Theo quy định tại dự thảo, từ năm 2022, Việt Nam sẽ tiến hành lập danh mục và thực hiện kiểm kê khí thải 5 lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, các quá trình công nghiệp, chất thải và sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp. Các DN lớn sẽ không còn bước lùi trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
Lo phát sinh thủ tục hành chính
Phát biểu tại hội nghị, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (BĐKH), cho biết, trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều nước, tổ chức quốc tế đang có nhiều chương trình hỗ trợ Việt Nam ứng phó với BĐKH thì lượng khí phát thải Việt Nam dự kiến phải giảm vào năm 2030 là khoảng 250,8 triệu tấn CO2, tương đương mức giảm tổng phát thải của Việt Nam vào năm 2014.
Cũng theo ông Tăng Thế Cường, có 5 lĩnh vực sẽ được thực hiện kiểm kê khí thải và xây dựng giải pháp giảm lượng phát thải khí CO2. Cụ thể là nông nghiệp, năng lượng (chiếm 67% tổng lượng khí phát thải toàn quốc), chất thải, sản xuất công nghiệp, sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất lâm nghiệp. Hiện Chính phủ đã ban khung pháp lý cần thiết để thực hiện 3 giải pháp giảm nhẹ khí thải nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon ở 5 lĩnh vực trên. Bộ TN-MT đang xây dựng danh mục cũng như tiêu chuẩn các DN phải thực hiện kiểm kê khí thải, dự kiến các DN này sẽ phải thực hiện vào đầu năm 2022.
Liên quan đến vấn đề này, hơn 20 ý kiến DN và chuyên gia đã được đặt ra tại hội nghị. Theo đó, các DN quan ngại việc phải thực hiện kiểm kê khí thải sẽ gây khó khăn cho DN do “đẻ” thêm các thủ tục hành chính. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô, bày tỏ, trong dự thảo, Bộ TN-MT dự kiến hình thành thêm Trung tâm kiểm định khí thải là không cần thiết, thay vào đó cần tận dụng hệ thống kiểm định đã có sẵn trong hệ thống quản lý nhà nước. Riêng ở lĩnh vực giao thông vận tải nên tận dụng các trung tâm kiểm định để thực hiện kiểm kê khí thải phương tiện tham gia giao thông kết hợp áp dụng chuẩn khí thải EURO 4-5 cho phương tiện mới và xây dựng lộ trình chuyển đổi cho phương tiện giao thông cũ nhằm giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Với lĩnh vực sản xuất, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng, khái niệm kiểm kê khí thải và cấp tín chỉ carbon làm cơ sở để DN nói riêng và Việt Nam nói chung tham gia vào thị trường carbon toàn cầu không còn mới với các DN. Và với ngưỡng quy định là 3.000 tấn CO2 phát thải phải kê khai thì hầu hết DN ngành thép đều phải kiểm kê khí thải. Hiện các DN trong ngành đã được phổ biến và đã sẵn sàng tham gia vấn đề này.
Cần minh bạch khâu cấp phép nhập khẩu
Ở chiều ngược lại, nhiều công ty sản xuất máy lạnh, máy điều hòa không khí bày tỏ khá quan ngại. Đại diện Công ty CP Daikin cho biết, tất cả sản phẩm của công ty đều sử dụng chất làm lạnh - một chất mà Việt Nam và các nước đang tiến tới sẽ không còn sử dụng. Và với quy định mới này, DN phải đăng ký và được cấp hạn ngạch nhập khẩu chất này theo từng năm. Điều này sẽ tác động nhiều đến kế hoạch sản xuất của công ty.
Với lĩnh vực xử lý chất thải là rác thải, nhiều DN cho rằng, ngoài những quy định về kiểm kê khí thải cần phải chuẩn hóa và minh bạch thông tin về công nghệ đầu tư xử lý rác thải. Đồng thời, dựa trên từng loại công nghệ xử lý tại những khu vực nhất định là thành thị hoặc nông thôn mà ban hành đơn giá trần, giá sàn để các địa phương thực hiện. Hiện lượng rác thải nói chung ngày càng tăng nhanh nhưng việc xử lý chủ yếu chỉ bằng công nghệ chôn lấp. Thực tế này gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường do làm phát sinh lượng lớn khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, làm ô nhiễm tầng nước ngầm và gia tăng áp lực quỹ đất, nhất là tại khu vực đô thị lớn, đông dân. Việc chuẩn hóa và minh bạch công nghệ, đơn giá xử lý cũng khuyến khích đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa đầu tư ở lĩnh vực này, góp phần gián tiếp giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trước những băn khoăn của DN, ông Tăng Thế Cường khẳng định, Việt Nam đã cam kết giảm 9% (nếu Việt Nam tự thực hiện) và 27% (trường hợp có sự hỗ trợ của quốc tế) lượng khí phát thải vào năm 2030. Đây là vấn đề bắt buộc và chúng ta không còn bước lùi cũng như không còn thời gian để chậm thực hiện. Do vậy, các DN cần chủ động tính toán xây dựng lộ trình kiểm kê và cắt giảm lượng khí phát thải. Về phía Bộ TN-MT cũng như các bộ phụ trách lĩnh vực liên quan sẽ tiếp tục lắng nghe góp ý chia sẻ của DN để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, làm cơ sở để triển khai thực hiện vào đầu năm 2022.