Nhiều phòng khám tái diễn "vẽ bệnh moi tiền"

09:45 31/10/2024

Ngay sau khi nhận thông tin, Thanh tra Sở Y tế đã triển khai ngay Quy trình phản ứng nhanh phối hợp với Phòng y tế quận 3, UBND phường, Công an phường Võ Thị Sáu, quận 3 tiến hành kiểm tra đột xuất Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Tháng Tám do ông N.H.P. làm tổng giám đốc công ty.

Phòng khám Đa khoa Tháng Tám bị người dân tố
Phòng khám Đa khoa Tháng Tám bị người dân tố "vẽ bệnh moi tiền"

Ngày 31-10, Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa nhận được thông tin kêu cứu từ người nhà của một người bệnh đang bị Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Tháng Tám (số 74 Cách Mạng Tháng Tám, phường Võ Thị Sáu, quận 3) giữ lại để “vẽ bệnh, moi tiền”.

Mẹ của người bệnh cho biết, vào ngày 29-10, khi đưa con đến phòng khám để phá thai thì được tư vấn với giá 10 triệu đồng. Bác sĩ khám cho biết thai nhi đã 18 tuần tuổi. Tiếp đó, có bác sĩ nữ vào khám và cho uống thuốc để “trục thai” (không rõ tên thuốc). Sau đó, người bệnh được bác sĩ phòng khám cho 2 viên thuốc về uống và hẹn ngày 30-10 đến tái khám. Ngày 30-10, khi đến phòng khám, bệnh nhân được một nữ bác sĩ khám, chỉ định tiêm thuốc và lấy thai, trong lúc khám thì được bác sĩ báo vì thai lớn nên đây là ca khó, cần phải làm gói không đau với giá 65 triệu đồng. Vì không đủ tiền để trả, người nhà của bệnh nhân đã gọi điện thoại đến Sở Y tế cầu cứu.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn ghi nhận ekip điều trị cho bệnh nhân gồm: bác sĩ N.T.V., điều dưỡng L.T.T.N. Qua làm việc và giải trình với Đoàn kiểm tra, bác sĩ N.T.V. nhận đã khám chữa bệnh cho bệnh nhân và chỉ định thuốc dưỡng thai, thuốc bổ vitamin và sắt, còn vấn đề tư vấn và cho thuốc đình chỉ thai thì bà không rõ. Khi được hỏi, điều dưỡng L.T.T.N. xác nhận có tư vấn gói dịch vụ phá thai không đau cho bệnh nhân với giá 65 triệu đồng, cao hơn so với giá tư vấn ban đầu là 10 triệu đồng và tự ý cho thuốc đình chỉ thai “Misoprostol 200mcg” 2 viên, ngậm không theo chỉ định của bác sĩ.

Theo Sở Y tế TPHCM, Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Tháng Tám được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh vào ngày 25-8-2022 do bác sĩ L.N.B. chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Phòng khám đã được phê duyệt danh mục kỹ thuật cho bác sĩ Y.H.D. – phụ trách Khoa sản, trong đó có kỹ thuật “Phá thai bằng thuốc cho tuổi thai đến hết 7 tuần”. Tuy nhiên, trước đó, bác sĩ Y.H.D. đã bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: “Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 2 tháng” kể từ ngày 25-9-2024.

Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, Thanh tra Sở Y tế yêu cầu cơ sở phải tạm ngưng mọi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ngay thời điểm kiểm tra cho đến khi xử lý xong vụ việc. Ngay tại thời điểm kiểm tra, để bảo đảm an toàn cho người bệnh, Thanh tra Sở Y tế phối hợp Trung tâm Cấp cứu 115 hỗ trợ, chuyển người bệnh đến Bệnh viện Từ Dũ để tiếp tục được điều trị.

Điều đáng lên án đó là cũng tại địa chỉ này, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần đối với công ty và cá nhân có liên quan vào các năm 2022, 2023 và 2024.

Thanh tra Sở sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an điều tra xem xét truy tố các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và quyền lợi của người dân.

* Thanh tra Sở Y tế TPHCM cũng vừa tiếp nhận phản ánh của người dân về việc Phòng khám Đa khoa Y học Sài Gòn ( số 153-155 Nguyễn Văn Cừ, phường 2, quận 5) “ vẽ bệnh, moi tiền”.

Trước đó, chị V.T.B.T. ( 32 tuổi), đến phòng khám để bỏ thai 10 tuần, 4 ngày. Phòng khám thu phí 5 triệu đồng và bác sĩ B.T.T.H. cho chỉ định uống thuốc phá thai nội khoa nhưng lại ghi trong hồ sơ bệnh án là dưỡng thai. Sau 2 ngày uống thuốc, chị T. quay lại tái khám, bác sĩ B.T.T.H. chỉ định hút thai nhưng không ghi chép hồ sơ bệnh án ngoại trú và không cho bệnh nhân ký cam kết trước khi làm thủ thuật đình chỉ thai.

Nhiều phòng khám tái diễn "vẽ bệnh moi tiền" - Ảnh 1

Ngay trên bàn thủ thuật, các nhân viên của phòng khám này liên tục dùng các chiêu trò, hù dọa gây sức ép buộc người nhà chị T. phải đóng thêm tiền để chị T. được làm thủ thuật không đau với giá 17 triệu đồng. Vì không đủ tiền để trả, người nhà của bệnh nhân đã gọi điện thoại đến Sở Y tế TPHCM cầu cứu. Tại thời điểm kiểm tra, nhân viên của phòng khám đã đối phó, không hợp tác cũng như không cung cấp hồ sơ bệnh án, tài liệu cho đoàn kiểm tra.

Hiện Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Công an TPHCM để điều tra làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của phòng khám này, xử lý nghiêm theo quy định.

Trước đó, tháng 9-2023, Phòng khám Đa khoa Y học Sài Gòn đã bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM xử phạt 202 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 4 tháng cũng với những hành vi “ vẽ bệnh, moi tiền”.

THÀNH SƠN/Báo SGGP

Tin cùng chuyên mục