Chiều 26-12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo Khoa học “Thực trạng các cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng – Các vấn đề đặt ra”.
Các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Thạc sĩ Nguyễn Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, chủ trì hội thảo.
Các nghị quyết, quyết sách phải được đo lường bằng giá trị xã hội
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định rõ 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Ở đó, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng ta.
Trong thực tiễn cầm quyền của Đảng, nổi lên ba nhóm công việc chủ yếu. Đó là, lựa chọn và phát triển lý luận cầm quyền đúng; xây dựng và thực thi cương lĩnh cầm quyền phù hợp, được đại đa số dân chúng trong xã hội ủng hộ và thực hiện; kiến tạo bộ máy cầm quyền hiệu quả và đội ngũ cán bộ cầm quyền giỏi. Tất cả hoạt động đó của Đảng được vận hành bằng nguyên tắc tập trung dân chủ.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, thước đo của thành công khi thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ là ở “đầu ra của quyết định”, tức là những giá trị có thể định lượng được. Các quyết định của Đảng như các nghị quyết, quyết sách phải được đo lường bằng giá trị xã hội về chính trị, kinh tế, văn hóa, và sự hội nhập phát triển…
Đồng chí thông tin, theo báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII tại Đại hội XIII của Đảng đã cho thấy rõ kết quả của công tác tập trung dân chủ. Cũng theo báo cáo, việc nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng chưa nghiêm, thậm chí là vi phạm. Trong nhiệm kỳ XII, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã phát hiện, xử lý theo thẩm quyền nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm kỷ luật đảng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Phần lớn các vụ việc vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc trong quá trình thực hiện cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ (trong tình hình mới) đã bộc lộ, phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Cần có cơ chế rõ ràng
Từ gợi ý của đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu vào các nội dung cốt lõi nhằm xác định một cách đúng đắn, đóng góp thêm vào khái niệm Cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Cùng với đó là thảo luận về những kết quả, hạn chế, những nguyên nhân và kinh nghiệm thực tiễn được rút ra qua việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong các mặt công tác của Đảng, qua công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với yêu cầu của thực tiễn chung của đất nước hiện nay.
GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, cho rằng, cần làm rõ bản chất của tập trung dân chủ. Dân chủ là lấy ý kiến của đa số để ra quyết định. Cơ chế lãnh đạo khi ra nghị quyết không thể bỏ qua nguyên tắc tập trung dân chủ. Và tài năng của người lãnh đạo chính là làm sao để có được tinh thần tập trung dân chủ một cách tốt nhất trước khi ra quyết định mang tính sinh mạng của tổ chức, đơn vị, địa phương, quốc gia.
Đồng thuận với ý kiến trên, TS Nguyễn Thị Thảo, Học viện Chính trị khu vực II, nhấn mạnh, đặc điểm của nổi bật của nguyên tắc tập trung dân chủ là quyết định theo đa số, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách nên cần phải có cơ chế phân định rõ đâu là thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, đâu là thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân để tránh tình trạng vượt quyền, sai quyền.
Từ thực tiễn công tác cán bộ ở địa phương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Võ Văn Tân cũng đề xuất cần nâng cao nhận thức của đảng viên và cấp ủy, nhất là người đứng đầu hiểu nội dung nguyên tắc tập trung dân chủ.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, PGS.TS Vũ Văn Phúc, ghi nhận, các ý kiến tâm huyết, chất lượng của các chuyên gia, nhà khoa học đã làm rõ các vấn đề thuộc về nội hàm cũng như phương thức, tổ chức bộ máy thực thi cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Đồng thời, nêu rõ thành tựu, nút thắt, điểm nghẽn trong thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong tình hình mới.
PGS.TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh, ý kiến của các đại biểu sẽ là chất liệu để ban tổ chức hội thảo tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện và góp thêm ý kiến giúp Bộ Chính trị ban hành cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng hiệu quả hơn.
Tại Đảng bộ TPHCM, đồng chí Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM, cho biết, cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy quy định.
Cụ thể, tất cả các cuộc kiểm tra, giám sát của Đảng đều được thông tin đến đối tượng kiểm tra, giám sát để có ý kiến góp ý và chấp hành. Trước khi ban hành thông báo kết luận kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đều được thảo luận dân chủ, công khai tại các hội nghị của Đảng theo quy định. Đối tượng kiểm tra, giám sát được dự các hội nghị theo quy định và được phát biểu, bảo lưu ý kiến của mình.
Cùng với đó, các ý kiến phát biểu của tổ chức Đảng có liên quan, đối tượng kiểm tra, giám sát đều được báo cáo đầy đủ tại hội nghị của ủy ban kiểm tra cấp ủy để xem xét, quyết định hoặc đề nghị tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc bỏ phiếu xem xét, xử lý được thực hiện theo đúng quy định của Đảng, bằng hình thức bỏ phiếu kín và quyết định theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.