Ngày 6-10, Thường trực HĐND TP HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP HCM (HTV) tổ chức Chương trình "Dân hỏi – Chính quyền trả lời" tháng 10 với chủ đề "An toàn thực phẩm – Sức khỏe cộng đồng.
Tại chương trình, cử tri Trần Quang Tuấn (Trưởng khu phố 6, phường Bến Nghé, quận 1) đã hỏi: "Khi phát hiện thực phẩm bẩn thì công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện như thế nào?"
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đã trả lời: Ngay khi phát hiện thực phẩm bẩn, dù là sản phẩm gia đình mình mua hoặc hàng xóm, láng giềng mình mua hay sản phẩm đang bày bán, đang đóng gói…, việc đầu tiên và quan trọng nhất là bà con cử tri cần phản ánh ngay cho cơ quan chức năng gần nhất. "Có thể là UBND phường, công an khu vực, tổ trưởng tổ dân phố hoặc bà con có thể gọi đường dây nóng 18006838, hoặc phản ánh ngay trên ứng dụng VneID" – ông Tú dẫn chứng.
Theo ông Tú, việc phản ánh kịp thời, không chỉ là bảo vệ quyền lợi cho mình và gia đình mình mà còn giúp cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý, ngăn chặn sản phẩm bẩn lưu hành trên thị trường.
Song song đó, người dân có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, người kinh doanh phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.
Một cách thức khác, người dân có thể yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thay mặt mình đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật; có thể khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
"Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật" – Phó giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh.
Tại chương trình, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, nêu đường dây nóng tiếp nhận các phản, ánh kiến nghị là: 028.3930.1714.
Bà Lan khuyến cáo người dân nên mạnh dạn phản ánh khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm. "Bà con không nên dễ dãi bỏ qua vì như vậy là tiếp tay cho các tổ chức cá nhân kinh doanh bất chấp vì lợi nhuận, đặc biệt là kinh doanh qua mạng" – bà Lan nói.
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM cũng nêu rõ quan điểm với thực phẩm nhà làm thì để nhà ăn hoặc chỉ biếu tặng cho người thân, người quen. Còn khi đã buôn bán thì phải tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chấp hành nghĩa vụ thuế.
"Trước đây, đã có 1 trường hợp sản xuất bánh trung thu "nhà làm" nhưng lại được đăng tải trên một tờ báo lớn với sản lượng được khoe lên đến vài trăm cái/ngày. Chúng tôi ngay lập tức tổ chức đoàn thanh tra xuống thì gặp đoàn kiểm tra liên quận đã có mặt. Cơ sở này sau đó đã bị phạt 23 triệu đồng vì sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhiều "không"" – Giám đốc Sở An toàn thực phẩm dẫn chứng.
4 vấn đề chính cần quan tâm
Phát biểu kết luận chương trình, ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM, cho rằng công tác quản lý an toàn thực phẩm tại TP HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn cần tiếp tục cải thiện để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Thường trực HĐND TP HCM đề nghị UBND TP HCM quan tâm 4 nội dung gồm: xây dựng thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn, hướng dẫn người dân lựa chọn thực phẩm an toàn và hướng dẫn xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.