Nguy cơ ngay từ chậu nước tắm
Bác sĩ chuyên khoa II (CKII) Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Q.8, TP.HCM, cho biết ở VN, theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, đuối nước cướp đi mạng sống của gần 2.000 trẻ em mỗi năm. Xung quanh chúng ta có những nguy cơ có thể gây đuối nước cho trẻ nhỏ mà nhiều người chủ quan. Nhiều người cứ nghĩ phải ra ao hồ sông suối lớn thì trẻ mới có nguy cơ đuối nước. Nhưng không phải, nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ em có thể từ chậu nước trẻ đang tắm dở, chậu nước người lớn đang rửa rau, chum vại nước, thậm chí cái bồn cầu, chậu nước có mực nước cao chỉ 2 - 3 cm.
Trẻ dưới 2 tuổi, phần thân trên nặng hơn phần thân dưới, khi trẻ té ngã vào chậu nước (hoặc các dụng cụ có chứa nước kể trên), các bé không thể nhấc đầu lên được, và chỉ vài chục giây trẻ bị uống nước, ngạt thở. Nhiều vụ trẻ nhỏ bị đuối nước thương tâm, tử vong trong tư thế úp mặt vào chậu nước, chum nước… đã được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông nhưng nhiều phụ huynh vẫn mất cảnh giác.
"Nhiều khi có phụ huynh đang tắm dở cho con thì quên khăn tắm, quên chai xà bông nên đứng dậy đi lấy, hoặc có chuông điện thoại thì đứng dậy, để đứa trẻ đứng lững chững ở đó. Phụ huynh mải nghe điện thoại, có khi chỉ vài chục giây thôi, không để ý tới con, nghĩ là con không sao nhưng đứa trẻ bị ngã chúi đầu xuống chậu nước, người lớn theo phản xạ có thể ngóc đầu dậy được còn trẻ dưới 2 tuổi thì không thể, các bé có thể ngạt thở, đuối nước, thiếu ô xy, chết não", bác sĩ CKII Phan Thị Thanh Hà cảnh báo.
Do đó, theo bác sĩ Thanh Hà, trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 4 tuổi không thể nào ngừng rời mắt khỏi các bé. Chỉ cần người lớn lơ đễnh mấy chục giây thôi là hậu quả rất nghiêm trọng, có thể là tính mạng đứa trẻ. Đang là mùa mưa, mùa nghỉ hè của trẻ nhỏ, phụ huynh càng phải chú ý trông chừng trẻ nhỏ khi chơi cạnh ao, hồ, hồ cá koi quanh nhà. Dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy. Các công trình đào hố, cống rãnh… phải có rào chắn, nắp cống, biển cảnh báo nguy hiểm…
"Có tình trạng nhiều người lớn cho trẻ đi chơi biển, hồ bơi, ỷ là con biết bơi nên thoải mái để con chơi ngoài biển, mình thì trên bờ tán gẫu, đọc sách, bấm điện thoại. Điều này hết sức nguy hiểm khi có bất ngờ xảy ra, sóng lớn, hay bé bị chuột rút… Cho trẻ tập bơi là quan trọng, nhưng người lớn cũng không được rời mắt khỏi trẻ", bác sĩ CKII Phan Thị Thanh Hà nhấn mạnh.
Trẻ biết bơi rồi cũng không được chủ quan
Huấn luyện viên bơi Tạ Quan Minh, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM, đồng sáng lập Công ty TNHH Survival Group (công ty bơi sinh tồn, chuyên tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em, người lớn tại TP.HCM), còn nhớ mãi lần cứu được một em nhỏ chừng 5 tuổi, cách đây 4 năm. Trước đó, phụ huynh của em này có việc đi đâu, nhờ một em nhỏ khác trông chừng, nhưng đứa nhỏ hiếu động, đang ở hồ cho con nít chạy sang hồ sâu, nơi dành cho người lớn. May mắn, anh Minh cứu được bé.
Đồng sáng lập công ty bơi sinh tồn với Minh là huấn luyện viên bơi Đoàn Quốc Hùng, cũng là cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM. Anh Hùng cho rằng việc thi công hồ bơi gia đình, hồ cá koi… nên có vách kính ngăn, rào chắn để an toàn cho trẻ nhỏ. Và khi cho trẻ ra ngoài chơi, tuyệt đối đừng để trẻ một mình.
