Tiếp tục phương châm “cùng cả nước, vì cả nước”, trong bối cảnh bị tác động rất khắc nghiệt từ dịch COVID-19, TP.HCM vẫn tiếp tục thể hiện sức sống, sự vũng vàng của “đầu tàu kinh tế” đất nước khi vượt qua năm 2020 với mức tăng trưởng dương và mở ra hàng loạt triển vọng phát triển cho cả giai đoạn tới.
Bước sang năm 2021, trước thềm xuân Tân Sửu, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM, về những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền TP.HCM để đảm bảo cho sự phát triển của TP và đóng góp ngày một lớn hơn cho đất nước.
. Phóng viên: Năm 2020, cả nước đã trải qua rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, TP.HCM cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Sang năm 2021, ông đã đưa ra nhận định kinh tế TP sẽ phục hồi mạnh mẽ. Vậy chính quyền TP sẽ đột phá vào những trọng tâm nào?
+ Ông Nguyễn Thành Phong: Đúng vậy, năm 2020 có thể nói là năm khó khăn nhất đối với TP, lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng 1,39% và lần đầu tiên có trên 36.000 doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động do tác động của đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh khắc nghiệt đó, sức chống chọi của kinh tế TP đã được khẳng định với nhiều điểm sáng từ xuất khẩu, thu hút đầu tư, kiều hối đến thành lập mới doanh nghiệp.
Đặc biệt, có hơn 8.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21% so với cùng kỳ và thu ngân sách hơn 371.000 tỉ đồng, đạt 91,51% dự toán; tỉ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đã tăng từ mức 62,1% lên 71,45%. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn có hiệu quả. Đây là những tín hiệu lạc quan để đưa ra nhận định năm 2021 kinh tế TP sẽ phục hồi tốt hơn nhiều nếu như tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát hiệu quả.
Với những điểm sáng nêu trên, TP bước vào năm 2021 với một tâm thế tràn đầy tự tin. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là triển khai thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; ưu tiên kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế. TP sẽ đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; chú trọng thiết kế đô thị phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Cùng với đó, TP tập trung thực hiện nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và nghị định hướng dẫn của Chính phủ đảm bảo đúng tiến độ; triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức.
Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư, Hội đồng phát triển kinh tế ngành để tạo sự kết nối vững chắc giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức phía trước trong việc phục hồi kinh tế, tuy nhiên TP có niềm tin mạnh mẽ sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này và như “chiếc lò xo bị nén” sẽ bật lên mạnh mẽ trong thời gian tới.
. Năm 2021, TP sẽ có những chuyển đổi rất mới và rất lớn về mặt tổ chức chính quyền khi thực hiện nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Việc triển khai chính quyền đô thị tại TP sẽ tạo ra những động lực và cơ hội phát triển mới nào cho TP?
+ Điểm then chốt trong Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM là không tổ chức HĐND quận, phường. Đây là sự đổi mới quan trọng đối với cơ cấu tổ chức bộ máy của TP trong thời gian tới, đồng thời tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển cho TP.
Theo đó, quyền đại diện và quyền dân chủ, quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được đảm bảo và duy trì ở mức độ cao như trước đây; bộ máy cơ cấu tổ chức của các quận, phường được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt; cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương; góp phần cải cách hành chính, giảm bớt trình tự, thủ tục trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương quận, phường, giảm thời gian giải quyết công việc.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội sẽ góp phần làm cho chính quyền TP tiếp tục gần dân hơn, sát dân hơn, có điều kiện phục vụ các nhu cầu của người dân nhanh và tốt hơn. Qua đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý được nâng cao hơn, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP cũng được triển khai hiệu quả hơn vì người dân chính là động lực và mục đích trong mọi hoạt động phát triển của chính quyền TP.
. Theo lộ trình thì nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP sẽ có hiệu lực ngay đầu năm 2021 và sẽ bắt đầu áp dụng thực hiện trên thực tế vào tháng 7-2021. Như vậy, TP chỉ có chừng sáu tháng để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi lớn này. Với áp lực thời gian như thế thì TP sẽ sắp xếp bộ máy và tính toán nhân sự ra sao?
+ Phải thừa nhận yếu tố thời gian là một áp lực đối với sắp xếp bộ máy và tính toán nhân sự khi thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thực tiễn có kinh nghiệm trước đây bảy năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường nên việc này vẫn có thể đảm bảo được tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Hiện nay, Bộ Nội vụ trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của UBND quận, phường, chế độ trách nhiệm của chủ tịch UBND quận, phường; tổ chức và hoạt động của UBND TP, HĐND TP thuộc TP; tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND quận, UBND TP thuộc TP và UBND phường.
Sau khi Chính phủ ban hành nghị định nêu trên, TP sẽ tiến hành sắp xếp bộ máy và tính toán tổng thể nhân sự trên cơ sở Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội, đảm bảo đồng bộ và thống nhất với Nghị quyết số 1111/QH-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.
