Phục hồi hoạt động của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để khôi phục kinh tế

16:15 03/10/2020

(HMC) - Ngày 03/10, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid – 19 hiện nay”. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở - ban - ngành, đơn vị, Hiệp hội, Hội ngành nghề cùng đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đánh giá cao những nỗ lực của Thành phố trong cuộc chiến chống dịch Covid thời gian vừa qua, minh chứng là cho đến thời điểm này Thành phố đã trải qua hơn 60 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng và đã điều trị khỏi bệnh cho toàn bộ 77 bệnh nhân, không có trường hợp tử vong. Về cơ bản, thành phố đã trở lại nhịp sống bình thường mới, đây là một thành quả rất to lớn, là công sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến cực kỳ phức tạp ở các quốc gia khác trên thế giới.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Huyền Mai
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Huyền Mai

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nêu lên những khó khăn của nền kinh tế Thành phố khi vừa mới chớm phục hồi lại tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bệnh lần thứ hai.

“Lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2%, lần đầu tiên có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng và làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố hơn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành của thành phố bị sụt giảm cả số lượng hành khách lẫn doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết.

Tuy nhiên, đến nay với hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, 30.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 696.000 tỷ đồng, trong đó có 579 doanh nghiệp thành lập mới có số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng, điều đó đã cho thấy sức sống mãnh liệt của các doanh nghiệp Thành phố.

“Từ thực tiễn phát triển kinh tế qua 35 năm đổi mới, nhất là 15 năm gần đây cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đã tạo nên luồng sinh khí mới, trở thành một động lực trực tiếp của tăng trưởng kinh tế. Với trên 438.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chiếm 32% cả nước, đóng góp 54% quy mô nền kinh tế và 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố. Do đó, phục hồi kinh tế đối với thành phố hiện nay, trước mắt là phải phục hồi hoạt động của doanh nghiệp bởi chính doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm; đồng thời, đây cũng là bộ phận góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Với mục tiêu tìm ra những giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát  triển kinh tế trong dài hạn, nhất là tăng cường liên kết để 438.000 doanh nghiệp tạo thành một khối thống nhất, trở thành nhân tố quan trọng phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong gợi mở nhiều vấn đề để thảo luận trong buổi tọa đàm như: Các chính sách để thành phố ban hành hoặc kiến nghị Trung ương ban hành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới; Các giải pháp phát triển kinh tế để không bị đứt gãy, bảo đảm việc làm cho người lao động để có sự tăng trưởng cần thiết. Đồng thời, làm thế nào để doanh nghiệp, doanh nhân phát huy vai trò là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận này; Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong khâu vận hành các quyết sách của thành phố “trên nóng dưới lạnh, trên quyết liệt dưới thờ ơ”, làm sao để các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp phải được tháo gỡ kịp thời, từ thành phố đến cơ sở phải làm tốt hơn nữa việc hỗ trợ doanh nghiệp; Các giải pháp để làm tốt nhất khâu tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố đối với phát triển kinh tế; Giải pháp để phát huy truyền thống sáng tạo của người dân thành phố cả trong hiện tại và tương lai, đặc biệt là hưởng ứng Giải thưởng sáng tạo thành phố lần thứ 2 năm 2021 do thành phố phát động ngày 30/9 vừa qua.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Huyền Mai
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Huyền Mai

Tại buổi Tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Chu Tiến Dũng đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn đã đưa ra một số giải pháp và kiến nghị để khắc phục vấn đề khó khăn của Doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại như: Xem xét điều chỉnh các điều kiện để các gói chính sách hỗ trợ được áp dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng ngành nghề, quy mô, loại hình SXKD; Ngân hàng nhà nước cần sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng được hỗ trợ, cải thiện các điều kiện cho vay theo hướng đơn giản, thuận lợi cho Doanh nghiệp, mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua thẩm định phương án kinh doanh, quản lý nguồn thu và dòng tiền…; Gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất thêm thời gian lên 12 tháng cho doanh nghiệp và gia hạn chậm bảo hiểm hưu trí, tử tuất lên 6 tháng người lao động trong doanh nghiệp; Hỗ trơ Doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa; Kiến nghị giảm thuế thu nhập Doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng…

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Chu Tiến Dũng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Khang Minh
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Chu Tiến Dũng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Khang Minh

Xung quanh ý kiến về gói hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong một lần nữa nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa quan trọng của gói hỗ trợ này đối với người lao động và các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid – 19. Từ đó, yêu cầu các Sở-ban-ngành cần quan tâm hơn nữa để tháo gỡ vướng mắc về chính sách, đồng thời UBND TP sẽ có văn bản chỉ đạo về vấn đề này.

Về ý kiến của ông Trần Kim Chung – Chủ tịch HĐQT TGĐ C.T Group về việc các Doanh nghiệp có thể bỏ phiếu tín nhiệm cho các Sở-ban-ngành nhằm cải thiện thủ tục hành chính, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định việc cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc cho DN là “khơi dòng để tạo nguồn lực”. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu Hiệp hội DN phát triển phần mềm thu thập thông tin ý kiến từ DN để Thành phố kịp thời giải quyết các vấn đề của Doanh nghiệp trong thời gian tới.

“Vai trò của các Hiệp hội DN rất quan trọng. Trong thời gian tới, đối với những vấn đề liên quan chính sách kinh tế của Thành phố, Thành phố sẽ mời các ngành cụ thể cùng tham gia ý kiến, căn cứ vào khó khăn thực tế của từng ngành để đề ra chính sách sát và phù hợp nhất.”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Trong buổi tọa đàm, vấn đề chuyển đổi số được được nhiều doanh nghiệp đề cập và quan tâm. Về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết trong giai đoạn 1, Thành phố đã triển khai được 4 phần cơ bản, bao gồm Kho dữ liệu dùng chung, Trung tâm điều hành chỉ huy, Trung tâm dự báo mô phỏng phát triển kinh tế xã hội và sắp tới ra mắt Trung tâm vận hành về an toàn an ninh thông tin. Thành phố đang khẩn trương triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh song hành cùng với chương trình chuyển đổi số, góp phần giữ vững thành quả trong công tác phòng chống dịch, cũng như góp phần hạn chế tối đa tác động của suy thoái kinh tế và tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế Thành phố.

Khang Minh

Tin cùng chuyên mục