Nhiều nguồn lực chung tay để khôi phục kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19

17:43 22/05/2020

Khu vực hành chính công chưa tăng lương, doanh nghiệp tìm nhân sự mới, hay câu chuyện mặt bằng kinh doanh của doanh nghiệp… là những câu chuyện trong chuỗi nổ lực vực dậy kinh tế xã hội sau dịch Covid19.

Nhiều nguồn lực chung tay để khôi phục kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19
Công chức Phòng quản lý đô thị UBND quận 10, TP.HCM trao đổi công việc - Ảnh: TỰ TRUNG

Chưa tăng lương để chia sẻ với xã hội

Theo phân tích của báo Tuổi Trẻ, COVID-19 đã làm tổng thu ngân sách giảm, hụt thu khoảng 163.000 tỉ đồng. Vì thế việc chưa tăng lương cho công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách là sự chia sẻ của khu vực nhà nước với các khu vực khác đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo nghị quyết 86 năm 2019 về dự toán ngân sách năm 2020, mức lương cơ sở của công chức, viên chức sẽ tăng từ 1-7 tới theo lộ trình. Việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở của công chức, viên chức, người hưởng lương ngân sách để bảo đảm bù trượt giá và phù hợp với tăng trưởng kinh tế hằng năm.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã làm tổng thu ngân sách giảm, hụt thu khoảng 163.000 tỉ đồng. Vì thế việc chưa tăng lương cho công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách là sự chia sẻ của khu vực nhà nước với các khu vực khác đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Dũng - vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ - cho biết theo nghị quyết của Quốc hội, năm 2020 sẽ tăng lương khoảng 7,32% (khoảng 110.000 đồng/tháng) và tính từ ngày 1-7-2020.

Đến nay Bộ Nội vụ chưa có đánh giá ảnh hưởng cụ thể của việc dừng tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức từ 1.490.000 đồng lên 1.600.000 đồng, tăng khoảng 110.000 đồng/tháng cho cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương hưu từ tháng 7 tới.

Tuy nhiên theo tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là trong bối cảnh doanh nghiệp, người lao động khu vực ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh thì công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách cần chia sẻ với xã hội.

Thực ra nếu không tăng lương vào tháng 7 thì thu nhập của công chức, viên chức, người hưởng lương hưu vẫn giữ nguyên ở mức hiện nay, vẫn bảo đảm cuộc sống chứ không bị giảm.

Ông Dũng phân tích cụ thể: việc lùi thời điểm tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức ở thời điểm này sẽ không ảnh hưởng nhiều vì mức lương công chức, viên chức vẫn được giữ nguyên trong suốt thời gian dịch bệnh, trong khi khu vực dân doanh nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm lương, giảm giờ làm để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.

Hiện tại Chính phủ báo cáo Quốc hội để điều chỉnh dự toán ngân sách năm nay và năm tới cho phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế.

Doanh nghiệp giải bài toán nhân sự, chi phí kinh doanh

Ở mặt trận kinh tế tư nhân, theo phản ánh của Báo Sài Gòn Giải Phóng, cộng đồng kinh doanh vẫn đang có nhiều nỗ lực vực dậy sau Covid-19.

Một trong những yếu tố đó là câu chuyện mặt bằng kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể.

Trong biến động chung từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường nhà cho thuê cũng không nằm ngoài cuộc: èo uột, ế ẩm; hàng loạt mặt bằng cho thuê đóng cửa, từ trung tâm thành phố cũng như ngoại ô…

Từ khi dịch xảy ra, nhiều căn nhà mặt tiền ở trung tâm TPHCM bị đóng cửa hoặc trả mặt bằng, đến nay tình trạng này vẫn chưa có chiều hướng dừng lại.

Nhiều nhà treo bảng rao bán, cho thuê trên đường Nguyễn Đức Cảnh, quận 7. Ảnh: CAO THĂNG
Nhiều nhà treo bảng rao bán, cho thuê trên đường Nguyễn Đức Cảnh, quận 7. Ảnh: CAO THĂNG

Tuyến đường mua sắm thời trang Nguyễn Trãi từ quận 5 sang quận 1, chỉ tính một đoạn chưa tới 3km đã có hàng loạt nhà mặt tiền dán bảng cho thuê nhà. Tại khu vực quận 5 có 5 căn nhà trả mặt bằng, còn sang quận 1 có khu vực dán bảng trả nhà liên tiếp, như đoạn số nhà 69, có đến 7 mặt bằng đóng cửa, căng băng rôn cho thuê.

Một bảo vệ cửa hàng thực phẩm tại khu vực này cho biết, việc đóng cửa xảy ra từ tháng 3, vì hàng không bán được, trong khi giá thuê quá đắt đỏ; nghe nói một số trường hợp đã cho thuê lại, nhưng không thấy sửa sang để khai trương.

Tại trung tâm quận 1, những căn nhà mặt tiền có vị trí đắc địa như ở vòng xoay Phù Đổng Thiên Vương, ngã tư Tôn Thất Tùng - Bùi Thị Xuân, hoặc một đoạn ngắn trên đường Thái Văn Lung, đường Hai Bà Trưng cũng đóng cửa, treo bảng cho thuê.

Không chỉ ở trung tâm, tình trạng đóng cửa và treo băng rôn cho thuê ở những căn nhà mặt tiền xảy ra khắp nơi trong thành phố. Tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, tính từ quận 1 lên quận Tân Bình có gần 30 căn nhà đóng cửa và dán bảng cho thuê. Tình trạng làm ăn ế ẩm nên buộc phải trả lại mặt bằng xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, từ kinh doanh quần áo, giày dép, trà sữa, bún đậu mắm tôm đến dịch vụ như nha khoa… Hai bên đường Lê Văn Sỹ, đoạn gần ngã tư Đặng Văn Ngữ, “một cụm” 5 căn nhà mặt tiền đồng loạt đóng cửa treo bảng cho thuê.

Trước thực trạng “nhà chờ khách”, nhiều chủ nhà đã giảm giá nhà cho thuê buôn bán, làm văn phòng, nhưng vẫn không có khách. Lý do, khách hàng không dám thuê vì thuê mặt bằng phải làm ăn lâu dài, trong khi hoạt động xã hội hiện vẫn còn cầm chừng. Ngược lại, đối với các mặt bằng lớn, việc giảm giá sâu lại được đón nhận.

Trước đây những căn nhà mặt tiền có giá là nhờ vào dịch vụ thương mại phát triển. Nay kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên bị trả mặt bằng, giá cho thuê giảm xuống. Ví dụ, đường Phan Xích Long là một trung tâm mới về thương mại, dịch vụ, ăn uống của quận Phú Nhuận, lại có thêm lợi thế sát bên quận 1. Thời thịnh vượng, giá nhà mặt tiền ở đây 200 - 250 triệu đồng/m2, nếu mua xây nhà cho thuê sẽ có thu nhập từ 50 triệu đồng/tháng. Nay rất nhiều mặt bằng bị trả lại, mất nguồn thu, sẽ kéo theo việc giảm chi tiêu. Thương mại, dịch vụ giảm dẫn tới giá thuê nhà giảm, hậu quả giá nhà sẽ giảm. Tất nhiên, giá nhà không phải giảm ngay mà thường có độ trễ, từ 3 tháng hoặc 6 tháng, có khi một năm. Sỡ dĩ độ trễ kéo dài là vì chủ nhà thường cầm cự một thời gian, đến lúc nào “đuối”, “ngộp” sẽ buông tay. Khi đó sẽ kéo theo mặt bằng giảm giá nhà chung, từ nhà phố cho đến chung cư, dự báo có thể giảm đến 30%.

Cũng theo báo Sài Gòn Giải Phóng, dịch Covid-19 đã gây ra những tác động lớn đến từng ngóc ngách của mỗi doanh nghiệp (DN), trong đó nổi lên là bài toán nhân sự. Không ít DN đã cắt giảm nhân viên, giảm lương, nghỉ không lương… Trong hành trình chuẩn bị cho một “trật tự mới” hậu Covid-19, nhiều DN đã có các phương án ứng phó tốc độ và hiệu quả về bài toán nhân sự.

Công ty Nidec tặng công nhân khẩu trang phòng chống Covid-19. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Công ty Nidec tặng công nhân khẩu trang phòng chống Covid-19. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Đánh giá về thị trường lao động TPHCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cho hay, qua khảo sát, có hơn 25% DN cắt giảm lao động. Hình thức cắt giảm lao động chủ yếu là giảm giờ làm việc, tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương, tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ tiền lương và cho lao động thôi việc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu nhân lực những tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 27%), nhất là ở một số ngành, nghề: vận tải, giáo dục, dịch vụ lưu trú, du lịch, dệt may…

Trước thực trạng đó, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp, trước hết là chuyển đổi số, được đánh giá là hành trình tất yếu ở nhiều DN, đang diễn ra nhanh và quyết liệt. Từ khi phải giãn cách xã hội, công nghệ trở thành chiếc phao cứu sinh giúp các DN chuyển đổi sang làm việc tại nhà và hoạt động trực tuyến nhanh chóng, linh hoạt, thay đổi cách làm việc truyền thống. Cùng với chuyển đổi số, các DN cũng buộc phải liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh. Nhiều DN đã chớp thời cơ, có ngay dịch vụ đi chợ hộ, giao hàng tận nhà người tiêu dùng, ra mắt sản phẩm mới giúp tăng đề kháng trong mùa dịch…

Đình Nguyên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục