong đó duy trì 4 ngày ăn cơm, một ngày luân phiên các món phở, bánh canh, miến… tạo sự đa dạng và hứng thú cho HS.

Ở bậc mầm non, cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non 15A (quận 10), chia sẻ, các khâu tổ chức bữa ăn bán trú từ tiếp phẩm, sơ chế đến chế biến đều tuân thủ quy trình bếp ăn một chiều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để đảm bảo khoảng cách an toàn cho HS, giờ ăn các em được bố trí ngồi cách xa nhau, mỗi bàn 2 em. Giờ ngủ, khoảng cách tối thiểu giữa 2 HS là 1m, tất cả vật dụng bán trú như: chiếu, mền, gối, khăn mặt đều được vệ sinh định kỳ, đảm bảo an toàn cho HS.

Tại quận Tân Bình, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận, thông tin, 100% cơ sở tổ chức bán trú đều đảm bảo sử dụng thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, lưu trữ hồ sơ theo dõi và chăm sóc sức khỏe với trẻ thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, đồng thời tạo điều kiện để cha mẹ HS tham gia giám sát bữa ăn nhằm tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe HS.

Cần sự phối hợp của phụ huynh

Tuần qua, hơn 60% cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học trên địa bàn TPHCM đã tổ chức bữa ăn bán trú cho HS khi các em trở lại trường học sau hơn 9 tháng ở nhà do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, còn một số đơn vị trên địa bàn các quận 1, 3, 6, TP Thủ Đức lùi thời gian tổ chức bán trú đến ngày 21-2 hoặc đầu tháng 3-2022 nhằm đảm bảo các điều kiện về nhân sự và an toàn cho HS. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng, thời điểm và phương án tổ chức bán trú sẽ khác nhau giữa các trường do quy mô tổ chức và điều kiện thực tế khác nhau. Để tổ chức bữa ăn bán trú cho HS, trường học phải xây dựng phương án tổ chức, được Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Thủ Đức và 21 quận, huyện phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

Rất mong sớm tổ chức bán trú cho HS, nhưng đại diện các trường đều cho biết, hiện nay khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất. “Nhân sự thiếu có thể tuyển thêm nhưng phòng ốc hạn chế thì không thể cơi nới. Chúng tôi chấp nhận hy sinh tiêu chí khoảng cách tối thiểu giữa 2 HS là 1m vì không đủ diện tích bố trí chỗ ngồi cho các em, thay vào đó tăng cường vệ sinh khử khuẩn phòng học, bổ sung thực đơn dinh dưỡng, thường xuyên nhắc nhở HS thực hiện 5K trong thời gian sinh hoạt tại trường”, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 bày tỏ.

Nhìn chung, tại TPHCM, sau hơn 1 tuần HS trở lại trường học, công tác dạy học và tổ chức bán trú đi vào nề nếp, đảm bảo quy định phòng chống dịch. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các đơn vị, phụ huynh đang có dấu hiệu lơ là trong việc phối hợp với nhà trường thực hiện yêu cầu theo dõi sức khỏe HS. Nhiều trường hợp phụ huynh phát hiện con có biểu hiện bất thường về sức khỏe nhưng không báo cho giáo viên chủ nhiệm vì sợ con ở nhà không có người chăm do ba mẹ phải đi làm, trong khi HS mầm non và tiểu học hạn chế hơn các bậc học khác về kỹ năng giao tiếp, trao đổi thông tin với giáo viên. Do đó, đại diện các trường đều cho rằng cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa phụ huynh và giáo viên trong việc nắm bắt thông tin sức khỏe HS, kịp thời phát hiện và xử lý trường hợp bất thường, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Linh hoạt tổ chức bán trú cho học sinh
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO