Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT).
Vai trò của cơ quan chủ quản còn mờ nhạt
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, thời gian qua, một số báo, tạp chí có biểu hiện hoạt động chưa đúng với tôn chỉ, mục đích. Tình trạng phóng viên, nhà báo thuộc các tạp chí vi phạm pháp luật có dấu hiệu tăng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Những năm qua, cơ quan báo, tạp chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia phản biện, góp ý, đề xuất các chủ trương, đường lối, chính sách…
Tuy nhiên, trong hoạt động, một số cơ quan báo chí, nhất là tạp chí, còn tồn tại những bất cập, hạn chế, khuyết điểm, chưa thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động báo chí như: Chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo định hướng; thông tin chưa bám sát tôn chỉ, mục đích, thiếu nhạy cảm chính trị, chưa chính xác; thông tin nặng về điều tra, phản ánh các biểu hiện tiêu cực, mặt trái xã hội, mà chưa quan tâm đúng mức tới thông tin, tuyên truyền điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; một số tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học nhưng hàm lượng thông tin khoa học ít; công tác quản lý phóng viên, nhất là phóng viên thường trú, văn phòng đại diện còn lỏng lẻo, bất cập; cơ quan chủ quản báo chí chưa thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo cơ quan báo chí.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT)
* Câu chuyện “báo hóa” tạp chí, theo ông xuất phát từ đâu?
- Có nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều tồn tại xảy ra ở các cơ quan chủ quản là các tổ chức hội, chủ yếu thuộc khối tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Quá trình quản lý nhà nước về báo chí, chúng tôi nhận thấy, nhiều cơ quan chủ quản báo chí không quan tâm tới kinh phí hoạt động, điều kiện tài chính, cơ sở vật chất của cơ quan báo chí; không giao nhiệm vụ kết hợp với tạo nguồn để cơ quan báo chí có thu nhập chính đáng. Thậm chí, có một số tổ chức hội, viện thuộc hội yêu cầu cơ quan báo chí trực thuộc đóng góp tài chính bằng các hình thức khác nhau cho hoạt động của cơ quan chủ quản. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cơ quan báo chí phải “xé rào”, làm sai tôn chỉ mục đích.
Bên cạnh đó, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí mắc sai phạm chưa được cơ quan chủ quản thực hiện nghiêm túc, thậm chí có hiện tượng đùn đẩy việc xử lý cho cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát của cấp ủy đảng cơ quan chủ quản đối với tổ chức đảng, đảng viên trong cơ quan báo chí còn hạn chế. Cá biệt, có một số cơ quan chủ quản đã can thiệp trái quy định vào hoạt động của cơ quan báo chí, cử người quyết định nội dung báo chí, quyết định nhân sự không theo quy chế...
Công khai giấy phép hoạt động để giám sát
* Để giải quyết thực trạng “báo hóa” tạp chí, Bộ TT-TT đã có những giải pháp gì?
- Thời gian qua, Bộ TT-TT đã ban hành tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí. Hiện nay, Bộ TT-TT đã công khai toàn bộ giấy phép hoạt động báo chí có ghi tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí trên Cổng thông tin của Bộ TT-TT để các cơ quan, tổ chức và nhân dân tham gia giám sát.
Bộ TT-TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan báo chí, đặc biệt đối với việc thực hiện tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép được cấp. Bộ TT-TT đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý biểu hiện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí; phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn (đình bản) một số cơ quan báo chí.
Các đơn vị chức năng của Bộ TT-TT đã chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá, xem xét để chấn chỉnh toàn diện, mọi mặt hoạt động của cơ quan báo chí và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật (chủ yếu là các tạp chí thuộc hội, viện).
* Qua thực trạng trên, Bộ TT-TT có kiến nghị gì?
- Chúng tôi đề nghị Bộ Nội vụ cân nhắc, rà soát, quản lý chặt chẽ hoạt động các tổ chức hội; chủ trì, phối hợp cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức hội, trong đó có trách nhiệm tổ chức hội với vai trò cơ quan chủ quản báo chí. Thực tế hiện nay, nhiều tổ chức hội có tôn chỉ, mục đích và chức năng, nhiệm vụ tương đồng dẫn đến việc chồng chéo tôn chỉ, mục đích giữa các cơ quan báo chí.
Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, rà soát, chấn chỉnh về việc thành lập tổ chức đảng của các cơ quan báo chí. Bởi lẽ, tổ chức đảng của cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, lãnh đạo cơ quan báo chí tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội. Tuy nhiên, hiện nay có một số cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí thuộc hội, viện có đủ điều kiện nhưng chưa thành lập tổ chức đảng.
GIA KHÁNH - NGUYỄN QUỐC/SGGP