Nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TPHCM nỗ lực bảo đảm “3 tại chỗ“

11:54 15/07/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất. UBND TPHCM cũng đã có văn bản dừng hoạt động của doanh nghiệp nếu không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động phải đảm bảo “sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ”, hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”. 

Công nhân Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Đại Dũng vừa sản xuất, vừa ở lại nhà máy phòng, chống dịch Covid-19
Công nhân Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Đại Dũng vừa sản xuất, vừa ở lại nhà máy phòng, chống dịch Covid-19

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã lên phương án bố trí công nhân ăn, ở lại nhà máy để đảm bảo mục tiêu kép, nhất là các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu. Song, để đảm bảo an toàn sản xuất trong tình hình hiện nay là điều vô cùng khó đối với nhiều doanh nghiệp.

Đảm bảo phòng dịch để sản xuất

Đầu tháng 7, hội trường Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TPHCM) đã trở thành nơi lưu trú cho 50 công nhân chủ chốt. Họ ở lại sinh hoạt và làm việc ngay trong công ty để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.

Đây cũng là 1 trong 40 doanh nghiệp đầu tiên của TPHCM thí điểm mô hình này. Vật dụng sinh hoạt như chiếu, chăn, tủ lạnh, đồ ăn khô, nhà vệ sinh đã được chuẩn bị sẵn.

Anh Trịnh Văn Kỷ, 1 công nhân chủ chốt trong dây chuyền sản xuất chia sẻ: “Ban đầu, khi nghĩ phải xa gia đình để ở lại công ty, tôi rất băn khoăn. Nhưng khi Ban phòng chống dịch của công ty phân tích tình hình và nhìn thấy sự chuẩn bị chu đáo nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh hoạt, tôi đã yên tâm hơn”.  

Đến ngày 14-7, đã có 1.000 công nhân và nhân viên được sắp xếp vừa sản xuất vừa lưu trú lại công ty. Theo ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng thương mại Đại Dũng, dịch Covid-19 hiện đang rất phức tạp, nếu công ty xuất hiện 1 ca mắc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiến độ đơn hàng nội địa cũng như xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, mô hình vừa sản xuất vừa cách ly là biện pháp hiệu quả để đảm bảo mục tiêu kép của doanh nghiệp.

Để triển khai mô hình vừa cách ly vừa sản xuất, doanh nghiệp phải đạt nhiều tiêu chuẩn, cụ thể như: có rất ít nguy cơ lây nhiễm, nơi ở tách biệt khu vực sản xuất, lối ra vào thuận tiện, có hệ thống camera giám sát….

Ngoài ra, người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi vào lưu trú, không ra khỏi nhà máy trong thời gian áp dụng phương thức trên. 

Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhiều doanh nghiệp trong ngành thực phẩm thiết yếu đã xây dựng và kích hoạt phương án phòng dịch cao nhất để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng dịch vừa sản xuất.

Công ty cổ phần Sài Gòn Food (khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM), đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm đã kích hoạt phương án “3 tại chỗ” - “sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ”.

Theo đại diện công ty, bắt đầu từ ngày 15-7, 200 công nhân lao động trong số 2.000 lao động của công ty đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 và ở lại công ty để sản xuất. Đây sẽ là lực lượng sản xuất chủ yếu trong thời gian công ty vừa sản xuất vừa đáp ứng công tác phòng chống dịch.

Theo đại diện công ty, còn 200 công nhân trong danh sách đăng ký sẽ vào nhà máy cách ly sản xuất trong vài ngày tới khi sắp xếp xong việc gia đình.

Để đảm bảo yêu cầu vừa sản xuất vừa chống dịch, công ty chỉ hoạt động 3 trong 5 nhà máy, 2 nhà máy còn lại và khu văn phòng được trang bị đủ vật dụng để làm khu dã chiến cho công nhân ăn, ngủ, sinh hoạt, nghỉ ngơi.

Trước đó, khi có kế hoạch tổ chức “3 tại chỗ”, công ty đã lên phương án ăn ở, tính toán nơi ăn, ngủ, tắm giặt cho người lao động theo đúng quy định của Bộ Y tế trong phòng dịch Covid-19. 

Còn tại Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (Khu công nghệ cao, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, TPHCM), công ty đã bố trí mặt bằng nhà ăn, có lối đi ra và đi vào không cùng một hướng. Tuân thủ khoảng cách tại nhà ăn và phải rửa tay trước và sau khi ăn. 

Việc bố trí thùng rác có nắp đậy tại các khu lưu trú và khu tập trung trong nhà máy, phân loại rác theo rác thải sinh hoạt và khẩu trang sau khi sử dụng cũng được công ty chú ý.

Chỗ ăn cho người lao động tại Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên được vệ sinh kỹ lưỡng
Chỗ ăn cho người lao động tại Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên được vệ sinh kỹ lưỡng

Bên cạnh đó, công ty xét nghiệm Covid-19 định kỳ cho người lao động ở lại nhà máy; Đảm bảo phòng cách ly F1 có nhà vệ sinh riêng và tách biệt với các khu vực xung quanh. Hiện 206 lao động ở lại và làm việc tại công ty đã được test Covid-19 và có kết quả âm tính.

Phòng cách ly F0 ở công ty đang hoàn thiện. Phòng vệ sinh di động được công ty thuê bên dịch vụ công ích, công nhân sẽ làm thủ tục nhận trong hôm nay 15-7. Khu lưu trú dành riêng cho lao động nữ, lao động nam, có nhà vệ sinh cho từng khu vực.

Chỗ ở của công Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên
Chỗ ở của công Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên

Nhằm tăng cường giám quản lý, giám sát bảo đảm sức khỏe người lao động, Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên chia thành từng tổ, mỗi tổ 10 lao động cùng dây chuyền lao động. Tổ trưởng chịu trách nhiệm kiểm tra việc giữ khoảng cách, vệ sinh, sức khỏe của các thành viên trong tổ, báo cáo hàng ngày lên Giám đốc Điều hành của công ty, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động.

Khó khăn khi thực hiện mục tiêu kép

Để khích hoạt phương án “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo sản xuất, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, đại diện Công ty cổ phần Sài Gòn Food cho biết, bên cạnh tổ chức được nơi ở đảm bảo cho người lao động tại nhà máy, công ty còn phải có được nguồn nguyên liệu dự trữ cho sản xuất. Đó là mạch quan trọng để xản xuất không bị gián đoạn trong thời điểm rất nhiều đơn vị cung ứng nguyên liệu phải dừng hoạt động.

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp có thể bố trí được phương án “3 tại chỗ”, nhưng do đứt nguồn cung nguyên liệu đành phải tạm dừng hoạt động sản xuất.

Ông Phan Thanh Phổ, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần thiết bị nhà bếp Vina cho biết, từ ngày 15-7, công ty chính thức dừng hoạt động cho đến khi có văn bản mới. Theo ông Phổ, công ty dừng sản xuất không phải do không đáp ứng được phương án vừa sản xuất vừa phòng chống dịch.

Ông Phổ cho biết: “Chúng tôi là doanh nghiệp đầu tiên tại TPHCM khích hoạt phương án “3 tại chỗ” trong 15 ngày do có liên quan ca mắc Covid-19. Dù là đơn vị thí điểm nhưng đã làm rất tốt và giữ an toàn sản xuất trong thời gian vừa cách ly vừa tổ chức người lao động ở lại xưởng”.

Do đó, theo ông Phổ, công ty sẵn sàng kích hoạt lại phương án đã thực hiện để tiếp tục sản xuất theo quy định. Tuy nhiên, do nhiều đơn vị cung ứng nguyên liệu cho công ty phải dừng sản xuất theo quy định phòng, chống dịch, công ty đứt nguồn cung nguyên liệu thì dù có tổ chức tiếp tục sản xuất cũng không thể.

Doanh nghiệp bố trí công nhân ở lại nhà máy để duy trì sản xuất
Doanh nghiệp bố trí công nhân ở lại nhà máy để duy trì sản xuất

Ông Trần Thiên Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM (HBA) cho rằng, phương án “3 tại chỗ” là cách giúp doanh nghiệp chủ động hơn, ổn định duy trì sản xuất mà vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, phương án này được đánh giá chỉ hiệu quả khi doanh nghiệp có quy mô nhỏ, số lượng công nhân ít, có nguồn nguyên liệu dự trữ.

Với doanh nghiệp có hàng ngàn lao động trở lên, đây lại là một thách thức. Trong đó, vấn đề mặt bằng để triển khai khu lưu trú tạm thời, chi phí thuê nơi ở, hay yêu cầu giãn cách, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh đều không dễ đáp ứng. Do đó, một số doanh nghiệp chỉ đủ năng lực sắp xếp nơi ở cho một bộ phận công nhân có nhu cầu.

Ông Trần Thiên Long thừa nhận, đây là thời điểm vô cùng khó khăn của các doanh nghiệp tại TPHCM. Việc ngưng sản xuất không chỉ khiến doanh nghiệp thiệt hại trước mắt, mà về lâu dài, có thể mất đơn hàng từ các đối tác nước ngoài, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế của thành phố. Nếu không đáp ứng điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải tính đến phương án “1 cung đường, 2 địa điểm”.

Như vậy, doanh nghiệp phải tìm cơ sở lưu trú bên ngoài, bố trí phương tiện vận chuyển, chi phí ăn ở cho công nhân. Gánh nặng này, theo ông Long là vô cùng tốn kém. Ông dẫn chứng, một doanh nghiệp hội viên của HBA dưới 1.000 lao động, có nhà máy ở TPHCM và Bắc Ninh, sau 2 tuần đã phải chi gần 10 tỷ đồng cho phương án này.

Từ ngày 13-7, UBND TPHCM đã có công văn chỉ cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo một trong hai tiêu chí: Thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 điểm đến”: tức chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân). Theo yêu cầu trên, từ 0 giờ ngày 15-7, doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu trên thì phải dừng hoạt động.

Đại diện Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM cho biết, đến ngày 15-7, có gần 600 doanh nghiệp trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao đăng ký vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ, với gần 123.900 công nhân.

GIAO LINH – HỒNG HẢI/SGGP

Tin cùng chuyên mục