Nâng sức đề kháng, dinh dưỡng trong mùa dịch

07:18 31/07/2021

Bên cạnh việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tuân thủ 5K để phòng dịch Covid-19, các chuyên gia cho rằng, một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý, cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp mọi người vượt qua được nguy cơ bệnh tật. 

Đặc biệt, với những người là F0, F1 khi thực hiện cách ly, điều trị tại nhà thì vấn đề tăng đề kháng, nâng cao sức khỏe để sớm đẩy lùi bệnh tật là vô cùng cần thiết. 

Dinh dưỡng cho F0, F1 tại nhà 

Theo các chuyên gia Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, các F0, F1 cách ly tại nhà cần có chế độ dinh dưỡng đảm bảo ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày, có thể thêm 1 - 3 bữa phụ với nguyên tắc cân đối và đầy đủ dinh dưỡng như: ăn đủ số lượng, đa dạng các loại thực phẩm đảm bảo nhu cầu theo từng nhóm tuổi với chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ và nước.

Thông thường các bệnh nhân mắc Covid-19 có tình trạng chán ăn, đau họng, giảm vị giác, khứu giác, chuyên gia khuyên có thể chế biến thức ăn dưới dạng mềm, lỏng, dễ ăn và dễ hấp thu. Trẻ em, người trưởng thành có bệnh lý nền (như đái tháo đường, tim mạch, suy thận cấp, suy thận mãn...) cần thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ hoặc cán bộ dinh dưỡng.

Người bệnh cần đa dạng các loại thực phẩm với đầy đủ protein (chất đạm) vì nếu thiếu protein sẽ bị ức chế việc hình thành kháng thể, giảm khả năng chống lại virus. Cần phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật (cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa...) và đạm thực vật (các loại đậu, nấm, đậu hũ…). Các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất cũng cần phải cung cấp đầy đủ như vitamin A, C, D, E, B6, B12, acid folic, sắt, kẽm, đồng… có nhiều trong gan động vật, thịt, cá, các loại rau củ, trái cây, trứng, sữa.

Nhất là các loại thực phẩm hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cần phải bổ sung như nhóm thực phẩm chứa flavonoid giúp tăng khả năng chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch của cơ thể và đã được chứng minh là có thể ức chế các hoạt động của nhiều loại virus. Đó là thực phẩm từ quả họ dâu (berries), trà xanh, cần tây, hành tây, trái cây họ cam chanh bưởi, các loại rau gia vị (như các loại húng, tía tô), súp lơ xanh, cải xanh, táo, gừng, tỏi, nghệ, các loại rau lá màu xanh, dầu olive, đậu nành... và nhóm thực phẩm chứa các vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe (probiotics) và chất xơ (prebiotics), nhóm chất béo giàu Omega-3.  

Chị Thy Trang, chung cư Safira, chăm chút cho bữa ăn đủ khoáng chất và dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe gia đình trong mùa dịch. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chị Thy Trang, chung cư Safira, chăm chút cho bữa ăn đủ khoáng chất và dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe gia đình trong mùa dịch. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tăng sức đề kháng phòng Covid-19

TS-BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 chia sẻ, nhiều  người đặt ra câu hỏi tại sao có người bị nhiễm virus nhưng có người không? Tại sao có người bị nhiễm rất nặng và có người không triệu chứng? Chìa khóa nằm ở hệ miễn dịch của cơ thể mỗi người. Người bị bệnh lý nền dễ bị triệu chứng do SARS-CoV-2 gây ra nặng hơn.

“Sức đề kháng của cơ thể là biểu hiện cho hệ miễn dịch. Khi sức đề kháng mạnh, nó chống lại bệnh tật. Muốn có sức đề kháng tốt thì phải có hệ miễn dịch tốt”, TS-BS Lê Thị Tuyết Phượng khẳng định. 

Cũng theo TS-BS Lê Thị Tuyết Phượng, hệ miễn dịch có 2 vai trò chính: Chống lại tác nhân lạ xâm nhập cơ thể và phòng ngừa sự tái phát của bệnh. Nếu lần trước chúng ta bị bệnh, hệ miễn dịch ghi nhớ để lần sau có thể chống lại nó. Ngoài yếu tố bẩm sinh, hệ miễn dịch cũng có thể tạo ra do các tác động thụ động như tiêm ngừa, quá trình phát triển và ăn uống. Nếu như lịch sinh hoạt, tập luyện điều độ thì sức đề kháng tốt hơn. 

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM, cho rằng, dinh dưỡng có vai trò nền tảng đối với sức khỏe. Đợt dịch Covid-19 này ở nhiều quốc gia, những người suy dinh dưỡng, béo phì, người có sức đề kháng kém hơn, những người có bệnh lý dễ bị tác động bởi dịch Covid-19 hơn. Do đó, bữa ăn của người dân nên đa dạng để cung cấp đủ dưỡng chất nhưng cần giảm tổng năng lượng nạp vào cơ thể bằng cách giảm một chút cơm, dầu mỡ, duy trì lượng rau củ quả và chất đạm để đảm bảo cung cấp những chất thiết yếu giúp tế bào miễn dịch được hoạt động tốt nhất, hỗ trợ tế bào niêm mạc đường tiêu hóa, đường hô hấp...

“Nếu là F1, F0 bạn cần duy trì chế độ ăn bình thường, thường xuyên luyện tập thể dục, nên chia ra ngày tập 4 lần, khoảng 15 phút/lần. Có thể tập các bài tập bổ trợ như tập thở, tập yoga, thiền...”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp chia sẻ. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc lạm dụng các chất bổ sung có thể mang đến những tác hại nhất định cho cơ thể bởi cái gì “quá” không hẳn đã tốt. “Chúng ta không nên nghe theo những lời mách bảo trên mạng xã hội mà chưa được sự kiểm chứng của bác sĩ về bài thuốc hay các loại thực phẩm chức năng mà phải sử dụng chế độ dinh dưỡng một cách khoa học, hợp lý”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyến cáo.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, với những người là F1, F0 cần uống đủ 1,5 - 2 lít nước đun sôi hoặc đã tiệt trùng/ngày. Lưu ý uống từ từ, từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày, ngay cả khi không khát, tránh các loại thức uống có gas, nước ngọt, đồ uống có cồn… F1, F0 cũng cần xây dựng lối sống, tập luyện, sinh hoạt lành mạnh đều đặn, cường độ vừa phải phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Nên tập luyện ít nhất 30 phút/ngày. Duy trì nếp sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc 7 - 8 giờ/ngày, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc. Giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ về những điều tích cực, tránh lo lắng thái quá là chìa khóa quan trọng để đảm bảo sức khỏe, chống chọi với virus.

LAM GIANG/SGGP

Tin cùng chuyên mục