Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, MobiFone), trong tháng 7 và tháng 8/2020, các đơn vị này đã thực hiện nhiều biện pháp kỹ thuật để phát hiện các thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi quấy rối người tiêu dùng (cuộc gọi rác). Sau đó, nhà mạng thực hiện xác thực, kiểm tra lại thông qua thu thập phản hồi của người tiêu dùng để phát hiện thuê bao phát tán cuộc gọi rác để ngăn chặn kịp thời.
Cụ thể, các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện ngăn chặn 18.329 thuê bao phát tán cuộc gọi rác (khóa chiều gọi đi với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng).
Thống kê chi tiết việc chặn các cuộc gọi 'rác' của các nhà mạng.
Báo cáo của các doanh nghiệp cũng cho thấy tỷ lệ khách hàng phản hồi tin nhắn USSD của nhà mạng để xác thực sau khi nhận cuộc gọi nghi ngờ cuộc gọi rác rất thấp (trung bình 5%). Trong khi đó, chất lượng và hiệu quả của giải pháp ngăn chặn cuộc gọi rác phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ phản hồi của khách hàng.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết vấn đề SIM rác cũng như những loại rác viễn thông phát sinh như tin nhắn rác, cuộc gọi rác sẽ được cơ quan chức năng xử lý căn bản vào cuối năm 2020.
"Đến hết năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý căn bản các loại 'rác viễn thông', tiếp tục thanh tra diện rộng, chấn chỉnh các lãnh đạo doanh nghiệp nếu còn tiếp diễn tình trạng SIM 'rác' trên thị trường," Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Trước đó từ 1/7/2020, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone triển khai giải pháp công nghệ để lọc và cắt liên lạc các thuê bao phát tán cuộc gọi 'rác.'
Các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam cũng đã đưa ra lộ trình thực hiện các biện pháp để xử lý "rác viễn thông." Theo đó, Viettel đã triển khai chính thức từ ngày 1/7/2020; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã triển khai chính thức trước ngày 1/8/2020; các doanh nghiệp viễn thông còn lại sẽ triển khai từ ngày 1/10/2020./.