1. Vài năm trở lại đây, nhiều bạn trẻ xôn xao khi những con đường trong thành phố như: Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Võ Văn Kiệt (đoạn gần hầm vượt sông Sài Gòn), Hàm Nghi (quận 1)… rực sắc hoa kèn hồng vào độ sau Tết Nguyên đán. Ở đô thị này, quanh năm nắng nhiều hơn mưa, cũng bởi thế mà người ta chuộng cây tỏa bóng mát như cây dầu (chò nâu). Mùa kèn hồng là tên gọi mà các bạn trẻ, cánh nhiếp ảnh hay săn hình ưu ái đặt, với dân lao động thì mùa này tranh thủ cày cuốc, bởi trời nắng mần ăn cái gì cũng dễ hơn mấy ngày mưa dầm mưa dề.
Thành phố phương Nam vốn đã quen hai mùa mưa - nắng, sự thay đổi tiết trời theo mùa cũng không quá lớn để người ta nhận ra ngay. Bởi nơi này không phải bốn mùa hương sắc, chỉ đong đầy ân tình qua những lần mưa, nắng.
Cái nắng chói chang của thành phố những ngày mùa khô đủ khiến người ta tá hỏa giữa trưa. Đường phố những ngày này cũng tất bật chuyện mưu sinh theo mùa, cam vắt, chanh dây thành thức uống trào lưu mùa nắng trên khắp các tuyến đường. Các xe trái cây hàng rong cũng vô mùa nào xoài, bưởi, vú sữa… Miếng xoài vàng ươm, tô muối ớt đỏ au... đủ để khách đi đường có vội cũng phải ghé lại.
Vừa đẩy xe xoài xanh dừng lại đoạn trước Trường Đại học Sư phạm TPHCM (đường An Dương Vương), cô Nguyễn Thị Ba (58 tuổi, ngụ quận 8) kể: “Nắng kiểu này đứng một chút là phải đẩy qua để kiếm bóng râm, nắng tá hỏa tam tinh luôn bây ơi. Nhưng mà nói nào ngay, tao chịu nắng à, buôn bán đi lại cũng dễ, chứ mưa đồ ướt nhem, bán ế lắm bây”.
2. Nhịp đời mưu sinh vẫn từng ngày tất bật, dẫu là nơi hè phố hay cao ốc văn phòng công nghệ hiện đại, ai cũng có vòng xoay cơm áo riêng của mình. Và nơi hè phố, đôi khi giọt mồ hôi rơi cũng thật nghệ thuật, góc đường nào đó trong thành phố, người họa sĩ vẫn điềm tĩnh những nét vẽ, chờ người khách ký họa chân dung.
Khi chiếc điện thoại ngày càng chiều lòng người dùng, có đủ ứng dụng để chỉnh sửa hình ảnh đẹp như ý, ký họa như “người muôn năm cũ” cứ lặng lẽ bên đường, nhìn những điều mới lạ. Cô khách cầm bức tranh vừa đi, chú Nguyễn Văn Hà (54 tuổi, họa sĩ ký họa chân dung, ngụ quận 1) chia sẻ: “Tưởng đâu bỏ nghề luôn rồi, nhưng khoảng 3 năm nay, người ta bắt đầu chuộng lại tranh ký họa chân dung. Mấy bạn trẻ cũng thích tranh kiểu này để tặng nhau, còn người có tuổi họ tìm về như một hoài niệm”.
Cái nghề ký họa như chú Hà cực cũng không cực, mà sướng cũng chẳng sướng, đắp đổi qua ngày kể cũng vui. “Từ hồi vào thành phố tới giờ, tôi kiếm cơm bằng nghề vẽ này, nên muốn làm việc khác cũng không rành. Khách không còn chuộng nhiều như xưa, nhưng kể ra ráng chịu cày cũng không đến nỗi, đủ cơm ngày ba bữa”, chú Hà kể.
Và nghệ thuật nơi hè phố cũng là cơ hội để những bạn trẻ chạm vào đam mê. Có người trẻ say mê graffiti cứ tìm những con hẻm, chung cư cũ mà sáng tạo hay góc công viên cuối tuần lại văng vẳng tiếng đàn luyện tập của sinh viên trường nghệ thuật; có khi là bản nhạc ngẫu hứng của nhóm bạn trẻ chẳng chờ đợi lời tán dương hay tiếng vỗ tay vẫn ngân nga sáng cuối tuần phía trước Bưu điện thành phố.
3. Hè phố từng ngày đong đầy những câu chuyện ân tình, bình trà đá vỉa hè những ngày này cũng được quan tâm nhiều hơn. Một ly nước đỡ khát dưới cái nắng chói trời, đổi lấy nụ cười giữa những giọt mồ hôi nhễ nhại, cũng đủ khiến người ta hết lòng lo chuyện người dưng. Châm trà, bỏ đá rồi kê lại bình trà trước quán cơm 2.000 đồng (đường Ngô Quyền, phường 5, quận 10), anh Tuấn Tú, quản lý quán cơm, chia sẻ: “Trời nắng này, một ly trà đá đỡ khát lắm để mấy cô chú đỡ tiền mua”.
Làm đầy một bình nước mát lạnh để trên chiếc xe đẩy lỉnh kỉnh đồ ve chai, cô Phan Thị Tâm (65 tuổi, ngụ quận 8) nói: “Nắng vầy đạp xe chút là mồ hôi đầm đìa, khát nước dữ lắm. Tôi đem theo bình nước nhưng đâu đủ uống cả ngày, nhờ mấy bình trà đá miễn phí này lắm, dành được đồng nào hay đồng nấy, lo viện phí cho ông nhà”.
Từng ngày trôi qua, nơi hè phố của thị thành nhộn nhịp, những câu chuyện đời vẫn chắt chiu kể theo nhịp sống của người lao động. Là đô thị hiện đại, sôi động, nhưng ai cũng có thể tìm cho mình những góc nhỏ riêng trong cuộc mưu sinh. Để rồi mưa hay nắng, người ta vẫn thấy những ân tình thắm lại trong từng ly trà đá mát lành, trong phần bánh, cái áo ấm để cạnh giấc ngủ ngon lành của những cảnh đời không may, loay hoay nơi hè phố.