Phòng, chống dịch COVID-19 từ những hành động chân thành nhất

09:26 05/08/2021

Mỗi "chiến sỹ áo trắng" không chỉ chống dịch bằng bằng khả năng mà còn phát huy tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình, chân thành, tạo nên sức mạnh to lớn trong cuộc chiến chống đại dịch.

Bác sỹ chăm sóc cho bệnh nhân nặng mắc COVID-19. (Ảnh: TTXVN)
Bác sỹ chăm sóc cho bệnh nhân nặng mắc COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Những ngày này, tại Thành phố Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới.

Trong bối cảnh đó, các lực lượng y, bác sỹ ngày đêm nỗ lực không ngừng nghỉ để điều trị cho các bệnh nhân.

Dù ở vị trí công tác nào, mỗi "chiến sỹ áo trắng" không chỉ chống "giặc COVID-19" bằng khả năng mà còn phát huy tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình, chân thành để tham gia "tác chiến," tạo nên sức mạnh to lớn trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

"Không từ chối bất cứ ai"

Bệnh viện Nhân dân Gia Định là một trong những cơ sở y tế có đội ngũ y, bác sỹ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm ở các chuyên khoa lớn, nhiều phân khoa sâu, được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.

Với quy mô lớn 1.500 giường, hằng ngày, bệnh viện phục vụ khoảng 1.500 bệnh nhân nội trú, hơn 5.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh và hơn 300 lượt bệnh nhân cấp cứu.

Là bệnh viện đa khoa loại I trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt dịch lần thứ 4, bệnh viện nỗ lực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngay tại bệnh viện và hỗ trợ các đơn vị khác trên toàn Thành phố tham gia chống dịch. 

Tại bệnh viện, đơn vị đã nhanh chóng triển khai đơn vị cách ly y tế để xử lý các tình huống dịch bệnh.

Khi số ca mắc COVID-19 tăng cao, từ 27/7, bệnh viện triển khai giai đoạn 1 gồm 57 giường hồi sức điều trị các ca mắc COVID-19 ở tuyến cuối, bao gồm các kỹ thuật như thở máy, lọc máu…

Trước số lượng bệnh nhân tăng cao, chỉ 2 ngày sau, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 70 bệnh nhân điều trị ở tuyến cuối.

Song song với hoạt động tại bệnh viện, ngay sau khi được phân công phụ trách Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đặt tại cơ sở 2 của Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã huy động hơn 50 y, bác sỹ của Khoa Cấp cứu, Hồi sức và các khoa, phòng có liên quan "tác chiến" ngay.

"Mỗi ngày, khu cấp cứu đều thu dung, tiếp nhận một số trường hợp mắc COVID-19, trong khi đó, mặt bằng bệnh viện hạn hẹp, hoạt động theo mô hình cấp cứu đa khoa, một nửa lực lượng y, bác sỹ được phân công làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, phong tỏa, Bệnh viện Hồi sức COVID-19… chúng tôi không có khả năng nhận, cũng không chuyển đi được. Các bệnh nhân đến đây hầu hết đều nghèo, rất nghèo, chúng tôi trăn trở và rất đau lòng," Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ.

Với phương châm "lấy người bệnh làm trung tâm," Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, đội ngũ y, bác sỹ của bệnh viện sẽ "cố gắng hết mình, làm hết khả năng, công sức để không từ chối bất cứ ai."

Nói là làm, bệnh viện hiện đang triển khai kế hoạch giai đoạn 2 để mở rộng, chia tách, nâng công suất điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 lên 400 giường hồi sức cấp cứu, đáp ứng tình hình dịch bệnh trước mắt.

Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định khẳng định, lực lượng y, bác sỹ của Bệnh viện sẽ cố gắng hết sức, trong vòng 2 ngày tới mở rộng khu thu dung và điều trị, quyết tâm thực hiện hết khả năng hiện có để cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Anh Dũng xúc động chia sẻ: Cứu được bao nhiêu bệnh nhân, chúng ta phải làm ngay, cố hết sức, theo đúng tinh thần chỉ đạo "tuyệt đối không từ chối tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nặng nếu vẫn còn khả năng tiếp nhận."

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Thành phố, Bộ Y tế, diễn ra vào chiều muộn 4/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo đủ trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, đồ bảo hộ cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Chung sức phòng dịch COVID-19

Nhằm sớm phủ rộng vùng an toàn tại cộng đồng, từ ngày 1/8, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các đội tiêm chủng lưu động đến tận nơi làm việc, sinh sống của người dân để thực hiện tiêm chủng trong điều kiện Thành phố tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Có mặt tại điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đặt ở Trường Trung học Cơ sở Võ Thị Sáu, Phường 3, quận Bình Thạnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình của các y, bác sỹ, tình nguyện viên trong việc điều phối, hỗ trợ người dân; thăm hỏi, động viên người cao tuổi đến tiêm vaccine.

Thời tiết nắng nóng, mặc bộ đồ bảo hộ kín mít nhưng trên tiếng loa phát thanh, chị Nguyễn Thị Cẩm Thy, nhân viên phòng Dược, Bệnh viện Bình Thạnh, quận Bình Thạnh dõng dạc mời các bác lớn tuổi đến khám, tiêm bằng chất giọng trìu mến "con mời bác," "con mời cô"…

Các y, bác sỹ Quận 3 cùng người nhà hỗ trợ người cao tuổi đến tiêm vaccine tại điểm tiêm trường tiểu học Trần Quốc Thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Các y, bác sỹ Quận 3 cùng người nhà hỗ trợ người cao tuổi đến tiêm vaccine tại điểm tiêm trường tiểu học Trần Quốc Thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chị Cẩm Thy chia sẻ hầu hết người đến tiêm tại điểm này đều cao tuổi, có bệnh nền nên việc tiêm vaccine phòng COVID-19, công tác khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm dài hơn so với đối tượng khác. Khi triển khai, các lực lượng phải nói thật dõng dạc, hỗ trợ các bác biết số thứ tự, thông tin tiêm chủng.

"Thực hiện nhiệm vụ được giao, chúng tôi đặt trách nhiệm song song với sự chân thành, nhiệt tình để các bác cảm thấy thoải mái, yên tâm khi đi tiêm, hỗ trợ kịp thời để đảm bảo đúng tiến độ tiêm chủng," nữ nhân viên y tế chia sẻ.

Tham gia tiêm vaccine chiều 4/8, bác Hà Minh Thông (ở phường 11, quận Bình Thạnh) bày tỏ xúc động trước sự chu đáo, lễ phép của các lực lượng tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

"Điểm tiêm được sắp xếp rất khoa học, trình tự, không ùn ứ, đảm bảo khoảng cách tiếp xúc, nên tôi thấy yên tâm khi đến tiêm. Tôi rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ, Thành phố về việc giãn cách xã hội và mong muốn toàn dân thực hiện nghiêm, triệt để để Thành phố sớm quay trở lại cuộc sống bình thường," bác Thông chia sẻ.

Chung sức cùng lực lượng y tế tham gia phòng, chống dịch, Chi hội Nhịp cầu yêu thương-Hội Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đợt hiến máu tình nguyện để bổ sung cho ngân hàng máu của gần 150 bệnh viện trong Thành phố đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tham gia hiến máu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Dương Anh Đức cho biết, trong thời gian Thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, để kịp thời bổ sung nguồn máu dự trữ, cần duy trì tổ chức các buổi hiến máu đảm bảo đúng quy định an toàn phòng chống dịch, đặc biệt thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người có nguyện vọng hiến máu; mong người dân có khả năng, có sức khỏe tham gia hiến máu để chia sẻ khó khăn với cộng đồng, phát huy tinh thần nghĩa tình của Thành phố Hồ Chí Minh.

"Rất mừng là sau khi Thành phố kêu gọi nhân dân hiến máu, tình hình tại các ngân hàng máu đã khả quan hơn," ông Dương Anh Đức chia sẻ.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, những trái tim nhiệt huyết cống hiến của đội ngũ cán bộ y tế không chỉ góp phần hoàn thành nhiệm vụ, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, mà còn là động lực để cả nước cùng Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến niềm tin chiến thắng đại dịch./.

Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục