Nhường suất hỗ trợ cho người khó hơn

11:47 26/10/2021

Trong lần chi trả gói hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19 đợt 3 đang diễn ra, nhiều người dân ở TPHCM đã chủ động nhường lại suất hỗ trợ cho những người khó khăn hơn mình. Đây là việc làm hết sức trân trọng khi người dân cùng chung tay với thành phố, chăm lo người có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 sớm ổn định cuộc sống. 

“Ông bà hộ 190/4 BTX, tổ 36 xin hoàn trả 2 suất hỗ trợ. Thông báo với các cô, chú, anh, chị tại khu phố 1 cũng có 5 người hoàn trả cho ngân sách nhà nước, UBND phường sẽ chuyển giấy xác nhận cho người dân”. Đây là những dòng tin nhắn trong nhóm Zalo của Ban Chỉ đạo Covid-19 phường 3 (quận Tân Bình) về những trường hợp người dân tự nguyện nhường suất hỗ trợ từ gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân khó khăn hơn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Ông Hoàng Thanh Tâm (85/16A Phạm Văn Hai, phường 3, quận Tân Bình) là công nhân viên nhà nước và vợ là giáo viên tiếng Anh đã nghỉ ở nhà mấy tháng nay, không có thu nhập. Chính quyền địa phương lập danh sách gia đình ông thuộc diện nhận gói hỗ trợ nhưng ông không nhận vì cho rằng nhiều người khác còn khó khăn hơn mình. “Trong đợt dịch vừa qua có nhiều hoàn cảnh rất khó khăn nhưng mình không có điều kiện để giúp họ. Cho nên, khi địa phương báo được nhận gói hỗ trợ đợt 3, tôi nhường lại 3 suất để chính quyền chăm lo cho những người khó khăn hơn mình. Gia đình tôi còn có khả năng tự xoay xở được để lo cuộc sống hàng ngày”, ông Tâm chia sẻ. 

Tại phường Linh Trung (TP Thủ Đức) vừa qua, cũng có hơn 1.300 người không nhận gói hỗ trợ đợt 3, dù họ là những công nhân hoàn cảnh khó khăn. Còn ở quận Gò Vấp, địa phương có số người thuộc diện nhận trợ cấp khá lớn nhưng trong lần chi trả gói hỗ trợ đợt 3 cũng có nhiều hộ dân sẵn sàng nhường suất hỗ trợ để chính quyền chăm lo cho người thực sự khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Theo bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, trong lần chi gói hỗ trợ đợt 3 ở quận, có 221 hộ dân nhường lại suất hỗ trợ của mình cho những người khó khăn hơn. “Nhiều người chỉ ở mức sống trung bình nhưng sẵn sàng từ chối nhận suất hỗ trợ vì có khả năng tự lo cho bản thân và gia đình. Đây là những người có tinh thần sống vì cộng đồng, việc làm của họ xuất phát từ tinh thần tự giác, chia sẻ khó khăn với người cùng cảnh ngộ. Mong rằng những nghĩa cử đáng trân trọng này ngày càng lan tỏa”, bà My Thư nhận xét.

GIANG ĐÌNH/SGGP

Tin cùng chuyên mục