. Cùng với việc tổ chức chính quyền đô thị, năm 2021 cũng là năm TP chính thức triển khai xây dựng TP Thủ Đức. Đây là mô hình TP trong TP trực thuộc trung ương đầu tiên của cả nước. TP Thủ Đức sẽ tạo ra những điểm nhấn đặc biệt nào cho TP.HCM và người dân sẽ được thụ hưởng những lợi ích thiết thực gì?
+ Nhắc đến TP Thủ Đức là nói đến một không gian phát triển mới trong tương lai gần. Đầu tiên có thể kể đến là hạ tầng giao thông sẽ hiện đại hơn. Người dân có thể đến Thủ Đức bằng nhiều phương tiện hiện đại như metro số 1 (cuối năm 2021); mạng lưới xe buýt nhanh gắn kết với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến metro số 1; tỉ lệ người sử dụng giao thông công cộng tại khu vực này sẽ tăng từ 10% lên 20% trong giai đoạn từ nay đến năm 2025...
Thứ hai, môi trường sống sẽ tốt hơn thông qua một số chương trình mà TP đang xây dựng và triển khai như: đề án xây dựng TP Thủ Đức thông minh; đề án phát triển công trình công cộng và kinh tế dịch vụ ven sông; chương trình chỉnh trang đô thị; chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường; cuộc vận động người dân không xả rác ra đường, kênh rạch…
Đồng thời, ở đây sẽ tăng cường mảng xanh (khoảng 1 triệu cây xanh) tại các công viên, các tuyến đường để TP Thủ Đức có thể trở thành một hình mẫu về phát triển đô thị xanh, bảo vệ môi trường. Phải làm cho TP Thủ Đức có sự chuyển động, người dân nhận thấy cuộc sống của mình có chuyển biến tốt hơn, đó là mục tiêu hàng đầu.
Thứ ba, diện mạo đô thị sẽ phát triển theo hướng thông minh, thông qua triển khai xây dựng, phát triển và kêu gọi đầu tư tám trung tâm chức năng: Trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái - Khu vực Tam Đa và Đại học Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai.
Thứ tư, phát huy mạnh mẽ vai trò của các cực tăng trưởng trọng yếu của TP Thủ Đức, đó là: xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM thành Trung tâm công nghệ giáo dục; xây dựng Khu công nghệ cao thành Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng Viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Qua đó, tạo ra một hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, trên nền tảng kinh tế tri thức từ các trụ cột sẵn có, đây sẽ là động lực mạnh mẽ phát triển TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần tạo đà tăng trưởng cho các tỉnh lân cận cùng phát triển, từ đó TP có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước.
TP tin rằng với một số tiềm năng, lợi thế lớn nêu trên, TP Thủ Đức trong tương lai gần sẽ trở thành một đô thị lớn của cả nước và khu vực; một đô thị phát triển xanh gắn với bảo vệ môi trường và ứng dụng các công nghệ hiện đại sẽ mang lại cuộc sống thịnh vượng cho cư dân. Ở đây, người dân sẽ được tận hưởng những kết quả từ những thành tựu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, môi trường sống thân thiện, được chăm sóc sức khỏe, có môi trường làm việc hiện đại, thu nhập cao, được học tập và giải trí với các tiện ích đa dạng, ứng dụng các công nghệ của đô thị thông minh, qua đó giúp TP Thủ Đức đóng góp khoảng 30%-35% GRDP của TP.HCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.
. Điều quan trọng mà nhiều người dân mong muốn khi tổ chức chính quyền đô thị là không chỉ chuyển đổi về mô hình mà “chất lượng” của đội ngũ cán bộ TP phải tương thích. Về điều này, nhân đầu năm mới, chuyển sang một giai đoạn mới, ông có những chia sẻ gì với đội ngũ cán bộ TP về những mong muốn này của người dân?
+ Tôi hoàn toàn đồng ý, cán bộ là nguồn gốc thành công của mọi công việc, với một tổ chức mới, nhiệm vụ mới thì đòi hỏi người cán bộ phải tương thích với điều kiện mới, nhất là khi thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Do đó, TP mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải nhận thức được điều này để tự đổi mới, tự hoàn thiện nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới.
Về phần mình, TP sẽ tiếp tục nâng chất hơn nữa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới. Trước mắt là rà soát về năng lực, trình độ để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhân dân.
Lâu dài là sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo động lực nhiều hơn nữa cho cán bộ, công chức, viên chức thi đua sáng tạo, phát huy sở trường, phục vụ lâu dài trong các cơ quan nhà nước để TP luôn là nơi hội tụ của những con người giỏi nhất, tâm huyết nhất, luôn năng động, sáng tạo, biết vượt qua khó khăn, thử thách để phục vụ cho sự phát triển của TP và phụng sự nhân dân.
VIỆT HOA (NỘI DUNG) - HOÀNG GIANG + NGUYỆT NHI (ẢNH) - HOÀNG QUYÊN (Đồ họa)/ PLO