Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung yêu cầu các tỉnh, thành phố không chờ đợi mà triển khai ngay gói hỗ trợ trị giá 26.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề xuất các địa phương có thể giảm bớt thủ tục để đẩy nhanh tốc độ triển khai, chú trọng hậu kiểm.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 14/7 tại Hà Nội.
Gấp rút hỗ trợ lao động khó khăn
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ kịp thời, các địa phương đang thực hiện việc xây dựng kế hoạch triển khai. Đặc biệt, tại một số địa phương tình hình diễn biến phức tạp thì công tác hỗ trợ người dân đang gấp rút được triển khai để đảm bảo cho người dân không bị đói ăn, đứt bữa.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất đã triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19 trước cả khi Nghị quyết số 68/NQ-CP được ban hành ngày 1/7. Ngày 25/6, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó vì đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí 886 tỷ đồng, hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, trong đó có 230.000 lao động tự do.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố thực hiện hỗ trợ lao động tự do đợt 1, với mức hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/người/ngày trong thời gian 30 ngày, từ 31/5 đến 29/6. Trong đợt 2 thực hiện phong tỏa 15 ngày theo chỉ thị 16, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai hỗ trợ đợt 2 với mức 50.000 đồng/người/ngày, trong 15 ngày.
Theo ông Lê Tấn Minh, đến ngày 13/7, đã có 46% lao động tự do được hỗ trợ. Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu ngày 15/7 sẽ hoàn thành hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi COVID-19 do giãn cách từ ngày 31/5 đến 2/6 đồng thời hỗ trợ tiếp đợt 2.
Ông Lê Minh Tấn cho biết các cơ quan chức năng thành phố đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản các thủ tục, làm nhanh nhất để người dân, doanh nghiệp, tiểu thương nhanh chóng nhận được hỗ trợ. Thậm chí có những chính sách, người lao động, người dân không phải làm bất cứ thủ tục gì mà các cơ quan chức năng, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ để chuyển tiền cho người dân, lao động sớm nhất.
Tại Đồng Nai, do thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, số lao động tự do mất việc tương đối lớn, khoảng 30.000 lao động. Đồng Nai sẽ hỗ trợ nhóm nhóm đối tượng này 1,5 triệu đồng/người, dự kiến kinh phí khoảng 45 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết Đồng Nai đã ban hành xong quyết định và kế hoạch triển khai nghị quyết nêu rõ trình tự hỗ trợ lao động tự do, quy định rõ ai lập danh sách, trách nhiệm chi trả để ngay khi ban hành có thể triển khai ngay không cần hướng dẫn. Đối với các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Đồng Nai đã có hướng dẫn gửi tới doanh nghiệp để làm hồ sơ, thủ tục hỗ trợ cho lao động bị ảnh hưởng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, việc thực hiện hỗ trợ đã được phân cấp rõ ràng, các cấp cơ sở đang triển khai. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến phức tạp, nếu dịch ảnh hưởng đến toàn khu công nghiệp với 1,2 triệu lao động thì việc bố trí kinh phí, nguồn lực hỗ trợ kịp thời sẽ gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai mà các tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có kế hoạch triển khai cụ thể. Các địa phương này đều có chính sách hỗ trợ dành riêng cho lao động tự do.
Không ban hành thêm thủ tục
Trong khi nhiều địa phương đã chủ động, gấp rút triển khai ngay các gói hỗ trợ thì cũng có nơi vẫn còn chậm trong thực hiện các chính sách này. Một tuần sau khi Chính phủ ban hành hướng dẫn thủ tục, mới có 33 tỉnh thành báo cáo về kế hoạch hỗ trợ lao động theo Nghị quyết 68.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các tỉnh, thành cần triển khai ngay chính sách hỗ trợ lao động, đặc biệt là lao động tự do và yêu cầu các địa phương cần giảm bớt thủ tục, giấy tờ để tiền nhanh đến tay người bị ảnh hưởng bởi đại dich, vì hiện nhiều nơi đang giãn cách, cách ly, tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Liên quan đến thông tin Hà Nội vẫn đang xây dựng quy trình triển khai và chưa ban hành được kế hoạch thực hiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng tốc độ triển khai của Hà Nội chậm trong khi Nghị quyết, hướng dẫn đều đã ban hành. Các ngành liên quan, trực tiếp là Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã có hướng dẫn cụ thể.
Trong bối cảnh Hà Nội đã hai lần tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong vòng một tháng qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng Hà Nội cần chủ động triển khai luôn các chính sách hỗ trợ với tinh thần không ban hành thêm thủ tục, văn bản nào, chú ý chính sách cho nhóm lao động tự do.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng bày tỏ lo lắng về "tam giác công nghiệp" Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh với diễn biến dịch còn rất phức tạp. Chỉ riêng 3 tình, thành này đã chiếm 1/4 lực lượng công nhân lao động cả nước, với nguy cơ dịch tấn công vào khu công nghiệp luôn hiện hữu. Do đó, giữ được thành trì công nghiệp phía Nam là giữ được an toàn cho cả nước, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất hay không chính là ở các địa bàn này.
Bên cạnh việc hỗ trợ tiền mặt cho lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý các tỉnh, thành nên có thêm hình thức hỗ trợ như cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng, chợ rau... bởi trong những ngày giãn cách người dân có tiền vẫn khó mua nhu yếu phẩm, lương thực../.