Phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch

18:34 14/07/2021

(HMC) - Chiều 14/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Tham dự có đại diện các Bộ - ngành liên quan.

Chủ trì tại điểm cầu UBND TPHCM có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng với sự tham dự của Ủy viên BTV Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu; Ủy viên BTV Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Hữu Hiệp; các Phó Chủ tịch UBND TP và đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị, địa phương ở các điểm cầu trực tuyến.

Gần131.000 người lao động tự do đã nhận được hỗ trợ

Thông tin tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, từ 6 giờ ngày 13/7 đến 6 giờ ngày 14/7, TPHCM ghi nhận có 2.044 ca nhiễm. Trong đó phần lớn ở khu cách ly, khu phong tỏa; 170 trường hợp phát hiện từ tầm soát cộng đồng.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn

Hiện nay, TP đã thành lập và chuẩn bị đưa vào hoạt động Bệnh viện (BV) hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại cơ sở 2 BV Ung Bướu TP. Đội ngũ y bác sĩ của BV được tăng cường từ BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định và BV Ung bướu. 

BV hồi sức COVID-19 được trang bị trang thiết bị hiện đại, phòng bệnh rộng rãi, thông thoáng. TP cũng đang chuẩn bị thêm các điều kiện để khi cần thiết có thể tăng công suất, đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân.

Về công tác lấy mẫu xét nghiệm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết đang được triển khai đúng hướng; tập trung có trọng tâm, trọng điểm ở những nơi có nguy cơ cao; sự vận hành, phối hợp từ TP đến các quận - huyện, TP Thủ Đức đã đồng bộ, hài hòa hơn. Tại các quận - huyện cũng đã thành lập Tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm do một Phó Chủ tịch UBND quận - huyện làm Tổ trưởng; đồng thời, tiếp nhận sự hỗ trợ về nguồn nhân lực từ Trung tâm điều hành xét nghiệm của TP. Nhờ đó, việc trả kết quả xét nghiệm đảm bảo đúng thời hạn (mẫu đơn trong vòng 12 tiếng và mẫu gộp trong vòng 24 tiếng).

Bên cạnh đó, tại các khu vực phong tỏa, các quận - huyện cũng tiếp tục tăng cường vai trò các Tổ COVID-19 cộng đồng để kiểm soát việc thực hiện quy định giãn cách.

Việc cung ứng hàng hóa đã khắc phục được tình trạng khan hiếm cục bộ và khắc phục tình trạng chậm trễ khi giao các đơn hàng online. UBND TP đã giao Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá đột biến. TP cũng thành lập các đội ứng cứu nhanh để tiếp nhận và giải đáp kịp thời các kiến nghị, phản ánh của người dân trên địa bàn từng quận, huyện, TP Thủ Đức.

Về giao thông vận tải, TP duy trì kiểm tra, kiểm soát tại 12 chốt ở cửa ngõ ra/vào TP. Các chốt kiểm soát nội thành giao cho các địa phương linh động bố trí, chuyển sang phương thức kiểm tra, tuần tra lưu động.

Sau 9 ngày triển khai chính sách hỗ trợ, TP đã hỗ trợ cho gần 131.000 người lao động tự do với tổng số tiền gần 196 tỷ đồng, trong đó có khoảng gần 9.000 người bán vé số, đạt 57% kế hoạch.

Về tình hình hoạt động doanh nghiệp (DN), bắt đầu từ 0 giờ ngày 15/7 cho đến khi có thông báo mới, các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ); các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm", chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân) thì được phép tiếp tục sản xuất; còn lại phải tạm ngừng hoạt động. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 07 ngày/lần, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh, hiện nay ngành Y tế TP đang rất nỗ lực trong công tác điều trị, ngăn chặn các ca tử vong. Lúc này cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, trong đó có việc tuyên truyền sâu rộng các thông tin chính thống về các quy định phòng, chống dịch của TP cũng như các kết quả TP đã làm được để người dân biết, yên tâm, tin tưởng và chủ động đấu tranh với các thông tin tiêu cực, sai lệch, kích động gây hoang mang dư luận.

Ứng dụng công nghệ đồng bộ để công tác phòng chống dịch thật sự hiệu quả

Lắng nghe báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh của TP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, sau 6 ngày triển khai giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều vấn đề lúng túng ban đầu đã được khắc phục; công tác xét nghiệm đã bài bản hơn, góp phần quan trọng trong truy vết, điều tra dịch tễ. Các phần mềm hỗ trợ công tác phòng chống dịch cũng được xây dựng và sẵn sàng triển khai.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một cuộc họp trực tuyến với TPHCM. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một cuộc họp trực tuyến với TPHCM. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, TP cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về sự nỗ lực của TP để tổ chức lại đời sống sinh hoạt cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội, nhất là đảm bảo cung ứng hàng hóa và hỗ trợ kịp thời các đối tượng khó khăn. Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện tại, không thể đáp ứng nhu cầu như bình thường, TP cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng TP.

Bên cạnh đó, việc lưu thông của người dân trong TP và với bên ngoài cũng cần được xem xét, điều chỉnh thêm để không bị ách tắc. TPHCM là địa phương đầu tiên ứng dụng hệ thống phần mềm QR code nhận diện phương tiện ưu tiên ra/vào TP, điều này rất tốt nhưng chống dịch cần phải là hệ thống đồng bộ, liên tỉnh mới thật sự hiệu quả. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với TPHCM và các tỉnh, thành rà soát, nghiên cứu chuyển đổi sang phần mềm dùng chung.

“Vấn đề không phải ở kỹ thuật mà là sự thống nhất để đem lại hiệu quả cao nhất" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Mở rộng hệ thống QR Code tại các điểm công cộng

Thông tin thêm về các biện pháp ứng dụng công nghệ, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đang triển khai 05 bộ công cụ công nghệ, trong đó có 02 bộ công cụ đã triển khai với TPHCM, bước đầu đạt kết quả khả quan. Theo đó, về việc triển khai hệ thống QR Code, Bộ đề nghị trong vòng 48 tiếng, hệ thống QR Code phải đồng bộ, liên thông các tỉnh thành để người dân đi lại thuận tiện hơn. Sau khi liên thông, hệ thống QR Code cần triển khai mở rộng tại các điểm công cộng để tăng hiệu quả.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Y tế, TPHCM để triển khai ứng dụng hệ thống QR Code vào công tác xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm. Trong đó, ngày 12/7 đã đưa được 20.000 kết quả xét nghiệm COVID-19 và ngày 13/7 có 14.000 kết quả được cập nhật lên ứng dụng Mobile và QR Code.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Võ Thị Trung Trinh thông tin thêm về việc trả kết quả xét nghiệm qua hệ thống QR Code
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Võ Thị Trung Trinh thông tin thêm về việc trả kết quả xét nghiệm qua hệ thống QR Code

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Võ Thị Trung Trinh cho hay, với hình thức trả kết quả xét nghiệm qua hệ thống khai Báo y tế điện tử, người dân có thể sử dụng điện thoại thông minh tải phần mềm “Y tế HCM” để tự tra kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 và kết quả xét nghiệm được xác nhận bằng mã QR trên hệ thống khai báo y tế có giá trị tương đương với bản giấy Tờ kết quả xét nghiệm.

Việc liên thông hệ thống QR Code, hiện nay đã đồng bộ được mã QR Code cá nhân của những người sử dụng tại TPHCM vào hệ thống QR Code của cả nước; đồng thời Sở đang triển khai đồng bộ kết quả xét nghiệm COVID-19 từ TPHCM lên các ứng dụng khác như BLUEZONE, NCOVI.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục