Nhiều ý kiến đóng góp cho dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi
(HCM) - Nhằm chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều 9/5, đoàn Đại biểu quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo chuyên đề góp ý cho dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Tại hội thảo, các ý kiến đều thống nhất về việc cần phải ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và ủng hộ việc bổ sung một số nội dung mới phù hợp với sự phát triển của đời sống xã hội. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến góp ý bổ sung tại Điều 4 về Hành vi bạo lực gia đình, Điều 5 về Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình, Điều 6 về Những hành vi bị cấm, Điều 10 về Quyền và trách nhiệm của thành viên gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình...
Liên quan đến nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình, Ths – LS Trần Thị Hồng Việt đặt ra câu hỏi "Nguyên tắc hòa giải trong các trường hợp có bạo lực gia đình có nên đưa lên hàng đầu hay không? hay chúng ta chỉ nên xem nó là biện pháp để hàn gắn khi các bên tự nguyện."
Theo Ths - Luật sư Trần Thị Hồng Việt, bạo lực gia đình mang tính hình sự bởi nó xâm hại đến thể chất, tinh thần và kinh tế đối với thành viên bị bạo lực. Từ nhiều năm qua chúng ta cũng lấy công tác hòa giải làm trọng, nhưng tình hình bạo lực gia đình vẫn không ngừng phát triển. Thực tế đã có nhiều vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, người bị bạo lực bị ức chế trong thời gian dài. Nạn nhân của bạo lực nhận được sự hòa giải của gia đình, của cộng đồng để rồi bỏ qua mọi chuyện, làm cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình bị hạn chế.

Phát biểu tại hội thảo, Luật sư Lê Thị Hằng cho rằng Công an xã, phường là cơ quan bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, thường là nơi đầu tiên tiếp nhận được thông tin bạo lực gia đình đang xảy ra, đồng thời là nơi gần nhất, nhanh nhất có thể tiếp cận hiện trường. Vì vậy Luật cần quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết vụ việc là Công an xã, phường cũng như các biện pháp mà công an xã, phường phải thực hiện khi tiếp nhận vụ việc.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến yêu cầu làm rõ tính khả thi của việc hỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình tại Điều 37; điều chỉnh và làm rõ một số nội dung liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, đối tượng bị bạo lực; các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình; phát huy vai trò của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; các hình thức xử lý vi phạm liên quan đến bạo lực gia đình; công tác tuyên truyền, phổ biến để Luật đi vào đời sống và thực thi hiệu quả.