Ra mắt sách “Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1963-1975)”
(HMC) - Nhân kỷ niệm 60 năm ngày ra mắt Báo Quân giải phóng (1/11/1963 - 1/11/2023), sáng 1/11, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tổ chức buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm “Báo Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam (1963-1975)” của Đại tá - PGS.TS Hồ Sơn Đài. Cuốn sách là kết quả hai năm sưu tầm, chú giải của tác giả nhằm góp thêm tư liệu lịch sử cho một giai đoạn kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, tri ân các cựu cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo Quân giải phóng một thời.

Trong 12 năm, báo Quân giải phóng cho ra đời được 338 số, số cuối ra ngày 15/10/1975. Đó là giai đoạn chiến tranh khốc liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Và hơn hết, tờ báo đã trở thành bộ phận quan trọng hợp thành mũi đấu tranh chính trị trong phương châm hai chân, ba mũi, ba vùng; là thứ vũ khí tin cậy và sắc bén của Quân ủy, Bộ Tư lệnh, các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng và văn hóa.
Cuốn sách có độ dày hơn 400 trang, gồm 4 chương gắn liền với 4 giai đoạn lịch sử của chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Chương 1 là giai đoạn 1963-1965 gắn liền với “Chiến tranh đặc biệt”; chương 2 là giai đoạn 1966-1968 “Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân”; chương 3 là giai đoạn 1969-1972 “Thời kỳ chiến trường mở rộng qua Campuchia”; chương cuối là giai đoạn 1973-1975 nổi bật với “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975”. Phần phụ lục còn giới thiệu một số đoạn hồi ức của cựu nhà báo và danh sách kèm ảnh chân dung đầy đủ cán bộ phóng viên báo Quân giải phóng từ khi thành lập cho đến ngày kết thúc nhiệm vụ.

Chia sẻ về quá trình thu thập thông tin và tìm nhân chứng, Đại tá - PGS. TS. Hồ Sơn Đài cho biết, vượt qua mọi khốc liệt, hàng nghìn tin, bài viết tay trên các trang giấy xé từ tập vở trăm trang nhòe máu đã được gửi từ mặt trận về xưởng in, rồi từng tờ báo lần lượt rời xưởng in đến tay người đọc. Cũng như những phương tiện truyền thông khác lúc bấy giờ như báo Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, nội dung của báo Quân giải phóng phản ánh, quy chiếu cuộc chiến tranh chống Mỹ trên chiến trường miền Nam từ hướng tiếp cận của những người lính cách mạng-nhà báo.
"Gần nửa trong số họ đã ra đi trước và sau ngày 30/4. Tôi viết cuốn sách nhỏ này, phần để góp tư liệu cho nỗ lực phục dựng lịch sử Việt Nam thời hiện đại, phần để tri ân các cựu cán bộ, phóng viên, nhân viên, những người giờ đây dù tuổi đã trên, dưới tám mươi, vẫn vẹn nguyên niềm tự hào một thời làm báo Quân giải phóng", ông nói.
Tại sự kiện, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho rằng, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên viết đầy đủ về báo Quân giải phóng - cơ quan ngôn luận của lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam.
“Tôi rất cảm phục sự lao động sáng tạo, tình cảm của tác giả đã dành cho báo Quân giải phóng. Tôi tin rằng cuốn sách này sẽ là tư liệu, hành trang cho những người làm báo trẻ để hiểu thêm về chặng đường của người làm báo trong kháng chiến. Đây cũng là tư liệu quý dành cho độc giả, những người sau này phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy về báo chí cách mạng Việt Nam”. – ông Trần Trọng Dũng chia sẻ.