75 năm, 15 lần đi bầu
Có mặt tại khu vực bỏ phiếu số 71 (phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM) rất sớm, cử tri Ngô Mai, ngụ đường Trần Khắc Chân, 70 năm tuổi Đảng, 92 năm tuổi đời và vợ là bà Lê Thị Thành, 86 tuổi cùng nhau bỏ lá phiếu bầu vào thùng phiếu. Dù tuổi đã cao, đi lại có chậm chạp, nhưng ông Ngô Mai vẫn muốn tự mình đi bỏ phiếu.
“Năm 1946 tôi được đi bỏ phiếu cho ngày tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước, khi ấy tôi ở Bình Định. Trong lòng tôi ngày ấy vô cùng phấn khởi khi được hưởng quyền của một người dân tự do, độc lập. Ngày nay cũng vậy, tôi muốn góp phần vào ngày vui của cả non sông, muốn được tự tay bầu chọn cho người đại biểu mình tin tưởng”, ông Ngô Mai chia sẻ.
Cử tri Ngô Mai, 92 tuổi ở quận Phú Nhuận đã đi bầu từ năm 1946 đến nay, sáng 23-5-2021. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Theo chị Ngô Lê Diệu Trinh, con gái ông Ngô Mai, những ngày qua, ông Mai và vợ nghiên cứu, thảo luận rất kỹ về những ứng cử viên sẽ bầu chọn. “Sáng nay, ba mẹ tôi dậy rất sớm. Thay quần áo mới và cùng nhau đến điểm bỏ phiếu. Dù địa phương có thông báo sẽ cử người mang thùng phiếu phụ đến nhà để ông bà bỏ phiếu, nhưng ba tôi nói muốn được tự mình đến điểm bầu chọn”, chị Trinh bày tỏ.
75 năm qua, kỳ bầu cử nào của đất nước, ông Ngô Mai luôn tự mình đi bầu chọn người đại biểu ông tin tưởng sẽ dành hết tâm huyết phục vụ nhân dân. Trong tình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, ông Mai vẫn muốn tự mình đi bỏ phiếu, bởi ông tâm niệm, dù ở tuổi nào vẫn phải góp sức để đóng góp cho sự phát triển của đất nước, quê hương. “Tôi tin tưởng người đại biểu khi được dân bầu chọn sẽ hết lòng đóng góp sức mình phục vụ dân, đưa đất nước phát triển”, ông Ngô Mai tin tưởng.
Vượt qua bệnh tật, tự tay bỏ phiếu
Bà Nguyễn Thị Liên Chi (75 tuổi), vừa bị bệnh đục thuỷ tinh thể, vừa bị bệnh xương khớp. Thế nhưng, bà Chi vẫn cố gắng đến điểm bầu cử ở khu vực bỏ phiếu số 011, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM. Nhìn bà Chi tập tễnh đến thùng phiếu, nhiều người ngỏ ý giúp đỡ, dìu bà đi lại.
Bà Chi chia sẻ: “Nhà tôi chỉ có 2 anh em. Hiện giờ anh tôi đang điều trị trong bệnh viện, con cái tôi lại ở xa. Nhưng 5 năm mới có một lần bầu cử, vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của mình mà. Vậy nên tôi vẫn cố đi. Mình còn đi được thì mình phải thực hiện quyền công dân của mình.”
Chú Phạm Văn Thính (86 tuổi) - cử tri tại khu vực bỏ phiếu số 34 (Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận 3 - số 39 Trần Quốc Thảo) chia sẻ sau khi thực hiện nghĩa vụ công dân: "Lần đầu tiên tôi đi bầu vào năm 1954 khi còn là học sinh miền Nam ra miền Bắc học tập, khi ấy mới 18 tuổi, tự hào lắm. Bây giờ đã qua tất cả các lần bỏ phiếu, điều đó vẫn còn. 86 tuổi rồi, tôi vẫn đi sớm để hoàn thành nghĩa vụ công dân. Dù đợt này ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng tôi thấy công tác bầu cử được thực hiện rất chu đáo".
Cử tri Phạm Văn Thính (86 tuổi), nghiêm túc thực hiện bỏ phiếu tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 3. Ảnh: HOÀI VŨ
"Dù là ngày cuối tuần nhưng em vẫn dậy sớm như ngày đi học để đi bầu cử. Em rất bất ngờ khi từ 7 giờ mọi người đã đi bầu rất đông. Lần đầu tiên đi bầu nên em cũng hồi hộp khi đặt bút chọn người xứng đáng", bạn Trần Thanh Phong (19 tuổi - sinh viên năm nhất Đại học Mở TPHCM) cho biết.
Cần Giờ: Người dân xã đảo Thạnh An nô nức đi bỏ phiếu
Ngày 23-5, hòa chung không khí ngày hội non sông, cử tri ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) phấn khởi cầm trên tay lá phiếu để bầu chọn người đủ đức, đủ tài đại diện cho mình ở cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở trung ương và địa phương.
Cử tri xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ bỏ phiếu bầu cử, sáng 23-5-2021. Ảnh: CTV
Từ sáng sớm, hơn 3.300 cử tri ở ở xã đảo duy nhất của TPHCM bắt đầu đi bỏ phiếu ở 5 tổ bầu cử trên địa bàn xã đảo, để bầu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cử tri ở xã đảo đã tranh thủ thu xếp công việc đi biển để vào bờ đúng ngày bầu cử, đi bỏ phiếu chọn những người đại biểu đủ đức, đủ tài đại diện cho mình ở cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở trung ương và địa phương.
Từ khi xã đảo được công nhận và có hiệu lực từ ngày 1-7-2021 tới đây, cử tri xã đảo Thạnh An gửi gắm rất nhiều đến những ứng cử viên ĐBQH và HĐND các cấp. Cầm trên tay lá phiếu, cử tri mong mỏi những ứng cử viên được chọn sẽ đại diện cho mình, cho người dân xã đảo để truyền tải những nguyện vọng của cử tri về những chính sách đặc thù đối với xã đảo cũng như việc phát triển xã đảo xứng tầm với các địa phương trong nội thành của TPHCM.
Cán bộ chiến sĩ Bộ Công an tại TPHCM đi bỏ phiếu
Ngày 23-5, điểm bỏ phiếu ở trụ sở Bộ Công an tại TPHCM đã chính thức khai mạc với hơn 1.270 cử tri là cán bộ chiến sĩ trực thuộc 29 đơn vị của Bộ Công an tại TPHCM đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thiếu tướng Trần Thắng Phúc, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa - Bộ Công an bỏ phiếu. Ảnh: T. CHƯƠNG
Công tác bầu cử diễn ra nghiêm túc tại các đơn vị công an. Ảnh: T. CHƯƠNG
Từ sáng sớm, công tác tổ chức bầu cử, công tác kiểm tra thùng phiếu đã hoàn tất, công tác phòng chống dịch Covid-19 đã được ban tổ chức đặc biệt chú trọng. Tất cả cán bộ, chiến sĩ đi bỏ phiếu đều khai báo y tế và đo thân nhiệt trước khi vào điểm bỏ phiếu.
Gò Vấp: Bỏ phiếu tại nơi bị phong tỏa
Sáng nay, 137 cử tri tại khu vực phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 hẻm số 954 Quang Trung, khu phố 6, phường 8 (quận Gò Vấp) đã thực hiện quyền công dân của mình tại khu vực bỏ phiếu được đặt ngay trong cơn hẻm nhỏ.
Người dân hỗ trợ thực phẩm cho khu vực cách ly tạm thời ở hẻm 954 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TPHCM trước giờ bầu cử. Ảnh: HOÀI NAM
Bà Nguyễn Thị Hòa, tổ dân phố 1 cho biết, những ngày qua cư dân trong cơn hẻm 954 được sự quan tâm của phường các nhân dân trong khu vực, nên đời sống, sinh hoạt đều bảo đảm. Công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đến được từng hộ dân, từng cử tri và ai nấy đều vui vẻ, chấp nhận đi bầu trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19.
Ghi nhận của chúng tôi tại Tổ bầu cử 079, khu phố 4, phường 10 (quận Gò Vấp), đến 9 giờ sáng 23-5 đã có hơn 40% trong số 1.286 cử tri, đa phần là đồng bào Công giáo trong cơn hẻm nhỏ 275 Quang Trung, Giáo xứ Xóm Thuốc đã đi bầu. Tổ trưởng Tổ bầu cử 079 Nguyễn Thị Hải Vân cho biết, để tạo điều kiện cho cử tri đi bầu không tập trung đông người ở khu vực bỏ phiếu, tổ đã phân chia thời gian cho 7 tổ dân phố đi bầu. Những trường hợp già yếu, khuyết tật đi lại khó khăn được anh em tình nguyện đến tận nhà dắt dìu đi bầu.
Bà Nguyễn Thị Hiếu, 68 tuổi, cử tri tổ dân phố 12, được một bạn trẻ dẫn ra khu vực bỏ phiếu, vui vẻ nói với chúng tôi: Hôm nay Chủ nhật, nhà thờ đang áp dụng biện pháp phòng chống dịch Covid-19, không tổ chức thánh lễ. Từ mấy ngày trước cha sở giáo xứ đã nhắc dặn bà con trong các họ đạo phải đi bầu đông đủ. Mọi người ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi thực hiện quyền công dân của mình trong điều kiện chấp hành nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Công nhân tích cực đi bầu cử
Từ sáng sớm 23-5, nhiều công nhân đã nô nức đi bầu cử tại điểm bỏ phiếu tại Trường Nguyễn Văn Nở (phường Linh Xuân, TP Thủ Đức). Công tác đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm. Tất cả cử tri đều đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế trước khi vào khu vực bỏ phiếu. Nhiều công nhân cùng khu nhà trọ rủ nhau mặc đồng phục của tổ công nhân tự quản để đi bầu.
Công nhân đi bỏ phiếu tại phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM. Ảnh: VĂN MINH
Như tại khu phố 3, phường Linh Xuân, công nhân mặc đồng phục màu vàng đi bỏ phiếu bầu. Lần đầu tiên tham gia bầu cử tại TPHCM, nữ công nhân Phan Thị Thanh Nhã (quê Bạc Liêu) cho biết, những ngày qua tại khu nhà trọ đã có tuyên truyền về các ứng cử viên cũng như cách thức đi bầu. Bản thân chị Nhã cũng tìm hiểu về các ứng cử viên thông qua tài liệu tuyên truyền và tin tưởng mình đã bầu chọn đúng người có tài, có tâm để góp đưa tiếng nói của công nhân lao động đến các cơ quan có thẩm quyền. Từ đó có chính sách giúp đời sống người lao động được nâng cao.
Cử tri lớn tuổi thực hiện quyền công dân tại nhà
Khi số lượng cử tri đi bầu cử tại khu vực số 011, phường 2, quận Tân Bình (TPHCM) đạt 60%, ban tổ chức đã đưa thùng phiếu phụ đến nhà các cử tri lớn tuổi, đi lại khó khăn để thực hiện quyền công dân.
Tổ bầu cử mang theo thùng phiếu phụ đến gia đình ông Lê Tiến Tích (83 tuổi, ngụ số 86/43, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM). Khi tổ bầu cử đến nhà, ông Lê Tiến Tích rất xúc động. Ông vừa bị ngã gãy xương đùi, đi lại khó khăn. Cầm bản in chương trình hành động của các ứng cử viên, ông Tích chia sẻ, ông đã nghiên cứu rất kỹ các ứng cử viên từ thời điểm tiếp xúc cử tri. Ông và vợ đã thống nhất là cùng lựa chọn những người mình tin tưởng sẽ mang tri thức và tài năng đóng góp xây dựng đất nước.
Ông Lê Tiến Tích, 83 tuổi, ở phường 2, quận Tân Bình, TPHCM được bỏ phiếu tại nhà vì tuổi cao, sức yếu. Ảnh: GIAO LINH
Vợ ông là bà Tô Thị Thục Trinh (73 tuổi), hiện không đi lại được vì bệnh nặng. “Kể từ năm 1976, khi chuyển từ Hà Nội vào sinh sống và công tác tại TPHCM, hai chúng tôi vẫn cùng nhau song hành trong ngày hội non sông. Năm nay là lần đầu tiên, vì sức khỏe, mà không được đến tận nơi bầu cử”, ông Lê Tiến Ích bày tỏ. Dẫu vậy, ông vẫn vô cùng quan tâm đến công tác chuẩn bị của địa phương, và hãnh diện vì TPHCM phòng, chống dịch Covid-19 rất tốt, giúp người dân yên tâm đi bầu.
Cũng trong ngày hôm nay, tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ đến gia đình cụ Đặng Thị Xuân (92 tuổi). Đây là cử tri lớn tuổi nhất trong danh sách 913 cử tri của khu vực 011 đơn vị bầu cử số 5. Vì tuổi cao sức yếu, cụ Xuân không đến địa điểm quy định để trực tiếp bỏ phiếu. Nhờ thùng phiếu được mang tới tận nhà, cụ Xuân vẫn thực hiện quyền bỏ phiếu một cách thuận lợi.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Công tác phòng chống dịch tại các điểm bầu cử đảm bảo chặt chẽ
Có mặt tại điểm bầu cử số 59, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh 1 (số 215 đường Trương Văn Bang , khu phố 1, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) vào lúc 7 giờ 40 phút, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM đã bỏ lá phiếu bầu cử của mình. Chia sẻ tại điểm bầu cử số 59, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, ngày 23-5-2021 là ngày diễn ra sự kiện trọng đại của đất nước, ngày nhân dân cả nước cầm lá phiếu của mình để bầu chọn người có đức, có tài vào cơ quan lãnh đạo Nhà nước cao nhất ở Trung ương là Quốc hội và HĐND các cấp ở địa phương.
Qua đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong mong rằng, người dân TPHCM đi bầu cử sớm, bầu đúng, bầu đủ, thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân của mình. Đặc biệt, trong cuộc bầu cử này, tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp, đang bùng phát ở mức độ cao, nguy hiểm, đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị người dân TPHCM chấp hành nghiêm các quy định về công tác phòng, chống dịch theo các phương án đã đề ra. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị phục vụ bầu cử đều diễn ra rất chu đáo. "Với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM, chúng tôi đã kiểm tra đầy đủ các phương án đối với các điểm bầu cử, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thật tốt, thật chặt chẽ", đồng chí Nguyễn Thành Phong thông tin.
Tại điểm bầu cử số 59 có 2.200 cử tri đi bỏ phiếu. Vợ chồng cử tri Lê Văn Giai, 88 tuổi là người lớn tuổi nhất. Cử tri Lê Văn Giai nhận xét công tác chuẩn bị bầu cử rất chu đáo, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Nghiên cứu thật kỹ tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên tại nhà nên cử tri Lê Văn Giai nhanh chóng vào phòng gạch phiếu bầu để lựa chọn người xứng đáng nhất.
Cử tri Lê Văn Giai tâm sự: "Sống gần đời người, thực hiện nhiều cuộc bầu cử nhưng cuộc bầu cử này rất đặc biệt, bên cạnh niềm phấn khởi còn có nỗi lo lắng đan xen. Thế mới thấy, đất nước khó khăn thì càng phải lựa chọn người có tâm, tài, đức để gồng gánh việc nước, lo cho dân. Tôi và con cháu đã bàn thảo nhiều lần, hy vọng những ứng cử viên trúng cử sẽ thực hiện đúng và tốt hơn những gì họ cam kết; sẽ nỗ lực đưa TP Thủ Đức và TPHCM ngày càng phát triển".
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ: Mang thùng phiếu lưu động đến nơi cách ly, chữa bệnh
Sau khi bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 65 (tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, phường 12, quận 3), Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ dành thời gian trao đổi với báo chí. Đồng chí nhận xét, TPHCM có hơn 5,6 triệu cử tri. Ngay từ sáng sớm, các cử tri đã hòa vào không khí vui tươi, rộn ràng của ngày hội non sông, tích cực tham gia bầu cử, lựa chọn ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội, HĐND các cấp.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đảm bảo công tác phòng, chống Covid-19 trong quá trình bầu cử, TPHCM xây dựng hoàn chỉnh phương án cho 4 tình huống: tổ chức bầu cử tại các khu vực, địa điểm bỏ phiếu; tổ chức bầu cử cho cử tri đang cách ly tại nhà; tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội, hoặc phong tỏa; tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hay xác định mắc Covid-19.
Để đảm bảo tất cả cử tri có quyền bầu cử theo quy định đều được bỏ phiếu, cán bộ của tổ bầu cử sẽ mang thùng lưu động đến tận nhà, tận khách sạn, tận bệnh viện - nơi cử tri đang cách ly, hoặc đang điều trị, giúp cử tri thuận tiện thực hiện quyền công dân. UBND phường, xã, thị trấn cũng vận động người dân đi bỏ phiếu đúng thời gian quy định, đúng lịch trình nhằm đảm bảo tại cùng một thời điểm trong ngày bầu cử không tập trung quá đông người ở phòng bỏ phiếu.
Dù dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp khó lường, nhưng TPHCM đã có những phương án, sự chuẩn bị hoàn chỉnh, chu đáo nhất. Do đó, quý cô bác anh chị cử tri có thể yên tâm thực hiện quyền bầu cử của mình trong ngày 23-5 này.