Miễn phí 98 thủ tục trực tuyến, TP.HCM thu hút người dân cùng chuyển đổi số

09:51 26/08/2024

Nghị quyết 07/2024 thông qua là một trong những nỗ lực lớn của TP.HCM nhằm khuyến khích người dân thực hiện thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của TP.

Từ đầu tháng 6, thực hiện Nghị quyết 07/2024 của HĐND TP.HCM, các cơ quan hành chính trên địa bàn TP đã áp dụng mức thu lệ phí 0 đồng với 98 loại hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) áp dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình và một phần.

Đây là nội dung quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 cũng như thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Mục tiêu của chính sách là nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia, tạo thói quen sử dụng các hình thức giao dịch trực tuyến khi thực hiện TTHC trên địa bàn.

Cán bộ quận 5 trao giấy chứng nhận kết hôn cho chị Ngô Huỳnh Kiều Oanh (ngụ quận 5) cùng chồng là người Singapore. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Cán bộ quận 5 trao giấy chứng nhận kết hôn cho chị Ngô Huỳnh Kiều Oanh (ngụ quận 5) cùng chồng là người Singapore. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Vừa nhanh, thuận tiện, lại không mất phí

Một buổi sáng tháng 7, chị Ngô Huỳnh Kiều Oanh (ngụ quận 5) cùng chồng là người Singapore đến UBND quận 5 ký giấy chứng nhận kết hôn. Lúc nhận giấy chứng nhận kết hôn do cán bộ quận 5 chúc mừng và trao tận tay, gương mặt vợ chồng chị Oanh sáng lên niềm hạnh phúc.

“Hồ sơ tôi đã nộp trước trên cổng DVC và được miễn phí hơn 1 triệu đồng. Lúc biết được miễn phí thủ tục đăng ký kết hôn tôi rất vui, đó cũng như một sự chúc phúc cho vợ chồng tôi” - chị Oanh niềm nở kể.

Dù đã hơn 10 năm sinh sống tại Singapore nhưng khi làm TTHC trên cổng DVC, chị Oanh vẫn dễ dàng thực hiện, bởi theo chị, thao tác làm thủ tục trực tuyến tại Việt Nam cũng tương tự như ở Singapore. “Ở Singapore, tất cả giấy tờ, thủ tục đều được làm trực tuyến. Giờ tôi về Việt Nam làm cũng thấy tiện lợi như vậy, làm thủ tục trực tuyến cũng rất gọn và nhanh, lại được miễn phí thì vui quá” - chị Oanh hào hứng.

Làm việc tại một văn phòng luật, anh Phan Thanh Phú (ngụ quận Tân Phú) nhiều lần nhận hỗ trợ khách làm các loại TTHC khác nhau. Theo anh, việc làm thủ tục trên DVC tiện lợi và tiết kiệm thời gian hơn so với nộp trực tiếp tại UBND phường, quận.

Anh Phú cũng đánh giá việc thu phí 0 đồng với 98 TTHC khi làm trên DVC khiến tâm lý người dân vui và hài lòng hơn. “Việc này cũng giảm đi nhiều phiền hà” - anh Phú nhìn nhận.

Đến làm giấy khai sinh tại bộ phận một cửa UBND quận Phú Nhuận, ông Hà Tấn Đạt (ngụ phường 8, quận Phú Nhuận) cho biết trước đó ông đã nộp hồ sơ một phần trên cổng thông tin trực tuyến.

“Làm rồi mới biết được miễn phí, trước kia phí làm giấy khai sinh là 50.000 đồng. Tuy số tiền không quá lớn nhưng được miễn phí khiến tôi rất vui. Làm trực tuyến cũng tiện lợi, người dân linh động chọn thời gian, có thể làm bất cứ khi nào chứ không nhất thiết phải làm vào giờ hành chính như trước” - ông Đạt bày tỏ.

Lần thứ hai đến nhận thủ tục đăng ký kinh doanh, ông Mai Xuân Khánh Hùng (ngụ phường 7, quận Phú Nhuận) cho hay do thường xuyên làm thủ tục trên cổng DVC nên ông biết đến chính sách miễn phí này.

“Nếu trước kia, với hai bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh cần trả 300.000 đồng thì nay được miễn phí hoàn toàn. Tôi làm rồi sau đó cũng chia sẻ với người thân, bạn bè xung quanh cùng hưởng ứng. Mong chính sách này sẽ được kéo dài, áp dụng ở nhiều nơi, không chỉ riêng tại TP.HCM” - ông Khánh Hùng chia sẻ.

Cán bộ phường 9, quận 11 đang hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: THUẬN VĂN
Cán bộ phường 9, quận 11 đang hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: THUẬN VĂN

Kỳ vọng nâng chất DVC để tăng trải nghiệm

Ông Võ Thế Hùng (52 tuổi, ngụ quận 5) có mặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC quận 5 vào một sáng trung tuần tháng 7 để chờ làm thủ tục đóng thuế nhà đất.

Chỉ vào màn hình tivi hướng dẫn các bước làm hồ sơ, thủ tục ngay cửa ra vào ở bộ phận một cửa, ông Thế Hùng khẳng định đó mới là điều mà người dân cần nhất khi đi làm thủ tục, dù là làm trực tuyến hay trực tiếp.

“Được làm miễn phí chắc chắn người dân ai cũng thích nhưng những người lớn tuổi như tôi không hiểu rõ quy trình, công nghệ thì thích ra bộ phận một cửa làm để được cán bộ hướng dẫn. Tôi cho rằng ngoài việc không mất phí, các cơ quan, đơn vị nên tuyên truyền, hướng dẫn đến từng khu phố về quy trình làm thủ tục, hồ sơ để người dân dễ dàng tiếp cận” - ông Thế Hùng gợi mở.

Cách đây hơn hai tháng, anh Lê Trọng (ngụ quận 11) từng đăng ký tạm trú trên cổng DVC, tuy nhiên lại có trải nghiệm chưa tốt.

“Tôi nghĩ việc thu phí 0 đồng với các TTHC trên cổng DVC là một chính sách tốt để khuyến khích người dân làm hồ sơ trực tuyến. Song song đó, TP.HCM cần tiếp tục nâng chất DVC như nâng cấp hệ thống để giúp người dân có trải nghiệm tốt hơn” - anh Trọng nói.

Anh Trọng đề xuất trên cổng DVC cần cập nhật, thông tin chính xác tiến độ hồ sơ đã đến bước nào. Với những hồ sơ bị trả lại thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ cần trao đổi kỹ, chi tiết với người dân về các giấy tờ cần bổ sung hoặc để lại số điện thoại để người dân liên hệ hỗ trợ khi có nhu cầu.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: HỒNG THẮM
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: HỒNG THẮM

Thông tin, tuyên truyền đến người dân bằng nhiều cách

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Phạm Thị Ánh Nguyệt, Trưởng phòng Nội vụ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính quận 5, cho biết từ khi TP.HCM thực hiện thu phí 0 đồng với 98 TTHC trên DVC trực tuyến, quận 5 đã tiếp nhận hơn 720 hồ sơ trên cổng DVC. Trong đó, hơn một nửa là thủ tục cấp mới giấy phép kinh doanh.

“Trên DVC mặc định sẵn là thu phí 0 đồng. Trường hợp người dân đến quận nộp hồ sơ, cán bộ sẽ hỗ trợ làm trực tuyến trên máy tính bố trí ở bộ phận một cửa để được hưởng quyền lợi” - bà Nguyệt chia sẻ.

Bà Nguyệt đánh giá khi làm trên DVC, cái khó nhất của người dân là tìm tên miền, thủ tục cần làm thuộc lĩnh vực nào để truy cập. Một số người dân chưa có tài khoản định danh mức độ 2 nên cần đến UBND và công an phường để nhận được sự hỗ trợ.

“Người dân khi làm DVC ở nhà nếu gặp vướng mắc gì có thể gọi điện cho phường, quận để hỏi. Nếu điền sai/thiếu thông tin thì cán bộ tiếp nhận sẽ ghi chú chi tiết đề nghị bổ sung mục nào, giấy tờ gì trên DVC. Trường hợp người dân chưa biết thì đến trực tiếp bộ phận một cửa sẽ có cán bộ hướng dẫn” - bà Nguyệt thông tin và cho hay quận 5 cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sử dụng DVC trực tuyến trên nhiều nền tảng truyền thông khác nhau của quận.

Ngoài ra, quận cũng đề nghị các phường chú trọng tuyên truyền về lợi ích khi tham gia DVC trực tuyến và cách thực hiện đến từng khu phố để chuyển tải đến người dân. Qua đó, kết quả thực hiện hồ sơ TTHC trực tuyến trong sáu tháng đầu năm 2024 của quận đạt hơn 77%, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn đại diện UBND quận Phú Nhuận thông tin từ khi triển khai Nghị quyết 07/2024, toàn quận và phường trên địa bàn đã tiếp nhận 2.248 hồ sơ trực tuyến/2.378 hồ sơ. “Chưa đầy hai tháng triển khai thu phí 0 đồng, số lượng hồ sơ trực tuyến tại quận Phú Nhuận đã tăng cao” - vị này đánh giá.

Tháng 5-2024, tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết 07 quy định mức thu lệ phí trong thực hiện TTHC áp dụng DVC trực tuyến trên địa bàn TP.

Đến ngày 11-6, UBND TP.HCM đã ban hành danh mục TTHC thực hiện thu phí 0 đồng theo Nghị quyết 07/2024 của HĐND TP.HCM.

Cụ thể, có 98 TTHC ở bốn nhóm sẽ thu phí 0 đồng, gồm lệ phí hộ tịch; lệ phí cấp giấy phép cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; lệ phí cấp giấy phép xây dựng; lệ phí đăng ký kinh doanh. Trong đó, 41 TTHC thuộc thẩm quyền cấp quận, huyện, TP Thủ Đức; 14 TTHC thuộc thẩm quyền cấp phường, xã; 40 thủ tục thuộc thẩm quyền cấp sở… Việc thu phí 0 đồng được áp dụng từ ngày 29-5-2024 đến hết năm 2025.

Để đạt được kết quả như trên, quận Phú Nhuận đã tập trung tuyên truyền nhằm chuyển đổi nhận thức của người dân về DVC. Quận cũng lập tổ công nghệ số cộng đồng là những người trẻ, đoàn viên thanh niên, khu phố đi đến tận nhà để phổ biến cho người dân.

“Một số người có tâm lý ngại, khó làm quen hoặc không sử dụng công nghệ khi thực hiện thủ tục trên cổng DVC trực tuyến nhưng khi nghe giới thiệu về chính sách miễn, giảm thì nhiều người lại thích thú và muốn sử dụng” - đại diện UBND quận Phú Nhuận đánh giá.

Tương tự, lãnh đạo UBND quận 8 cũng cho biết đã chỉ đạo lập các tổ tình nguyện hướng dẫn người dân sử dụng DVC trực tuyến và nộp hồ sơ trực tuyến tại trụ sở UBND quận và phường. Lực lượng tham gia gồm các đoàn viên, thanh niên và cán bộ, công chức có kỹ năng về công nghệ thông tin.

Quận 8 còn làm các video tuyên truyền trực quan, phát thường xuyên tại bộ phận một cửa; phân công các tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, phát tài liệu hướng dẫn đến từng hộ dân trên địa bàn.

Từ khi triển khai chính sách, UBND quận 8 đã nhận được 743 hồ sơ trực tuyến; tỉ lệ người dùng DVC trực tuyến tại quận trong sáu tháng đầu năm 2024 tăng cao so với các năm, đạt 85,37%.

Thu phí 0 đồng các thủ tục hành chính trên dịch vụ công nhằm thúc đẩy chuyển đổi số

Hồi cuối tháng 3, tại một phiên họp của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước), đã đề nghị các địa phương tham mưu đề xuất HĐND ban hành mức phí, lệ phí 0 đồng để thúc đẩy DVC trực tuyến.

Tháng 7-2024, HĐND tỉnh Quảng Nam cũng ban hành nghị quyết quy định mức thu phí, lệ phí 0 đồng đối với tám khoản phí và năm khoản lệ phí khi sử dụng DVC trực tuyến để giải quyết TTHC. Nổi bật như phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phí đăng ký biện pháp bảo đảm; lệ phí đăng ký kinh doanh; lệ phí hộ tịch…

Trước đó, từ tháng 7-2023, TP Hà Nội đã triển khai không thu phí khi tổ chức, cá nhân thực hiện 82 TTHC thuộc thẩm quyền của HĐND TP theo phương thức trực tuyến. Có thể kể đến như cấp phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép); cấp phép xây dựng mới với các công trình khác; gia hạn giấy phép xây dựng; cấp mới đăng ký kinh doanh… Việc này nhằm khuyến khích người dân dùng DVC trực tuyến và được áp dụng đến hết năm 2025.

Ngoài ra, kể từ ngày 1-6 đến hết 31-12-2024, TP Hà Nội còn hỗ trợ 100% mức phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp là 200.000 đồng/lần/người khi công dân thực hiện yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.

Ý KIẾN

Anh NGUYỄN HOÀNG TRUNG THẠNH, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM:

Đồng bộ thông tin trên tài khoản DVC với VNeID

Hôm trước tôi có làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trên DVC thấy được giảm khoảng 10.000 đồng. Mức lệ phí không nhiều nhưng đỡ mất thời gian phải chuyển đổi qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử để thanh toán. Sau khoảng hai ngày, tôi đã nhận được kết quả gửi trực tiếp về số điện thoại.

Trước khi làm các TTHC, tôi cũng thường tìm hiểu xem thủ tục mình dự tính làm có thể làm trực tuyến được không. Bởi như vậy tôi không cần phải đi xa hay phải xin nghỉ làm để đến phường, quận vào giờ hành chính.

Sau nhiều lần làm TTHC trực tuyến, tôi thấy trải nghiệm đang ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, tôi mong các bước làm thủ tục cần được tối giản hơn. Chẳng hạn, tài khoản DVC đã liên kết với VNeID thì ở các bước điền, nhập thông tin có thể tự đồng bộ thông tin để tối ưu hóa các bước.

------

Ông TRẦN NINH ĐÔNG, Chủ tịch UBND phường 9, quận 11:

Nâng chất lượng trải nghiệm trên DVC

Tâm lý người dân thường thích được miễn phí nên khi nghe TP thu phí 0 đồng thì họ rất tích cực tìm hiểu về DVC, công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng DVC trực tuyến cũng thuận lợi hơn.

Để hỗ trợ người dân chưa biết làm thủ tục trên DVC, chúng tôi đã bố trí thêm màn hình phụ tại vị trí ngồi của từng cán bộ. Khi người dân đến bộ phận một cửa có thể trực tiếp theo dõi và được cán bộ hướng dẫn từng bước để thực hiện.

Về lâu dài, tôi cho rằng cần có thêm các giải pháp như nâng cấp hệ thống đường truyền và chất lượng trải nghiệm trên website DVC. Bởi hiện nay đôi lúc hệ thống chạy còn chậm khiến người dân nản vì chờ quá lâu, phải từng bước cải tiến để trải nghiệm của người dân khi làm thủ tục trực tuyến ngày càng tốt hơn. Đặc biệt phải làm sao để khi cần thực hiện các thủ tục thì người dân sẽ nghĩ ngay đến làm trực tuyến chứ không phải đem hồ sơ ra phường.

------

Ông QUÁCH HỮU VINH, Chủ tịch UBND phường 3, quận 8:

Triển khai mô hình Zalo Mini App kết nối cổng DVC

Chính sách miễn, giảm đã khuyến khích người dân tăng cường thực hiện TTHC trên cổng DVC. Qua đó, phần nào giúp cán bộ, công chức có đủ thời gian thẩm định kỹ càng hồ sơ, tránh việc bỏ sót, quên xử lý hoặc để thất lạc hồ sơ.

Để phổ biến chính sách thu phí 0 đồng của HĐND TP.HCM đến người dân, UBND phường 3 đã triển khai mô hình chuyển đổi số Zalo Mini App (tính năng mở rộng của Zalo OA). Với mô hình này, người dân có thể sử dụng Zalo để truy cập vào cổng DVC trực tuyến mà không cần tải app về điện thoại. Đồng thời có thể tương tác trực tiếp với UBND phường 3 mà không sợ bị mạo danh, lừa đảo.

Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ xây dựng các bài viết tuyên truyền trên Zalo OA của phường. Cùng với đó, tiếp tục phát triển tính năng Chatbot trả lời tự động nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tuyên truyền sâu rộng về các lợi ích khi sử dụng DVC đến người dân.

BẢO PHƯƠNG - HỒNG THẮM/Báo Pháp Luật TPHCM

Tin cùng chuyên mục