"Lời khuyên của tôi dành cho các bậc phụ huynh là cho con đi học bơi càng sớm càng tốt. Nhưng học bơi là kỹ năng phải rèn luyện thường xuyên, không phải là năm nay biết bơi rồi thì sau không cần tập luyện gì vẫn bơi tốt. Cha mẹ đừng ỷ là con mình biết bơi thì chủ quan, mặc con bơi rồi mình cứ mải mê điện thoại, giao phó cho trẻ em khác trông hộ hoặc nhờ người coi giúp mà hãy nâng cao ý thức sự cảnh giác trong môi trường nước. Nên đồng hành cùng con trang bị những kỹ năng an toàn nước, kiến thức bơi lội để tránh những trường hợp đáng tiếc như vừa qua", anh Tạ Quan Minh cho biết.
Xử trí đúng cách, tránh mắc sai lầm
Bác sĩ CKI Trương Hoài Sơn, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết với các trường hợp trẻ bị đuối nước, phải gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Ngay sau khi trẻ được đưa lên phải xem tim còn đập, trẻ còn thở không. Với trường hợp trẻ còn thở, còn tỉnh táo, thì để trẻ nằm nghỉ trên mặt phẳng trong lúc chờ xe cấp cứu tới. Với những trường hợp trẻ ngưng tim, ngưng thở, ngay lập tức phải hô hấp nhân tạo, ép tim. Ép tim 30 cái thì thổi ngạt vào miệng 2 cái. Phải tránh việc bế xốc ngược người trẻ lên chạy vòng vòng.
Việc bế xốc ngược người và chạy vòng vòng là sai lầm phổ biến của nhiều người khi cứu người đuối nước, người ta thường làm như vậy với suy nghĩ là để nước trong phổi nạn nhân chảy ra ngoài, tuy nhiên chỉ có nước từ trong dạ dày chảy ra thôi. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là cần phải để tim hoạt động lại, trẻ cần thở lại được, để có ô xy cho não, tránh bị chết não. Nên việc bế xốc ngược người và chạy vừa không có tác dụng, vừa làm mất thời gian vàng trong việc cấp cứu đứa trẻ, gián đoạn thời gian cấp cứu, chậm làm tim đập trở lại, khiến không có ô xy nuôi não, càng nguy hiểm tính mạng đứa trẻ hơn.
"Sai lầm thứ hai nữa là đưa nạn nhân đuối nước lên bờ rồi trong khi nạn nhân ngưng tim ngừng thở mà vẫn để họ nằm yên đó, không hô hấp nhân tạo hay ép tim, cứ để họ nằm đó mà chờ xe cấp cứu tới. Xe cấp cứu có khi di chuyển 20 -30 phút mới tới hiện trường, thì đã quá trễ để cứu tính mạng nạn nhân", bác sĩ CKI Trương Hoài Sơn nói.
Bác sĩ CKI Trương Hoài Sơn cũng cảnh báo các trường hợp vì cứu người đuối nước mà dẫn đến hậu quả thương tâm, cả người bị nạn và người xuống cứu đều lâm nạn. Vì cứu người đuối nước không chỉ cần biết bơi mà phải bơi giỏi, có kỹ thuật, được tập huấn kỹ lưỡng, nếu không người đang gặp nạn sẽ nhấn chìm cả hai xuống nước vì bản năng sinh tồn. Do đó, cứu người cũng cần phải có kiến thức, hiểu biết, trong các tình huống khẩn cấp cần tri hô người tới cứu, sử dụng các dụng cụ, vật dụng xung quanh như dây, cành cây, phao… để cứu người.
Cần được học và biết sơ cứu
Theo bác sĩ CKI Trương Hoài Sơn, việc mỗi người dân được học sơ cứu, cấp cứu ngoại viện càng cho thấy tầm quan trọng của nó trong đời sống hằng ngày. Ai cũng nên học, quan trọng là cần một chuyên gia rành về nghề, có thể đào tạo các kỹ năng, để sau 2 - 3 buổi học thì một người bình thường có thể xử trí tình huống, cấp cứu cho nạn nhân đuối nước ngay sau khi được đưa lên bờ trong lúc chờ xe cấp cứu tới (và không chỉ nạn nhân đuối nước mà còn là các nạn nhân của các vụ việc tai nạn, thương tích khác).
Thời gian qua, bệnh viện đã tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng cấp cứu ngoại viện cho tất cả nhân viên của bệnh viện (kể cả khối hành chính), thực hành kỹ năng hô hấp nhân tạo, ép tim để mọi người có thể có kỹ năng cứu người trong các tình huống phát sinh ở ngoài đời sống.
Nhiều đơn vị, tổ chức tại TP.HCM cũng tổ chức các khóa học kỹ năng cấp cứu ngoại viện, không chỉ phụ huynh mà nhiều học sinh, sinh viên cũng tham gia các buổi học này. Thêm một người có kiến thức kỹ năng cứu người, là thêm nhiều người được cứu lúc khẩn cấp.