TPHCM: Năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 25% GRDP

05/09/2022 09:19

(HMC) - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên vừa ký ban hành Chỉ thị 17-CT/TU về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

Tại Chỉ thị này, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội TP quán triệt, nâng cao nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, tạo lập, tích hợp và khai thác hiệu quả các dữ liệu để phục vụ công tác phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và quản trị TP theo hướng hiện đại; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trên các lĩnh vực và thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 25% tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn TP.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số

Theo Chỉ thị 17, lãnh đạo HĐND TP chủ động, sáng tạo, có giải pháp chuyển đổi số phù hợp, hiệu quả các hoạt động của HĐND thành phố, đồng thời quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số; Phối hợp với UBMTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội TP xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện Chương trình Chuyển đổi số và Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh; Giám sát vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

Thúc đẩy, khuyến khích, tạo điều kiện cho Nhân dân và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số

Ban cán sự đảng UBND TPHCM chỉ đạo từng đơn vị, cơ quan trong toàn hệ thống đề ra chương trình hành động cụ thể, định lượng, thời gian thực hiện với tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, quyết tâm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác chuyển đổi số và xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; Thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu, nhất là dữ liệu dân cư, quy hoạch, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở... Bảo đảm kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, cung cấp các tiện ích, dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong môi trường số, trước hết là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu, ban hành các quy định, chính sách hiện hành nhằm nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền theo kịp thực tiễn quá trình chuyển đổi số; Bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện, trong đó xem xét ưu tiên nguồn lực để triển khai tại TP Thủ Đức góp phần hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông.

Đồng thời, có giải pháp thúc đẩy, khuyến khích, tạo điều kiện cho Nhân dân và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, tham gia xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, khoa học công nghệ tích cực đầu tư, tham gia vào quá trình chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ số thiết yếu.

Tăng cường chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và Chủ tịch UBND các quận, huyện ký kết chương trình phối hợp với UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn để vận động từng hộ dân, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp thực hiện 3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số là xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số; giám sát, đánh giá và công nhận chỉ số chuyển đổi số của từng địa bàn tại thành phố.

Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời về công tác chuyển đối số và xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn TPHCM; Tuyên truyền về các lợi ích thực tế mang lại từ chuyển đổi số trong đời sống xã hội; giới thiệu, nhân rộng các điển hình tập thể, cá nhân làm tốt công tác chuyển đổi số, các mô hình kinh doanh số, kinh tế số tiêu biểu, các giải pháp dùng công nghệ số hiệu quả để báo chí truyền thông tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa đến cộng đồng.

Khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu và cung cấp các tiện ích cho người dân

Chỉ thị 17 nêu rõ, Đảng ủy Công an thành phố chỉ đạo Công an thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Đề án “Phát triển ứng dụng, dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan tạo lập, tích hợp và khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu, cung cấp ngày càng nhiều tiện ích nghiệp vụ ngành Công an như tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng và cung cấp các tiện ích cho người dân như định danh, xác thực người dân, dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, di chuyên nội địa, dịch vụ tiện ích cho nhóm đối tượng yếu thế.

Giám sát vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác chuyển đổi số

Ban Dân vận Thành ủy, Đảng đoàn UBMTTQ Việt Nam TP, các tổ chức chính trị - xã hội TP và Ban Thường vụ Thành Đoàn chủ động, sáng tạo, có giải pháp chuyển đổi số hiệu quả tại đơn vị; Xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và đoàn viên, hội viên thống nhất nhận thức và tích cực tham gia thực hiện công tác chuyển đổi số.

Cùng với đó, chủ động phối hợp với HĐND TP và UBND các cấp xây dựng kế hoạch giám sát, nhất là giám sát vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh; Phát động các phong trào thi đua, phối hợp tổ chức tuyên dương, nhân rộng gương điển hình các tập thể, cá nhân tích cực trong quá trình thực hiện.

Tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội để hoàn thành các mục tiêu về chuyển đổi số

Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí TP thực hiện các chuyên trang, chương trình thường kỳ để tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh; Tuyên truyền rộng rãi về các gương điên hình tiên tiến, những cách làm mới, sáng tạo trong việc đấy mạnh và ứng dụng chuyến đối số trên các lĩnh vực.

TPHCM ban hành Chỉ thị 17/CT-TU đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh (Ảnh minh họa).

Các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai chuyển đổi số phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương

Các quận ủy, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức có văn bản chỉ đạo triển khai chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, bảo đảm đồng bộ, liên thông chia sẻ dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin và đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Nâng cao nhận thức của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh. Ưu tiên bố trí kinh phí hợp lý để thực hiện và tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát vai trò người đứng đầu cấp ủy, UBND phường, xã, thị trấn trong xây dựng kế hoạch thực hiện, chỉ đạo, điều hành công tác chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn.

Ngoài ra, chủ động phát hiện, giới thiệu các điển hình tập thể, cá nhân làm tốt công tác chuyển đổi số, các mô hình hay, cách làm hiệu quả để biểu dương, nhân rộng tại địa phương, đơn vị, đồng thời đề xuất UBND TP tuyên dương, khen thưởng (nếu có).

Năm 2022, TPHCM đặt mục tiêu thực hiện nhanh, hiệu quả việc chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, gắn kết với việc xây dựng Thành phố trở thành thành phố thông minh. Mục tiêu này đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trên cơ sở đó, TP đã chủ động đề ra nhiều giải pháp, bước đầu đã phát huy hiệu quả dữ liệu dùng chung, triển khai giải pháp công nghệ sổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và một sổ tiện ích trong các lĩnh vực: quy hoạch, giao thông, giáo dục, y tế…